Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó quên hương vị rau rừng

10:11, 06/11/2015

Khác với rau vườn thường có quanh năm, rau rừng chỉ dồi dào và ngon nhất vào mùa mưa. Bởi, sau mỗi trận mưa khoảng 1-2 ngày, đọt rau rừng nảy ra cùng với những lá non mơn mởn. Khi ấy, chính là lúc hái và chế biến thành những món ăn ngon nhất.

Khác với rau vườn thường có quanh năm, rau rừng chỉ dồi dào và ngon nhất vào mùa mưa. Bởi, sau mỗi trận mưa khoảng 1-2 ngày, đọt rau rừng nảy ra cùng với những lá non mơn mởn. Khi ấy, chính là lúc hái và chế biến thành những món ăn ngon nhất. Rau rừng của Đồng Nai khá phong phú và loại nào cũng được xem như đặc sản, đã thưởng thức qua rồi rất khó quên.

Rau chại là một trong những loại rau rừng được nhiều người ưa thích, có bán ở huyện Nhơn Trạch khá nhiều.
Rau chại là một trong những loại rau rừng được nhiều người ưa thích, có bán ở huyện Nhơn Trạch khá nhiều.

Thời xưa, rau rừng là món thường ngày của các làng dân tộc, như: Chơro, S’Tiêng, Mạ…nhưng nay rau rừng được đưa về phố, là món đặc sản được mọi người trả giá cao để thưởng thức.

* Đặc sản của rừng

Có dịp ghé thăm làng dân tộc Chơro tại xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), khách sẽ được đãi món canh bồi, món ăn đặc trưng nhất của dân tộc này. Trong lễ hội Sayangva để tạ thần linh cho một mùa vụ bội thu, cầu xin mưa thuận gió hòa thường không thể thiếu món đặc sản của núi rừng này. Món canh này độc đáo vì được chế biến từ các loại rau rừng, như: đọt mây, lá xanh, lá nhíp... Khâu chuẩn bị nguyên liệu nấu cũng rất kỳ công: gạo ngâm rồi xay chung với 1 nắm lá xanh, cho đọt mây, thịt vào hầm nhừ. Sau đó, thêm các loại rau, như: đọt khổ qua rừng, đọt ớt, cải trời, lá bép…là có món canh ngọt ngào, dậy thơm hương vị núi rừng.

Ông Trần Văn Lý, dân tộc Chơro tại xã Xuân Thiện, kể: “Xưa chúng tôi vào rừng săn được con thú, hái các loại rau rừng là có món canh ngon. Ngày nay, món canh bồi được “biến tấu” rất nhiều vì rừng ngày càng thu hẹp, thịt rừng thay bằng vật nuôi; nhiều loại rau rừng được thay thế bằng rau vườn, như: đọt mây được thay bằng đọt cây đủng đỉnh; thêm các loại rau muống, rau rền, bông bí…Nhưng vào mùa mưa, rau rừng thường tươi tốt, dồi dào hơn nên món canh bồi cũng đậm đà hương vị thiên nhiên hơn”.

Ở khu vực chân núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) có hẳn một làng chuyên bán các loại đặc sản núi rừng phục vụ khách hành hương. Dọc theo các bậc tam cấp dẫn lên đỉnh núi có rất nhiều quán lá bán món bánh xèo ăn kèm với cả chục loại rau rừng tươi mơn mởn vì các loại rau này được hái ngay trên núi. Ngoài ra, khách có thể mua nhiều loại đặc sản được chế biến từ cây cỏ thiên nhiên. Bà Nguyễn Thu Hà, một tiểu thương có hơn 30 năm bán hàng tại núi Chứa Chan, cho biết: “Du khách đến đây rất mê các món đặc sản của rừng. Họ thường đặt cả chục kg chuối hột rừng hay các loại rễ cỏ tranh, dây khổ qua rừng… mang về sử dụng hoặc làm quà biếu. Đây không chỉ là món ăn thông thường mà còn là những bài thuốc dân gian quý có tác dụng bồi bổ sức khỏe và trị bệnh”.

* Rau rừng về phố

Chị Nguyễn Thị Hoa, một khách du lịch hay đến rừng Cát Tiên (huyện Tân Phú), cho hay: “Tôi rất mê món đọt mây rừng hầm chân giò. Lần đầu ăn thấy hơi đăng đắng, nhưng khi nuốt vào rồi lại thấy vị ngọt nơi cuống họng. Ăn một vài lần là thấy nghiền. Trước đây, chỉ về rừng tôi mới được thưởng thức món đọt mây nhưng giờ ở một số nhà hàng hạng sang tại TP. Hồ Chí Minh bán tìm được món này nhưng giá bán rất cao”. Ngoài ra, tại Vườn quốc gia Cát Tiên còn có lá nhíp cũng được nhiều khách du lịch rất thích. Lá nhíp có thể xào thịt bò, xào không hoặc dùng cuốn bánh tráng ăn tươi có vị chát chát, bùi bùi tương đối hấp dẫn.

Về huyện Nhơn Trạch, món rau rừng khiến nhiều người nhớ nhất là rau chại. Rau chại được bó thành từng bó khoảng 0,5kg hoặc 1kg, đặt ngay tại các sạp bên vệ đường đoạn ngay trung tâm huyện đi về phà Cát Lái. Rau chại chế biến khá đơn giản, có thể xào hoặc luộc chấm mắm nêm hoặc kho quẹt tùy theo sở thích của từng người. Đọt rau chại ăn giòn có vị đậm đà, thường vào cuối tuần bán rất chạy vì khách từ TP.Hồ Chí Minh đi du lịch qua. Rau chại mọc khá nhiều ở vùng Phước Khánh, Long Thọ, Phước An và khu vực ven và trong rừng ngập mặn.  Ông Đàm Văn Đắc, Trưởng trạm rừng giống của rừng ngập mặn Long Thành, cho biết: “Khu vực trong và ven rừng ngập mặn Long Thành có những loại rau rừng được nhiều người coi là đặc sản, như: rau chại, rau lìm kìm, đọt chà là. Người ở TP.Hồ Chí Minh xuống Nhơn Trạch du lịch thường tìm mua những loại rau rừng này về ăn và làm quà”.

Bình Nguyên - Hương Giang

Tin xem nhiều