Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch khởi kiện mặt hàng gà nhập khẩu từ Mỹ bán phá giá. Theo phản ánh của người chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, các trang trại chăn nuôi gia cầm luôn trong tình trạng thua lỗ nặng do không cạnh tranh lại về giá với thịt nhập.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch khởi kiện mặt hàng gà nhập khẩu từ Mỹ bán phá giá. Theo phản ánh của người chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, các trang trại chăn nuôi gia cầm luôn trong tình trạng thua lỗ nặng do không cạnh tranh lại về giá với thịt nhập. Dự báo, áp lực cạnh tranh với thịt ngoại sẽ càng gay gắt khi các hiệp định thương mại quốc tế, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, dự kiến thuế nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu sẽ bằng 0%.
Theo Cục trưởng Cục chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, hiện tại Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Bộ Công thương... đều đang vào cuộc điều tra về vụ việc gà Mỹ bán phá giá. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng đang tập trung tái cơ cấu ngành chăn nuôi nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành này khi bước vào hội nhập. Theo đó, nông dân cần tỉnh táo và chuẩn bị nắm bắt cơ hội, không nên quá lo lắng, bi quan trước cánh cửa hội nhập đang mở rộng.
Lập hàng rào kỹ thuật
* Có ý kiến cho rằng, gà nhập khẩu từ Mỹ có giá rẻ bất thường có thể do yếu tố gian lận thương mại hoặc bán phá giá. Quan niệm của ông về vấn đề này?
- Đến giờ phút này vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định thịt gà nhập khẩu từ Mỹ đang bán phá giá. Trong 8 tháng của năm, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 86 ngàn tấn thịt gà, nhưng không phải đều của Mỹ mà từ 24 nước khác nhau. Và chỉ riêng gà nhập từ Mỹ cũng có xuất xứ từ nhiều bang với quy định, mức giá khác nhau. Các cơ quan nhà nước cần vào cuộc để tìm hiểu, xác minh, làm rõ vấn đề về giá bán gà Mỹ. Về vấn đề chống gian lận thương mại của thị trường thịt nhập thì cần phải tăng cường quản lý được cả 2 khâu là doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu mặt hàng này.
* Theo ông, hàng rào kỹ thuật của Việt Nam cần thay đổi như thế nào để góp phần bảo vệ tốt hơn ngành chăn nuôi trong nước?
- Tuy Việt Nam đã có hàng rào kỹ thuật cho thịt nhập khẩu, nhưng chủ yếu mới tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm. Trước làn sóng thịt ngoại tràn vào gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước, Việt Nam cần xây dựng hàng rào kỹ thuật hữu hiệu hơn. Tôi lấy ví dụ, thịt gà thải loại Trung Quốc bán bên nước họ chỉ khoảng 10 ngàn đồng/kg, nhưng khi đưa về chợ đầu mối ở Hà Nội đã bị đẩy giá lên 70 ngàn đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cũng đang nhập gà thải loại với giá rất rẻ từ các nước về bán với giá cao vì người tiêu dùng Việt Nam chuộng gà dai.
Về hàng rào kỹ thuật, Việt Nam có thể tùy vào tình hình để có những áp dụng riêng. Chẳng hạn, hiện vẫn có những nước trên thế giới cho sử dụng một số nhóm chất cấm trong chăn nuôi có kiểm soát về tỷ lệ sử dụng, trong khi Việt Nam cấm hoàn toàn, chi tiết này cũng có thể đưa vào hàng rào kỹ thuật được. Hoặc hiện doanh nghiệp chủ yếu nhập thịt gà mà hạn sử dụng chỉ còn 6-7 tháng, ta có thể đưa ra quy định thịt nhập khẩu vào Việt Nam còn thời hạn sử dụng từ 12 tháng trở lên… Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải xem xét việc đưa những quy định này vào như thế nào cho phù hợp. Và để làm được điều đó, chăn nuôi nội địa cũng phải tuân thủ những tiêu chuẩn về chất cấm, tồn dư kháng sinh…vì khi đã vào thị trường chung mình vẫn làm mà cấm các nước khác là vi phạm. |
Chúng ta có thể bổ sung thêm các quy định về độ dai của thịt gà hoặc lượng tồn dư kháng sinh để hạn chế nhập mặt hàng gà này. Tương tự, có thể tùy vào đặc điểm riêng của tiêu dùng và chăn nuôi trong nước để đặt ra các quy chuẩn cho phù hợp.
* Theo ông, có hàng rào kỹ thuật tốt đã đủ để người tiêu dùng và nông dân yên tâm?
- Để hàng rào kỹ thuật trên phát huy hiệu quả, các cơ quan, ban, ngành cần cùng vào cuộc thật nghiêm túc, quyết liệt. Đặc biệt, cần đảm bảo sự liên tục, thường xuyên trong thực hiện. Vì dù có triển khai quyết liệt nhưng chỉ theo từng đợt hoặc trong một giai đoạn rồi buông xuôi thì sẽ diễn ra tình trạng tái phạm như đang xảy ra với nạn sử dụng chất cấm trong nuôi heo.
Liên kết để cạnh tranh
* Lời giải của bài toán tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong hội nhập là gì, thưa ông?
- Phải thừa nhận là giá thành sản phẩm chăn nuôi của nhiều nước có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn Việt Nam, vì Việt Nam đang nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y…Mức lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu thuốc thú y, con giống của ta còn cao. Và người chăn nuôi đang phải gánh mọi chi phí đó.
Tuy vậy, tôi không bi quan về bức tranh tối màu của ngành vì chăn nuôi vẫn ở thế chủ động và đảm bảo tốt vai trò cung cấp nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng cả nước. Vấn đề ở đây là cần hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có chỉ đạo phải nhập những giống có năng suất cao, đầu tư nghiên cứu để đưa ra những giống lai tốt. Mặt khác, chăn nuôi nội địa cần quan tâm tận dụng nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có sẵn trong nước. Đặc biệt trong chăn nuôi gia cầm, người chăn nuôi có thể sử dụng nguồn nguyên liệu Việt Nam rất dồi dào là hạt lúa làm thức ăn để giảm chi phí.
* Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có phản ứng gì trước lời kêu cứu của người chăn nuôi về tình trạng thịt ngoại nhập về tràn lan, trong khi doanh nghiệp chăn nuôi trong nước lại chưa xuất khẩu được do vướng cơ chế, chính sách?
- Ngay sau sự kiện có đơn kiến nghị về việc bán phá giá gà nhập khẩu từ Mỹ, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có cuộc họp với Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản về việc tổ chức đoàn sang Mỹ để nắm tình hình cụ thể. Bộ cũng đang phối hợp với Cục Cạnh tranh của Bộ Công thương để giải quyết vụ việc này. Bộ cũng đã chỉ đạo ngay việc xây dựng hoàn chỉnh hơn về hàng rào kỹ thuật cho thịt nhập khẩu.
Trại gà công nghiệp tại huyện Trảng Bom. |
Tuy ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn xác định nội địa với hơn 90 triệu dân là thị trường tiêu thụ chính, nhưng Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Bộ cũng đã xây dựng đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Trong đó, chăn nuôi có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất theo chuỗi để tăng sức cạnh tranh.
* Ông có thể chia sẻ thêm về mô hình xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi?
- Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính “đột phá” vì có sự chuyển hướng từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, năng suất còn thấp sang quy mô lớn theo chuỗi liên kết. Trong chuỗi liên kết này có sự tham gia của doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân. Trong đó, hợp tác xã có vai trò kết nối các hộ chăn nuôi; doanh nghiệp thì phát triển thị trường và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Và thực tế đã chứng minh, những doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, giết mổ, phân phối... có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với chăn nuôi riêng lẻ.
* Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)