TS. Nguyễn Công Hoan là dân Vĩnh Cửu, có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long, hiện là giảng viên Khoa Du lịch Trường đại học tài chính - marketing và là một trong những thành viên phản biện đề án Phát triển du lịch Đồng Nai giai đoạn 2015-2025.
TS. Nguyễn Công Hoan là dân Vĩnh Cửu, có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long, hiện là giảng viên Khoa Du lịch Trường đại học tài chính - marketing và là một trong những thành viên phản biện đề án Phát triển du lịch Đồng Nai giai đoạn 2015-2025. Ông cho rằng, Đồng Nai là nơi có nhiều “chất liệu” tốt để khai thác, phát triển du lịch. Vấn đề là phải tìm cách tạo ra nhiều sản phẩm du lịch - vốn được xem là điểm yếu của du lịch Việt Nam nói chung chứ không riêng gì Đồng Nai.
Tài nguyên du lịch của tỉnh khá phong phú, có rừng, có sông, vùng nước lợ, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích danh lam thắng cảnh... Dựa vào đó, có thể tạo được tuyến du lịch đường thủy, khai thác các lợi thế của dòng sông Đồng Nai, sông La Ngà, lòng hồ thủy điện Trị An; những làng nghề truyền thống ven sông, các khu vực có trồng cây đặc sản như các cù lao dọc sông, di tích lịch sử…
Nên chú trọng mảng du lịch khám phá và sinh thái
* Theo góc nhìn của ông - một người Đồng Nai, có thể chọn những hướng, tuyến nào trong khai thác du lịch tại Đồng Nai?
- Về mặt khai thác tuyến du lịch tại Đồng Nai, tôi cho rằng có thể chú ý các tuyến, điểm bám dọc quốc lộ. Tuyến thứ nhất là tuyến dọc quốc lộ 1: Trảng Bom - Thống Nhất - Long Khánh - Xuân Lộc - Cẩm Mỹ. Một số điểm tham quan, khám phá đáng chú ý, như: mộ cổ Hàng Gòn, Suối Tre (TX.Long Khánh); núi Chứa Chan, hồ Núi Le (Xuân Lộc)... có thể khai thác dạng du lịch sinh thái kết hợp tâm linh. Ngoài ra, khai thác dạng du lịch vườn trái cây đặc thù theo mùa cũng khá hấp dẫn.
Tuyến thứ 2 là quốc lộ 20: Trảng Bom - Thống Nhất - Định Quán - Tân Phú. Tuyến này có thể khai thác du lịch cuối tuần, dạng dã ngoại, du lịch homestay với các điểm: làng cá bè La Ngà, thác Mai, đá Ba Chồng, di tích hang động và núi lửa (huyện Định Quán, huyện Tân Phú). Trên cung đường này có nhiều chỗ phát triển được du lịch homestay như Tà Lài (huyện Tân Phú), và đặc biệt nếu được, có thể làm homestay ngay trên làng cá bè La Ngà. Điểm cuối của tuyến này là Vườn quốc gia Nam Cát Tiên với du lịch khám phá thiên nhiên, dã ngoại mà du khách trong nước và quốc tế rất thích.
Tuyến thứ 3 là Vĩnh Cửu, theo tuyến đường tỉnh lộ 768, 769 với tính chất lịch sử lớn, như: thủy điện Trị An, chiến khu Đ nói riêng và khu vực Mã Đà, Hiếu Liêm nói chung. Trong đó, thủy điện Trị An là một địa điểm hấp dẫn thực sự nếu biết chú ý khai thác cho du khách tham quan công trình thủy điện với các hệ thống tua bin, đập tràn.
Tuyến cuối cùng là Long Thành - Nhơn Trạch dọc theo quốc lộ 51. Vùng nước lợ đặc thù nhiều sản vật, tuy nhiên lại có điểm yếu là gần với Bà Rịa - Vũng Tàu nên du khách có thể không có ý định dừng. Trong tương lai, khi sân bay hoàn thành, vùng này có thể biến thành địa bàn trung chuyển tốt.
* Chất liệu có, tài nguyên có, vậy điểm yếu trong phát triển du lịch Đồng Nai là gì, theo cách nhìn nhận của ông?
- Không riêng gì Đồng Nai, nhiều năm tìm hiểu du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho tôi thấy, yếu nhất trong khai thác du lịch của nhiều tỉnh, thành vẫn là sản phẩm. Sản phẩm du lịch quyết định rất nhiều thứ. Ví dụ, Đồng Nai thiếu hẳn các sản phẩm du lịch về đêm, sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh là sản phẩm du lịch gì thì chưa có. Do đó, khách không muốn lưu trú lâu vì chẳng biết chơi gì, ở đâu khi ở lại ban đêm. Còn cách khai thác thì có nhiều và ở góc nhìn hẹp của mình, tôi không dám lạm bàn, chỉ đưa ra vài ví dụ: có thể khai thác mặt sông, hồ cho ra nhiều sản phẩm: ẩm thực trên sông - hồ, đua thuyền, xây dựng quảng trường biểu diễn các hoạt động nghệ thuật trên mặt nước, homestay đời sống sông nước (sông La Ngà - làng cá bè La Ngà)… Một khi sản phẩm phong phú thì khách sẽ đến và ở lại lâu hơn.
* Vậy để phát triển và khai thác tiềm năng, ông thấy nên bắt đầu từ đâu? Nhà nước nên làm gì, và doanh nghiệp làm gì, theo ông?
- Nhà nước đưa chủ trương, tạo chính sách ưu đãi và tìm mọi cách truyền thông tin đến họ. Nếu chưa nghĩ ra ngay được sản phẩm thì mời doanh nghiệp tham gia xây dựng sản phẩm, đưa ra đề xuất... Khi nhìn ra cơ hội, nhìn ra hướng khai thác và được hỗ trợ bởi chính sách, tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ tham gia. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết có nhiều điểm khó khăn để thực hiện và đòi hỏi một nhận thức đồng bộ. Nhưng tôi luôn nghĩ, dù bằng cách nào, Nhà nước phải luôn đi trước.
Sản phẩm tốt sẽ kéo khách quay lại
* Ông nói nhiều đến du lịch homestay, nhưng thực tế đã có doanh nghiệp làm homestay tại xã Tà Lài và đã thất bại. Đây có phải là một dạng khai thác du lịch rất khó thành công?
- Homestay đúng là dạng khai thác du lịch “dễ mà khó”. Cơ sở vật chất có sẵn, đầu tư ít, nhưng đòi hỏi dịch vụ tốt, liên kết tốt. Việc huấn luyện người dân địa phương làm du lịch ngay tại chính ngôi nhà của mình cũng không dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ vẫn làm được, vì mục đích của du lịch homestay là đem lại lợi ích kinh tế cho hộ gia đình và cộng đồng, tạo công ăn việc làm, bán được các sản phẩm địa phương, bảo lưu và tuyên truyền giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông cho mọi người biết đến, họ sẵn sàng làm. Không phải chỗ nào cũng có thể khai thác homestay và Đồng Nai có vài điểm có may mắn đó, chẳng hạn các làng dân tộcthiểu số và làng cá bè La Ngà. Nếu mô hình homestay chưa thành công, cần xem lại công tác huấn luyện, kiểm soát chất lượng dịch vụ... từ đó có giải pháp khắc phục. Tôi nghĩ nếu khai thác tốt, làng cá bè La Ngà sẽ trở thành một điểm homestay hấp dẫn với nhiều hoạt động sông nước đặc thù.
Không phải lúc nào cũng đòi hỏi xây dựng thương hiệu ngay cho mọi thứ, kể cả du lịch. Theo tôi, đó là quá trình dài, khó khăn và không phải tỉnh, thành nào cũng thành công. Đến nay, mới chỉ một số địa phương xây dựng thương hiệu du lịch tương đối thành công thông qua các festival, như: Huế (Festival Huế), Đà Nẵng (Festival pháo hoa quốc tế), Lâm Đồng (Festival hoa), Hạ Long (Caraval Hạ Long)... và vài địa phương thất bại như Bà Rịa - Vũng Tàu với Festival biển, Bình Phước với Festival điều… Song, suy nghĩ của tôi là hãy cứ làm sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch cho tốt đã, thu hút du khách thật nhiều, đó là thành công bền vững. |
* Ông nghĩ sao về ý tưởng du lịch và dịch vụ “ăn theo” phát triển công nghiệp, đặc biệt ở một địa bàn công nghiệp rất phát triển như Đồng Nai?
- Tôi nghĩ rất có thể. Vấn đề vẫn là chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Tôi chỉ muốn đưa ra một góc nhìn nhỏ: đi theo hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai là những nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch cho công nhân vào mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ tết hoặc các chương trình huấn luyện đội ngũ lãnh đạo (team building); du lịch MICE kết hợp hội thảo - hội nghị - khen thưởng - sự kiện/triển lãm; du lịch kết hợp tham quan sản xuất tại các nhà máy; du lịch kết hợp nghiên cứu thị trường mới... Thực tế là dù có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhưng hiện tại doanh nghiệp cũng chỉ mới khai thác một mảng nhỏ là du lịch giá rẻ cho công nhân. Các nhu cầu hội thảo, hội nghị, team building và các dịch vụ du lịch trung cấp, cao cấp ăn theo hoạt động của các công ty, tập đoàn lớn vẫn diễn ra ở nơi khác, không phải Đồng Nai, sử dụng những dịch vụ của các doanh nghiệp bên ngoài Đồng Nai. Đó là điều nên suy nghĩ.
* Du lịch Việt Nam nói chung luôn trăn trở chuyện du khách một đi không trở lại. Theo ông, lỗi tại đâu: phục vụ chưa tốt, dịch vụ kém hay do đắt đỏ?
- Chúng ta đổ thừa cho nhiều nguyên nhân, ví dụ thái độ, môi trường, xe cộ, visa, sản phẩm du lịch nghèo nàn... Nhưng tôi nghĩ, vấn đề cuối cùng để quyết định du khách có trở lại hay không vẫn là sự phong phú của sản phẩm du lịch. Hãy nhìn Bangkok của Thái Lan, đô thị này có đầy đủ các vấn đề như kẹt xe, khói bụi, đông đúc, các bất ổn về chính trị, nhưng du khách vẫn quay lại nhiều lần, đơn giản vì họ có nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm. Vì khi du khách đến một quốc gia, họ sẽ tiêu tiền cho các dịch vụ mua sắm, giải trí về đêm, phương tiện vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan và các nhu cầu khác. Dĩ nhiên, sáng tạo sản phẩm du lịch phong phú cần rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)