Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, gần đây các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh, trong đó có những dự án có vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD...
Khoảng 2-3 năm trở lại, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai phần lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Mục đích của các doanh nghiệp FDI là để hưởng các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do và đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Công ty TNHH Yamashita Plastic Việt Nam (Nhật Bản) sản xuất linh kiện cho ngành điện tử, thiết bị âm thanh, ô tô, xe máy ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, gần đây các dự án đầu tư vào tỉnh thuộc công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh. Trong đó, có những dự án vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD. Hầu hết các doanh nghiệp FDI sau khi được cấp giấy chứng nhận, triển khai xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động khá nhanh. Có những dự án sau khi thuê đất chỉ 4-6 tháng đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và bắt tay vào sản xuất.
* Đầu tư nhiều lĩnh vực
Từ năm 2014 đến nay, Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 168 dự án FDI, trong đó phần lớn là dự án thuộc công nghiệp hỗ trợ. Lĩnh vực đầu tư khá đa dạng, gồm: sản xuất các loại sợi vải, linh kiện, thiết bị máy móc, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép, sản phẩm phục vụ cho ngành điện tử, sản xuất xe hơi, âm thanh... Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu để tận dụng các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do và tới đây là TPP.
Ông Ying Minh Yang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kenda (Đài Loan), cho biết: “Tập đoàn mới đầu tư thêm một nhà máy sản xuất săm, lốp xe ô tô, xe máy, xe đạp tại Đồng Nai. Vì nguồn nguyên liệu chính để sản xuất là cao su thiên nhiên ở Đồng Nai rất sẵn. Sản phẩm sẽ được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, với trên 30 khu công nghiệp đã hoàn thiện về hạ tầng và giao thông thuận lợi, thời gian tới Đồng Nai vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên chọn các dự án công nghệ cao, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện với môi trường. |
Mới đây, Tập đoàn Forval (Nhật Bản) liên kết với Tổng công ty Tín Nghĩa thành lập Công ty cổ phần phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản xây dựng nhà xưởng cho các doanh nghiệp Nhật Bản thuê sản xuất tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Hiện đã có trên 10 doanh nghiệp Nhật Bản đến thuê nhà xưởng tại đây để sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, máy móc cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam và xuất khẩu.
Ông Hideo Okube, Chủ tịch Tập đoàn Forval, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài, cho hay: “Đồng Nai là một trong những điểm đến đầu tư rất hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản. Vì thế, khoảng 3 năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Đồng Nai thuê đất, nhà xưởng để sản xuất. Công nghiệp hỗ trợ được Đồng Nai ưu tiên thu hút đầu tư cũng đang là thế mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản. Tới đây, sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh”. Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ hầu hết có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu mời gọi đầu tư của tỉnh.
* Nhiều dự án lớn
Trong số những dự án công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào Đồng Nai, có những dự án vốn lớn, như: Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (Thổ Nhĩ Kỳ) với vốn đầu tư 660 triệu USD, sản xuất sợi vải; Tập đoàn Kenda (Đài Loan) đầu tư thêm nhà máy sản xuất vỏ lốp xe ô tô, xe máy, xe đạp tổng vốn 160 triệu USD; Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản) có vốn gần 112 triệu USD sản xuất các thiết bị điều khiển tự động các loại xi lanh, van, cụm van, đế van và hai công ty sản xuất sợi của Hàn Quốc là Công ty TNHH Kuk II Việt Nam có vốn đầu tư 56 triệu USD, Công ty TNHH Dong II Việt Nam có vốn đầu tư 52 triệu USD...
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), nói: “Hiện nay, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm khoảng 52% trong tổng số vốn của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với trên 132 tỷ USD. Trong các dự án Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, có 84% số dự án thuộc công nghiệp chế biến chế tạo, đây lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên mời gọi đầu tư nước ngoài để tăng nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước để hưởng các ưu đãi về thuế quan khi tham gia hội nhập sâu”. Từ đầu năm đến nay, nhiều đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Singapore, Thái Lan, các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất... đã đến Đồng Nai tìm hiểu chính sách với dự kiến sẽ đầu tư vào tỉnh. Trong số đó, có khá nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và hầu hết có công nghệ cao.
Hương Giang