Tại Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thực hiện từ năm 2008 đến nay với nhiều hoạt động nổi bật, như: "Tuần hàng Việt Nam", "Đưa hàng Việt về nông thôn", "Phiên chợ vui", hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao…
Tại Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực hiện từ năm 2008 đến nay với nhiều hoạt động nổi bật, như: “Tuần hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Phiên chợ vui”, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao…
Trong 5 năm qua (2011-2015), hàng Việt đã chứng tỏ được độ phủ sóng mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn.
* Người mua tin cậy hơn
Hiện tại, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm..., hàng Việt Nam gần như đang chiếm lĩnh thị trường. Tại toàn bộ các siêu thị lớn, như: BigC, Co.opmart, Vinatex Mart..., hàng Việt Nam luôn chiếm trên 90% tổng lượng hàng hóa. Tại các chợ lớn, hàng Việt Nam cũng đang chiếm đa số.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Lotte Mart Biên Hòa. |
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng Siêu thị BigC, cho biết: “Hàng Việt trong hệ thống siêu thị BigC trong 5 năm qua luôn duy trì ở mức 90-95%. Nhưng hàng Việt ngày càng phong phú, trước đây hàng Việt trong siêu thị chỉ gần 30 ngàn mặt hàng thì nay đã tăng lên hơn 40 ngàn mặt hàng. Và hàng Việt ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì giá cả cạnh tranh và chất lượng ngày càng được nâng lên”. Thực tế, đối tượng người tiêu dùng mà hàng Việt hướng đến là người tiêu dùng bình dân - trung lưu nên hàng nội địa luôn có những ưu điểm: xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp và chất lượng khá tốt... Về giá cả, hàng nội luôn rẻ hơn hàng ngoại từ 10-15%.
Ông Lê Văn Duy, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Biên Hòa, cho hay: “Hàng nhập khẩu trong siêu thị chỉ khoảng 5%, còn lại là hàng Việt. Người tiêu dùng thường chọn hàng Việt vì giá rẻ hơn hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, để người tiêu dùng ngày càng tin tưởng lựa chọn hàng Việt nhiều hơn, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phải chú ý hơn nữa đến mẫu mã đa dạng và đẹp, chất lượng phải đảm bảo và ổn định”.
Ông Trang Phúc, Tổ trưởng marketing Siêu thị Co.opmart Biên Hòa, chia sẻ: “Thời gian qua, hầu hết các khách hàng tẩy chay hàng Trung Quốc và quay về mua hàng Việt. Đây là cơ hội tốt để hàng Việt vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, mặt hàng rau - củ - quả, thịt heo, gà, thủy sản... hàng Việt có ưu thế rất lớn so với hàng nhập khẩu”.
Ông Nguyễn Ngọc Tánh, Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa, nhận xét: “Trước đây, mặt hàng thực phẩm, trái cây bị hàng Trung Quốc lấn sân vì giá rẻ, nhưng nay người tiêu dùng ít sử dụng hàng Trung Quốc và quay về chọn hàng Việt vì an tâm với chất lượng hơn. Do đó, tại chợ hàng Việt chiếm hơn 90%, số còn lại là hàng Thái Lan và các nước trong khối ASEAN, hàng Trung Quốc cũng còn nhưng số lượng rất ít, chỉ là những mặt hàng Việt Nam không sản xuất”.
* Nhiều cuộc “thử sức” lớn
Trao đổi với Báo Đồng Nai bên lề hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2014, bà Kim Hạnh, người sáng lập Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao, nói: “Để người Việt Nam chấp nhận hàng Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tôi nghĩ tác nhân đầu tiên chính là doanh nghiệp”.
Hàng Việt Nam hiện đã chiếm gần 90% hàng hóa tại Co.opmart Biên Hòa. |
Chính vì vậy, trong 5 năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn nhỏ đã có cuộc “thử lửa” với thị trường bằng cách tổ chức sản xuất lớn, tiêu thụ trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối. Nhiều thương hiệu Việt đã lớn mạnh, như: Vinamilk, Kinh Đô, Việt Tiến, Vinacafé, Bibica, Phong Phú... Tại Đồng Nai, rất nhiều thương hiệu Việt đã và đang lớn mạnh theo từng năm, thuộc nhiều ngành nghề, như: Trường Hải, Biti’s, Bibica, sơn Đồng Nai, Thibidi, Lothamilk... Cơ hội sẽ mở ra cho doanh nghiệp thêm nữa, khi Việt Nam đã và đang ký kết, đàm phán các hiệp định thương mại kinh tế song và đa phương. Trong đó, trước mắt là thị trường ASEAN thông qua sự thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay. Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Nhà máy Bibica Biên Hòa ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, cho biết: “Sản phẩm bánh kẹo của Bibica đã xuất vào được 4 thị trường trong khối là: Myanmar, Singapore, Campuchia và Lào nhưng số lượng không nhiều chỉ gần 2 tỷ đồng/tháng. Tới đây, khi AEC chính thức thành lập, thuế suất giảm về 0%, sẽ có thêm nhiều thuận lợi lớn cho xuất khẩu”.
Một số doanh nghiệp nhỏ khác tại Đồng Nai cũng đã và đang phấn đấu tìm thị trường cho hàng hóa, bao gồm cả nội địa lẫn xuất khẩu. Đơn cử, Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng (Nutriworld) ở ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 5 tấn nấm mèo khô đã sơ chế thái sợi và đóng gói sang gần 10 thị trường, song tập trung nhiều ở Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức. Còn thị trường trong nước, Nutriworld đã cung cấp cho hầu hết các hệ thống siêu thị trên 10 tấn nấm mèo khô/tháng. Tương tự, Công ty TNHH Hoàn Mỹ, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), cũng cho biết Hoàn Mỹ là một trong số ít doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như thế giới ký được hợp đồng dài hạn cung cấp các loại nút áo cao cấp từ vỏ sò cho các thương hiệu quần áo, túi xách lớn ở Italia, Pháp, Hoa Kỳ và một số nước khác.
Hương Giang - Vi Lâm