Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa máy móc ra đồng

10:09, 02/09/2015

Thời gian qua, Nhà nước triển khai nhiều chương trình ưu đãi vốn nhằm khuyến khích nông dân đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất. Trong đó, Quyết định 68/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ưu đãi vốn cho doanh nghiệp (DN), nông dân mua máy móc, thiết bị đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi vào thực tế.

Thời gian qua, Nhà nước triển khai nhiều chương trình ưu đãi vốn nhằm khuyến khích nông dân đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất. Trong đó, Quyết định 68/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ưu đãi vốn cho doanh nghiệp (DN), nông dân mua máy móc, thiết bị đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi vào thực tế.

Nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia hội thảo giới thiệu máy thu hoạch bắp của Công ty TNHH một thành viên Phan Tấn tại huyện Xuân Lộc.  Ảnh: B.Nguyên
Nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia hội thảo giới thiệu máy thu hoạch bắp của Công ty TNHH một thành viên Phan Tấn tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Theo đánh giá của nông dân trên địa bàn tỉnh, nông dân không còn phải “tự bơi” trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mua máy móc nông nghiệp. Nhiều DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này đã chủ động đồng hành, hỗ trợ nông dân về hồ sơ, thủ tục vay vốn ưu đãi mua máy móc. 

* Chủ động hỗ trợ nông dân

Nói về sự năng động của các DN sản xuất, kinh doanh máy móc nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đồng Thuận (huyện Tân Phú), nhận xét: “Khi HTX giới thiệu đang xây dựng vùng chuyên canh cây lúa theo mô hình cánh đồng lớn và có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, không chỉ DN trên địa bàn tỉnh mà có cả DN từ các tỉnh, thành lân cận, như: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh lập tức về tận nơi giới thiệu sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ. Trong đó, nhiều DN liên kết với nhau cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mua nhiều loại máy móc từ cùng một đầu mối để nông dân thuận tiện hơn trong làm hồ sơ, thủ tục vay vốn ưu đãi theo các chính sách Nhà nước. Thậm chí, có đơn vị “bao tiêu trọn gói” cho nông dân về mặt hồ sơ, thủ tục vay các gói vốn ưu đãi.

Ông Phan Tấn Bện, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (tỉnh Đồng Tháp), chia sẻ: “DN rất chú trọng đầu tư trong khâu giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường, trong đó có dòng sản phẩm máy gặt đập liên hợp vừa thu hoạch lúa, vừa thu hoạch bắp và nhiều tính năng khác. Đồng Nai là một trong những thị trường tiềm năng DN rất quan tâm nên chúng tôi đã tổ chức hội thảo thực tế trên cánh đồng để giới thiệu sản phẩm đến tận tay nông dân. DN đã bán được 2 chiếc máy cho nông dân Đồng Nai ngay trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm với mức giá ưu đãi”.

* Cơ hội cho máy nội

Trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước là rất lớn. Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ cơ giới nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai cũng ngày càng phát triển. Cơ hội về thị trường rộng mở nhưng áp lực cạnh tranh với máy móc, thiết bị nhập khẩu cho các DN sản xuất trong nước cũng không nhỏ, vì Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ máy móc nông nghiệp rất giàu tiềm năng được nhiều nước trên thế giới nhắm đến.

Đồng Nai hiện có 18 doanh nghiệp, cơ sở chuyên chế tạo máy móc nông nghiệp; trên 200 cơ sở kinh doanh máy móc, thiết bị nông nghiệp và 53 cơ sở dịch vụ, sửa chữa…Theo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy móc nông nghiệp, địa phương nên triển khai nhanh các chính sách, dự án hỗ trợ nông nghiệp của Chính phủ. Các ngân hàng nên xây dựng quy chế cho vay hỗ trợ thông thoáng hơn, thủ tục đơn giản hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ để có điều kiện đẩy mạnh đầu tư máy móc nông nghiệp vào sản xuất.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Mỗi năm, HTX đón hàng chục đoàn khách từ các nước đến đặt vấn đề hợp tác trong đầu tư chế biến, xuất khẩu trái xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài. Họ đều giới thiệu với chúng tôi và đặt vấn đề cung cấp các dây chuyền trong sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm. Tuy nhiên, do giá dây chuyền thiết bị nhập khẩu khá cao nên HTX đang xây dựng phương án chọn lựa, đầu tư dây chuyền sản xuất trong nước để tiết kiệm chi phí”.

Để tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay, các DN sản xuất trong nước không chỉ quan tâm đầu tư, cải tiến khâu sản xuất mà ngày càng chú trọng đến hoạt động phát triển thị trường. Đại diện của Công ty TNHH một thành viên động cơ và máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) (TP.Biên Hòa), giới thiệu những chính sách phát triển thị trường của DN: “Chúng tôi có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực dành cho nông dân, như: đầu tư máy trả chậm không lãi suất; hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi mua máy móc, thiết bị theo Quyết định 497, Quyết định 68… Nhờ đó, hàng năm SVEAM cung cấp ra thị trường gần 72 ngàn động cơ và hơn 50 ngàn máy nông nghiệp các loại. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp các linh kiện, chi tiết máy cho nhiều nhà sản xuất lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Bình Nguyên

 
 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích