Mùa mưa năm nay, người dân ở nhiều phường, xã của TP.Biên Hòa ngao ngán với tình trạng ngập nước. Nhiều nhà dân nước ngập sâu hơn 1m; nhiều tuyến đường ngập nước gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Mùa mưa năm nay, người dân ở nhiều phường, xã của TP.Biên Hòa ngao ngán với tình trạng ngập nước. Nhiều nhà dân nước ngập sâu hơn 1m; nhiều tuyến đường ngập nước gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Mỗi trận mưa lớn nước khu vực cầu Quan trên đường Bùi Văn Hòa gần giao với quốc lộ 51 lại gây ngập đường và ngập cả nhà dân. |
Biến đổi khí hậu, người dân vứt rác bừa bãi, hệ thống hạ tầng thoát nước cũ kỹ, tốc độ đô thị hóa cao khu dân cư phát triển không có quy hoạch... là những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước vào mùa mưa ở TP.Biên Hòa ngày một nghiêm trọng hơn.
* Nhiều tuyến ngập nặng và rất nặng
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, toàn thành phố hiện có 25 điểm ngập, trong đó có những nơi ngập nặng và rất nặng, như: đoạn đường Nguyễn Ái Quốc từ cầu Săn Máu thuộc 2 phường Hố Nai, Trảng Dài đến nhà sách Đồng Nai; khu vực cầu Săn Máu và cầu Xóm Mai; ngã năm Biên Hùng; 6 ấp ở xã Phước Tân; đoạn ngã tư Lạc Cường trên đường Phạm Văn Thuận; khu vực cây xăng Tân Hòa đến ngã ba Nhà máy nước Thiện Tân; khu vực cầu Đen trên quốc lộ 51 phường Long Bình Tân; khu vực cầu Quan trên đường Bùi Văn Hòa; khu vực cổng 11 phường Long Bình Tân.
Ông Trần Dương Vũ, Phó phòng quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho biết hiện trong nội ô có 2 điểm ngập lớn cần xử lý ngay trong năm 2015 là khu vực ngã năm Biên Hùng và ngã tư Lạc Cường. Tại khu vực ngã năm Biên Hùng, thành phố đầu tư mới hệ thống thoát nước phù hợp thực tế dọc theo đường 30-4 qua đường Cách mạng tháng Tám vào đường Nguyễn Văn Trị, sau đó ra sông với chiều dài khoảng 1,6km. Kinh phí xây dựng hệ thống thoát nước này khoảng 35 tỷ đồng. Đối với khu vực ngã tư Lạc Cường cũng cần đầu tư mới hệ thống thoát nước từ ngã tư dọc theo đường Võ Thị Sáu đến cầu Đồng Tràm có chiều dài 940m, kinh phí xây dựng khoảng 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, 2 điểm ngập khá quan trọng nằm trên quốc lộ 51 là khu vực cầu Đen và xã Phước Tân cũng cần sớm xử lý. Theo ông Trần Dương Vũ, 2 điểm này phòng đã kiến nghị UBND tỉnh sớm cải tạo hệ thống thoát nước sông Buông ra đến sông Bến Gỗ để giải quyết ngập cho khu vực xã Phước Tân và nạo vét hạ lưu suối Bà Lúa từ cầu Đen ra đến sông Cái khoảng 3km. Ngoài ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo Công ty cổ phần thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên triển khai thi công trước hệ thống kênh thoát nước khoảng 1,6 km theo quy hoạch được duyệt của dự án Khu du lịch và đô thị Sơn Tiên nhằm giải quyết ngập cho toàn bộ khu vực thượng lưu khu cầu Quan, cổng 11.
Theo tính toán của Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, nếu suối Bà Lúa được nạo vét và kênh thoát nước trong khu dự án Sơn Tiên được thi công sẽ xử lý được ngập một vùng khá rộng ở 2 phường Long Bình, Long Bình Tân và 2 xã Phước Tân và An Hòa.
* Thiếu quy hoạch đô thị
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Tấn Long cho rằng, để xử lý triệt để các điểm ngập trong nội ô thành phố vẫn phải chờ dự án xây dựng mới đồng bộ hệ thống xử lý nước thải và thoát nước mưa tỉnh đang đàm phán vay vốn ODA của Nhật Bản. Hiện nay hệ thống thoát nước của thành phố đã quá tải.
Nhìn ở góc độ quy hoạch đô thị, theo kiến trúc sư Đặng Văn Hân, Phó giám đốc Công ty tư vấn quy hoạch và xây dựng A.T.S (phường Long Bình), các phường mới ở TP.Biên Hòa, không được quy hoạch chuẩn nên đô thị phát triển khá lộn xộn. Cũng chính tốc độ đô thị hóa quá nhanh lại thiếu quy hoạch dẫn đến hạ tầng kỹ thuật, trong đó có thoát nước không đáp ứng được nên tình trạng ngập nước cục bộ là khó tránh khỏi.
Cũng theo ông Hân, ngoài một số phường nằm ven sông thì phần lớn đất ở Biên Hòa khá cao nên tính chất ngập nước khác với TP.Hồ Chí Minh. “Ở đây việc tính toán đầu tư hệ thống thoát nước không đủ lớn và chưa hợp lý nên xảy ra ngập cục bộ do nước thoát không kịp, khác với TP.Hồ Chí Minh bị ngập do tác động cả triều cường. Ở những phường ven sông Đồng Nai, nếu không tính toán cốt nền tốt, sau này khi nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, lúc đó sẽ bị ngập nước giống TP.Hồ Chí Minh, rất khó xử lý” - ông Hân cảnh báo.
Vân Nam