Báo Đồng Nai điện tử
En

Chông chênh nông sản xuất khẩu

09:09, 03/09/2015

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, như: hạt điều, cao su, mì lát... khi xuất khẩu ở những tháng cuối năm nay sẽ không mấy thuận lợi khi Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ.

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, như: hạt điều, cao su, mì lát... khi xuất khẩu ở những tháng cuối năm nay sẽ không mấy thuận lợi khi Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ.

Giá mủ cao su xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân ngành cao su. Trong ảnh: Khai thác mủ cao su tại Nông trường Bình Lộc, TX.Long Khánh.
Giá mủ cao su xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân ngành cao su. Trong ảnh: Khai thác mủ cao su tại Nông trường Bình Lộc, TX.Long Khánh.

Một cán bộ của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhận định, với giá cao su tiếp tục xuống thấp sẽ làm gia tăng tình trạng người dân chặt bỏ cao su tiểu điền.

* Cao su xuống giá

Khi ngành cao su vẫn đang loay hoay chống đỡ với bài toán rớt giá thì “họa” lại đến khi Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ. Bà Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai, cho biết sau khi đồng Nhân dân tệ bị thả nổi, giá cao su xuất khẩu lập tức xuống hơn 2 triệu đồng/tấn. Bà Gái nói: “Dù công ty không trực tiếp xuất khẩu mủ cao su sang thị trường Trung Quốc, nhưng vẫn bị tác động về giá do lượng cao su thị trường Trung Quốc sử dụng rất lớn gây ảnh hưởng đến thị trường cao su thế giới. Giá mủ SVR 3L (thuộc loại cao su định chuẩn kỹ thuật) xuống chỉ còn hơn 29 triệu đồng/tấn”.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, sản lượng mì lát xuất khẩu trung bình hàng năm của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn, 85% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thống kê của Bộ cũng cho thấy, Đồng Nai là một trong 15 tỉnh có diện tích mì lớn của cả nước.

Thời điểm đầu năm, giá cao su xuất khẩu có lúc lên đến 33 triệu đồng/tấn đã mang lại niềm hy vọng vượt qua khó khăn, nhưng với giá xuống thấp trở lại như hiện nay sẽ gây không ít trở ngại cho hoạt động sản xuất - kinh doanh ngành cao su. Cũng theo bà Gái, hiện tổng công ty đang điều chỉnh sản xuất, tăng lượng mủ cao su ly tâm lên để bán cho các ngành công nghiệp trong nước nhằm giảm bớt xuất khẩu. Ngoài ra, tổng công ty sẽ tập trung các hoạt động khác, như: nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su, chế biến gỗ cao su… để hỗ trợ cho giá mủ cao su ở mức thấp, đảm bảo ổn định thu nhập cho công nhân. Với cao su tiểu điền, việc gia tăng diện tích chặt bỏ sẽ khó tránh khỏi khi giá luôn ở mức thấp, như hiện nay.

*  Mì, điều chịu sức ép

Theo ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH xuất nhập khẩu Berli - Export (văn phòng tại quận 2, TP.Hồ Chí Minh), việc thả nổi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng khiến các DN xuất khẩu hàng vào nước này gặp trở ngại. “Sản phẩm mì lát mà DN xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị các đối tác đề nghị giảm giá, chia sẻ khó khăn do đồng nội tệ của họ trượt giá. Điều này gây khó cho DN vì mỗi tấn mì xuất khẩu chỉ lãi khoảng 2 USD, sắp tới chúng tôi còn lo lắng chuyện thuế xuất khẩu mì, nếu phải gánh thêm khoản chi phí này, DN có nguy cơ còn lỗ” - ông Hùng trình bày. Một điều khác mà ông Hùng e ngại là vào dịp cuối năm, các nhà nhập khẩu Trung Quốc có khả năng ép giá mì xuống thấp hơn nữa khi các tỉnh phía Nam của Việt Nam rộ mùa thu hoạch mì và mức lãi vốn đã xuống thấp của họ bị kéo dài thêm.

Chế biến điều ở một doanh nghiệp tại TX.Long Khánh.  Ảnh: V.NAM
Chế biến điều ở một doanh nghiệp tại TX.Long Khánh. Ảnh: V.NAM

Tương tự cao su và mì, ngành điều chịu áp lực không nhỏ với việc biến động tỷ giá tại Trung Quốc. Các DN chế biến hạt điều xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Trung Quốc đều trong mối ưu tư. Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Nguyễn Đức Thanh cũng nhìn nhận ngành đã bị tác động kép về giá ở thị trường này, do Trung Quốc tăng thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng hạt điều và đồng Nhân dân tệ mất giá so với USD. Phó giám đốc một DN chế biến điều của tỉnh cũng nhận xét vấn đề này sẽ “khó suôn sẻ” trong thời gian tới: “Khách hàng mua điều từ Trung Quốc hiện đang đắn đo trong việc ký hợp đồng các đơn hàng mới. Chỉ tính riêng việc trượt giá, mỗi tấn điều họ mất thêm khoảng 1 ngàn Nhân dân tệ (hơn 3 triệu Việt Nam đồng)”.

Trung Quốc hiện vẫn đứng thứ 2 về nhập khẩu nhân điều từ Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Đây rõ ràng là một áp lực cho những tháng cuối năm của các DN chế biến xuất khẩu điều sang Trung Quốc.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích