Theo quy định của tỉnh, trong đợt 1, Đồng Nai có 479 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch đô thị phải di dời từ giữa năm 2014. Nhưng đến nay, mới có 88 cơ sở di dời.
Theo quy định của tỉnh, trong đợt 1, Đồng Nai có 479 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch đô thị phải di dời từ giữa năm 2014. Nhưng đến nay, mới có 88 cơ sở di dời.
Tất cả các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa phải di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), nhưng hiện chưa có cơ sở nào di dời. |
Quyết định 891 ngày 28-3-2012 của UBND tỉnh quy định có 479 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch xây dựng phải di dời từ tháng 6-2014 đến 31-12-2014, trong đó có các cơ sở gốm sứ, giết mổ, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, địa điểm di dời nên tỉnh đã gia hạn cho một số cơ sở đến cuối năm 2015.
* Di dời chăn nuôi gặp khó
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 294 cơ sở chăn nuôi, 20 cơ sở giết mổ gây ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch phải di dời trong đợt 1, nhưng đến cuối tháng 10-2015, mới có 23 cơ sở chăn nuôi và 15 điểm giết mổ di dời. Hầu hết chủ các trang trại chăn nuôi phải di dời đều cho hay, họ đồng thuận với quyết định của tỉnh là sẽ di dời vào vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đã được tỉnh quy hoạch. Song do đất đai trong các khu quy hoạch - khuyến khích phát triển chăn nuôi phải tự mua, khi có thông tin quy hoạch chủ đất lại đẩy giá đất tăng cao nên nhiều chủ trang trại không đủ khả năng mua đất. Bên cạnh đó, trong vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi phần lớn chưa có hạ tầng điện, nước, đường sá nên các trang trại có mua được đất dời vào cũng khó xây dựng chuồng trại.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Tỉnh đã yêu cầu ngân hàng chuẩn bị vốn để cho các cơ sở di dời vay. Đến hết tháng 12-2015, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường có trong danh sách di dời đợt 1 buộc phải di dời để bảo vệ môi trường. Các cơ sở cố tình không di dời sẽ buộc ngưng hoạt động”. Tuy nhiên cũng theo ông Chánh, các huyện, thị, thành có thể rà soát lại với những cơ sở ít gây ô nhiễm đang gặp khó khăn do chưa có nơi tiếp nhận có thể xem xét cho di dời theo lộ trình. |
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Đối với các cơ sở giết mổ có khả năng đến cuối năm sẽ di dời hết. Còn các cơ sở chăn nuôi rất khó thực hiện, song dù khó cũng phải làm vì không thể để các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng muốn thực hiện, các địa phương phải có lộ trình”. Tại Thống Nhất, vùng chăn nuôi lớn của tỉnh có khoảng 60 trang trại chăn nuôi phải di dời trong đợt 1 và những hộ chăn nuôi đều mong tỉnh có chính sách hỗ trợ về vốn để mua đất, xây dựng chuồng trại.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ trang trại gà ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Vốn đầu tư xây dựng trang trại đều là nhờ tích cóp từ chăn nuôi dư ra rồi làm. Bây giờ tỉnh yêu cầu di dời thì phải hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp các trang trại mới đủ khả năng mua đất trong vùng quy hoạch và xây dựng chuồng trại. Bên cạnh đó, trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi phải làm đường, điện, nước”.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ trang trại gà xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), đến hạn di dời nhưng bà không có đủ vốn để mua đất, xây dựng trang trại trong vùng quy hoạch nên đành phải tạm ngừng chăn nuôi. Vốn bà đầu tư vào trang trại lên đến vài tỷ đồng hiện vẫn chưa thu hồi hết nhưng vẫn dừng chăn nuôi. Trường hợp chấp hành như bà Tuyết rất ít, đa số các trang trại đều “nấn ná” và xin gia hạn để giảm đàn, chờ vốn vay ưu đãi.
* Lại đề nghị nới lộ trình
Nhiều địa phương nhận định, việc buộc các cơ sở trong danh sách di dời đợt 1 phải thực hiện trong năm 2015 khó đúng hẹn. Với 37 cơ sở gốm sứ, hiện chưa có cơ sở nào di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP. Biên Hòa). Trong đó, nhiều cơ sở gốm đã được giao đất, nhưng yêu cầu của dòng gốm đen phải đốt củi, gây ô nhiễm nhưng hiện vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý phù hợp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch phải di dời đợt này, vẫn chưa có nơi để đến.
Nếu không hỗ trợ vốn vay ưu đãi dài hạn, rất ít trang trại đủ khả năng di dời. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. |
“Huyện đang đề xuất tỉnh phân theo lộ trình để các doanh nghiệp di dời, trước khi buộc doanh nghiệp di dời phải chỉ cho họ nơi đến. Cụ thể các doanh nghiệp sản xuất phân bón, phế liệu, chế biến bột mì thường gây ô nhiễm nên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không nhận” - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi nói. Cũng theo ông Phi, với các trang trại chăn nuôi ô nhiễm phải di dời, huyện đề nghị tỉnh gia hạn để họ giảm đàn, dùng biogas giảm ô nhiễm và di dời dần dần, nếu buộc ngưng ngay sẽ rất khó khăn. Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế ưu đãi tín dụng cho các cơ sở di dời.
Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh là có chính sách cho vay ưu đãi với các cơ sở phải di dời và yêu cầu các ngân hàng thương mại cùng tham gia.
Hương Giang