Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán nước sạch nông thôn

10:10, 07/10/2015

UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án "Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai năm 2015 và 2016-2020" tại Quyết định số 2492/QĐ-UBND ngày 24-8-2015. Theo đề án, đến năm 2020 tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đã qua xử lý đạt chuẩn của Bộ Y tế là 80%, tương đương với gần 1,5 triệu dân.

UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án “Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai năm 2015 và 2016-2020” tại Quyết định số 2492/QĐ-UBND ngày 24-8-2015. Theo đề án, đến năm 2020 tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đã qua xử lý đạt chuẩn của Bộ Y tế là 80%, tương đương với gần 1,5 triệu dân.

Vận động xã hội hóa đầu tư cho nước sạch nông thôn. Trong ảnh: Hệ thống xử lý nước tại một hộ nông dân tại huyện Trảng Bom.
Vận động xã hội hóa đầu tư cho nước sạch nông thôn. Trong ảnh: Hệ thống xử lý nước tại một hộ nông dân tại huyện Trảng Bom.

Đây là một mục tiêu không dễ thực hiện vì dự kiến đến cuối năm 2015, có 98,5% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn sử dụng nước hợp vệ sinh. Mục tiêu đến cuối năm 2017 là 100% dân số đạt chuẩn này, trong đó nhiều địa phương chưa có dự án hệ thống nước sạch tập trung, người dân vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các giếng đào và giếng khoan.

* Chỉ mới đạt chuẩn hợp vệ sinh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2014 tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,8%, tăng 3,8% so với năm 2011. Trong đó, nhiều địa phương người dân chủ yếu vẫn dùng nguồn ngầm từ giếng khoan. Ông Trịnh Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 của Đồng Nai cho hay: “Hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 90%. Tuy xã đã được đầu tư 1 trạm cấp nước sạch tại ấp Xuân Thiện, cung cấp nước cho 584 hộ dân nhưng vẫn còn 2.106 hộ vẫn sử dụng nước từ giếng đào, giếng khoan chỉ mới đạt chuẩn hợp vệ sinh”.

Theo báo cáo của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, trong năm 2015, ngân sách tỉnh đầu tư gần 29 tỷ đồng để thực hiện các dự án mới, như: hệ thống cấp nước tập trung tại xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom); hệ thống cấp nước tập trung tại xã Bình Lộc (TX.Long Khánh), tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc)... Ngoài ra, nhiều dự án cấp nước tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, như: Tân Phú, Định Quán cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện đơn vị đang tập trung vào công tác điều tra theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 136 xã trên địa bàn tỉnh.

 Thực tế, nhiều huyện, xã trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có công trình nước sạch công cộng, người dân chủ yếu hoàn toàn sử dụng nước từ nguồn giếng khoan. Ông Nguyễn Văn Tân, nông dân tại xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), cho biết huyện chưa có hệ thống nước máy hoặc các công trình nước sạch công cộng. Người dân sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn giếng đào và giếng khoan. Nguồn nước này đều do người dân tự đào, thấy nước không có mùi, màu hay vị lạ là yên tâm sử dụng. Những nơi phải khoan sâu mới có nước hoặc nước nhiễm phèn, hoặc không đạt chất lượng thì người dân tự bỏ tiền đầu tư hệ thống máy lọc.

Với tình trạng ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp hoặc hoạt động chăn nuôi như hiện nay, người dân không khỏi lo lắng về chất lượng nguồn nước từ hệ thống giếng đào, giếng khoan. Ông Nguyễn Văn Phụng, nông dân tại xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh), bức xúc khu vực xã tập trung đông các trang trại, hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường tại địa phương. Ông Phụng dẫn chứng: “Hiện con suối chảy qua địa bàn xã đã đặc quánh phân heo, bốc mùi hôi thối, hầu như không sử dụng được cho việc tưới tiêu. Do khu rẫy của gia đình tôi nằm sát khu vực suối nên nguồn nước cũng bị ảnh hưởng, nước đục hơn và có mùi hôi nên chỉ có thể dùng để sản xuất, nước sinh hoạt phải sử dụng từ nguồn giếng khác cách xa khu vực suối. Người dân ở đây hiện rất lo lắng nguồn nước ngầm sẽ ngày càng ô nhiễm nặng”.

* Tập trung nguồn lực đầu tư

Đầu tư cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí được Đồng Nai đặc biệt quan tâm trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả trong 4 năm thực hiện (2011-2014), tổng vốn đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh khoảng 140 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là nguồn vốn từ ngân sách địa phương với trên 139 tỷ đồng, nhân dân và doanh nghiệp đóng góp khoảng trên 1 tỷ đồng. Và theo đề án “Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai năm 2015 và 2016-2020”, tỉnh sẽ huy động trên 3 ngàn tỷ đồng để thực hiện đề án. Cụ thể, sẽ xây mới 21 công trình đồng thời sửa chữa, nâng cấp 17 công trình nước sạch cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt - QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17-6-2009. Các nguồn nước sạch phổ biến là: nước máy, nước uống đóng chai, nước qua các hệ thống lọc đã được công bố chất lượng. Trong khi đó, nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thỏa mãn các yêu cầu chất lượng: không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ, cho biết hiện địa phương chưa có hệ thống nước sạch công cộng, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Với xuất phát điểm này không dễ thực hiện mục tiêu đạt 80% nước sạch nông thôn đạt chuẩn của Bộ y tế  vào năm 2020 như đề án tỉnh đề ra đến năm 2020. Địa phương đang tập trung tìm mọi giải pháp thực hiện chương trình, như: ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư các hệ thống nước sạch tập trung tại khu vực đông dân cư; chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; vận động xã hội hóa, đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ để xử lý nguồn nước ngay tại hộ dân.

Bình Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều