Thị trường nhập khẩu gỗ của Trung Quốc khá dễ tính, nhưng theo các nhà sản xuất thì đây là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro và giá trị mang lại rất thấp. Hiện tại, nguồn gỗ nguyên liệu xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Trung Quốc là khá lớn.
Thị trường nhập khẩu gỗ của Trung Quốc khá dễ tính, nhưng theo các nhà sản xuất thì đây là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro và giá trị mang lại rất thấp. Hiện tại, nguồn gỗ nguyên liệu xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Trung Quốc là khá lớn.
Khách xem gỗ nguyên liệu của Doanh nghiệp tư nhân Phương Sinh (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa). |
Lãnh đạo của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cũng đã cảnh báo, nếu việc xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc cứ diễn ra như hiện nay thì vô hình trung Việt Nam chỉ là vùng nguyên liệu cho thị trường này.
* Mua gom nguyên liệu
Doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ Minh Thuận Thắng (huyện Trảng Bom) đã từng xuất hàng sang thị trường Trung Quốc cho hay, đây là thị trường chủ yếu mua gom nguyên liệu để về làm hàng xuất khẩu đi các nước khác. Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ DN chia sẻ: “Cách đây mấy năm, tôi nhận hợp đồng xuất hàng cho một DN ở Quảng Đông, Trung Quốc. Tôi thấy lạ là họ chỉ đặt gia công thành giường bằng gỗ cao su, sau này mới biết đây là một hình thức mua nguyên liệu. Sau khi về họ xẻ những thành giường này ra và chế biến thành những sản phẩm khác. Họ mua như vậy vẫn lãi nhờ máy móc và hiệu suất lao động cao”. Việc tập trung mua gom nguyên liệu của các DN Trung Quốc cũng đã xảy ra mạnh vào năm 2010 tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, đẩy giá cao ngất ngưởng khiến các DN trong nước phải “cầu cứu” cơ quan chức năng. Hiện nay, DN Trung Quốc đã lách bằng nhiều hình thức khác là mua nguyên liệu nhưng qua sơ chế. Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha), xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Trung Quốc chủ yếu là các DN nhỏ do khó khai thác được những thị trường tốt, như: Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Thống kê của Vifores, DN Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là gồm dăm gỗ, ván lạng, gỗ tròn, gỗ xẻ. Đây là sản phẩm giá trị mang lại rất thấp.
* Thị trường hàng tạp
Tại một cuộc hội thảo mới đây đánh giá về tình hình thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc, Vifores đã cho hay năm 2014 xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc đạt gần 850 triệu USD, nhưng trên 700 triệu USD là sản phẩm thô, như: dăm mảnh, gỗ tròn, độ tinh chế rất ít, giá trị mang lại không cao. Theo Vifores cho biết vấn đề này là “nguy hiểm”, bởi Trung Quốc có nhu cầu về những loại gỗ quý rất lớn mà không quan tâm nguồn gốc gỗ có hợp pháp hay không. Trong khi đó, nguồn gỗ này Việt Nam không khuyến khích khai thác và xuất khẩu. Dưới góc độ thị trường tiêu thụ sản phẩm, bà Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến gỗ Quyết Thành (huyện Trảng Bom), cũng cho biết thị trường Trung Quốc khá dễ tính nhưng bán hàng vào đây lợi nhuận của DN rất thấp và thường không ổn định, mang rủi ro cao. Bà Phương ví dụ: “Ở các thị trường, như: Mỹ, EU, Nhật, họ có những luật rất nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ, phụ liệu, độ an toàn không độc hại đối với người tiêu dùng. Riêng thị trường Trung Quốc, tôi chưa bao giờ thấy yêu cầu gì ngoài giá”.
Sản xuất tủ xuất khẩu sang thị trường châu Âu của một doanh nghiệp tại phường Tân Biên, TP.Biên Hòa. |
Việt Nam đang tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với hy vọng mang lại giá trị cao cho xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng đồ gỗ. Tình trạng như hiện nay nhiều nhà sản xuất cho rằng đang bị “chảy máu” nguồn nguyên liệu gỗ.
Vân Nam