Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập, thông tin quan trọng nhất là 99% dòng thuế xuất, nhập sẽ giảm dần về 0%.
Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập, thông tin quan trọng nhất là 99% dòng thuế xuất, nhập sẽ giảm dần về 0%. Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Phó đoàn đàm phán Cộng đồng kinh tế ASEAN, đây chưa phải là mốc cuối trong tiến trình hội nhập vì các nước trong khối ASEAN đặt ra 8 mục tiêu lớn và cuối năm 2015 mới thực hiện được 1 mục tiêu là bãi bỏ thuế quan.
Ý tưởng về AEC đã hình thành từ năm 2003 với mục tiêu sẽ thực hiện vào năm 2020. Nhưng đến năm 2006, các nước trong khối đã đưa ra kế hoạch tổng thể hoàn chỉnh về xây dựng AEC và rút ngắn xuống năm 2015. Mục tiêu là hình thành một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, kinh tế cạnh tranh, phát triển đồng đều hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.
Rút ngắn tiến độ 5 năm
* Thưa ông, tại sao các nước trong khối ASEAN lại quyết định rút ngắn thời gian thực hiện AEC từ năm 2020 xuống năm 2015?
- Để cạnh tranh, các nước trong khối ASEAN không thể đứng một mình. Do đó, 10 nước trong khối đã thống nhất thực hiện AEC trước 5 năm so với kế hoạch ban đầu. Đẩy nhanh việc thực hiện AEC cũng là nhanh chóng hình thành một thị trường chung có không gian sản xuất thống nhất nhằm thu hút đầu tư của các quốc gia lớn vào khối, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Đồng thời, AEC cũng đem đến thuận lợi cho các nước trong việc xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, hội nhập với kinh tế toàn cầu.
* Trên thế giới hiện có mô hình hội nhập Liên minh châu Âu, Khối thương mại tự do Bắc Mỹ. So với các mô hình hội nhập trên, Cộng đồng kinh tế ASEAN khác biệt như thế nào?
- Hai mô hình hội nhập trên có 12 mục tiêu để thực hiện. Trong đó, Liên minh châu Âu được coi là hội nhập sâu rộng nhất vì đã và đang thực hiện 11/12 mục tiêu, như: bãi bỏ thuế quan, phi thuế quan, có biểu thuế chung, công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, thuận lợi hóa thương mại, đồng tiền chung... Và chỉ còn 1 mục tiêu chưa thực hiện là tự do hóa dịch vụ. Còn Khối thương mại tự do Bắc Mỹ chỉ đặt ra 10 mục tiêu để thực hiện, đang thực hiện 7/10 mục tiêu.
Riêng Cộng đồng kinh tế ASEAN mục tiêu đặt ra thấp hơn, chỉ bao gồm 7 mục tiêu và đến cuối năm 2015 khi AEC chính thức thành lập mới thực hiện được 1/7 mục tiêu là bãi bỏ thuế quan, 6 mục tiêu khác chưa thực hiện. Vì thế, tôi mới nói AEC chưa là đích đến cuối cùng mà chỉ là một mốc trong quá trình hội nhập của các nước trong khối ASEAN. Đồng thời, AEC không hội nhập sâu như Liên minh châu Âu hoặc Khối thương mại tự do Bắc Mỹ.
* Khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam được lợi gì?
- Việt Nam tham gia AEC sẽ chủ động nâng cao vị thế trên trường quốc tế và với cả các nước trong ASEAN. Đến nay, ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do với 6 quốc gia là: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Việt Nam có thể nhân cơ hội này nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong khối sản xuất và xuất khẩu sang các nước trên để hưởng các ưu đãi về thuế quan. Tham gia AEC, Việt Nam nằm cùng nhóm với các nước, gồm: Lào, Campuchia, Myanmar được ưu đãi nhất. Đây là thuận lợi lớn để đổi mới kinh tế nước ta sang nền kinh tế thị trường, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển xuất khẩu và thu hút đầu tư, tạo cơ hội cùng các nước ASEAN hội nhập sâu hơn với nền kinh tế Đông Á.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư thế giới, tới đây khi AEC chính thức thành lập, Việt Nam sẽ là một trong 3 quốc gia trong khối hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất. Và thực tế từ năm 2014 đến nay, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đến Việt Nam đầu tư và các đơn hàng lớn từ một số nước lân cận đã dịch chuyển dần về Việt Nam.
* Còn những điều Việt Nam sẽ “mất”?
- Khi tham gia vào AEC, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các cơ chế hợp tác về kinh tế sẵn có của ASEAN. Đồng thời, chấp nhận cạnh tranh ở mức cao nhất, cam kết cắt giảm thuế sâu và mạnh hơn tất cả các hiệp định thương mại tự do. Đối tác lựa chọn là các nước cạnh tranh trực tiếp nhất ASEAN, như: Trung Quốc, Ấn Độ. Mức độ quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với hội nhập kinh tế ASEAN còn ít nên sẽ không tận dụng hết các cơ hội do AEC mang lại. Hàng hóa trong ASEAN sẽ tràn vào trong nước và cạnh tranh với hàng Việt.
“Dựa lưng” nhau để sống
* Trong các trao đổi, ông hay nói hội nhập của Liên minh châu Âu là các nước cùng “chụm đầu lại” để sống, còn Cộng đồng kinh tế ASEAN là “dựa lưng” vào nhau để sống. Cụ thể là “dựa lưng” ra sao, thưa ông?
Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập sẽ tăng lợi thế cho các công ty may mặc. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai. |
- Tôi nói vậy là vì Liên minh châu Âu hình thành với mục tiêu các nước cùng tạo nên một không gian chung khép kín để cùng hỗ trợ nhau phát triển. Mức hội nhập của khối liên minh này rất cao, có đến 12 mục tiêu để thực hiện và họ đã, đang thực hiện được 11 mục tiêu. Còn AEC chỉ đặt ra 7 mục tiêu và mức hội nhập không sâu rộng bằng Liên minh châu Âu. Trong đó, 4 mục tiêu AEC không đặt ra là: đồng tiền chung, di chuyển tự do của lao động, biểu thuế chung và mua sắm của Chính phủ. AEC có mục đích chính là cùng dựa lưng vào nhau để làm ăn, cạnh tranh với Ấn Độ, Trung Quốc để đưa hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu và các thị trường lớn khác chứ không đặt nặng cạnh tranh trong khối.
* Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam so với một số nước trong khối khá thấp. Đây liệu có phải là một khó khăn lớn khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN?
Doanh nghiệp nên chú ý xây dựng thương hiệu, hình ảnh, tạo ra các giá trị gia tăng để tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và dần tiếp nhận, ứng dụng các quy trình sản xuất hiện đại để hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp tìm hiểu, so sánh tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại. Trong quá trình hội nhập nếu cần thông tin, có khó khăn gì phát sinh, nên liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ. |
- Đúng là năng suất lao động của Việt Nam hiện nay khá thấp so với Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia. Vì thế, tiền lương cho lao động của Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với các nước trên. Đây cũng là một trong những khó khăn khi Việt Nam tham gia AEC, vì năng suất lao động thấp sẽ khiến Việt Nam giảm điểm trong thu hút đầu tư. Vì thế, các doanh nghiệp phải có kế hoạch từng bước cải tiến máy móc, quản trị để nâng cao năng suất lao động tương đương với các nước trong khối ASEAN. Năng suất lao động tăng sẽ đem lại hai lợi lớn là thu nhập của người lao động tăng, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tốt hơn.
* Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai lo lắng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, hàng hóa của Việt Nam sẽ bị hàng trong khối ASEAN áp đảo nhiều hơn, còn hàng Việt khó vào thị trường ASEAN?
- Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu chính của các nước tham gia Cộng đồng kinh tế AESAN không phải là để cạnh tranh lẫn nhau mà là để dựa lưng vào nhau, tạo thêm những ưu thế để tăng sức cạnh tranh với hàng của Trung Quốc, Ấn Độ vào các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, châu Âu. Đồng thời, tạo thêm các ưu thế để thu hút đầu tư nước ngoài vào khối để phát triển kinh tế trong nước. Việc cắt giảm thuế quan cho hàng hóa trong khối ASEAN thực tế đã bắt đầu từ năm 2010 nên khi AEC chính thức thành lập sẽ không có xáo trộn gì lớn. Vì thế doanh nghiệp không nên quá lo lắng, hãy tập trung vào xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động giờ làm việc, cải tạo mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)