Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nông dân tỷ phú

11:08, 31/08/2015

Dù cả đời gắn bó với ruộng đồng hay tình cờ đến với nghề nông, họ đều là những nông dân tiên phong trong nghề, nổi tiếng sản xuất giỏi của tỉnh. Họ giàu lên nhờ biết ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Dù cả đời gắn bó với ruộng đồng hay tình cờ đến với nghề nông, họ đều là những nông dân tiên phong trong nghề, nổi tiếng sản xuất giỏi của tỉnh. Họ giàu lên nhờ biết ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

* “Lão nông” bò sữa

“Lão nông” Lâm Quang Trí ở  xã Lộc An (huyện Long Thành) là người đi tiên phong  nuôi bò sữa tại Đồng Nai với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Tuy đã qua tuổi “thất thập cổ lai hi”, lão nông này vẫn không hết lửa đam mê trong công việc. Ông Trí kể lại, từ năm 1982, gia đình ông bắt đầu nuôi bò thịt. Sau vài năm tự lai tạo giữa giống bò nội địa và giống bò nhập, ông có lứa bò sữa đầu tiên chỉ với vài con giống. Tích lũy kinh nghiệm từ thực tế lao động, ông dần nhân rộng đàn bò, lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt với diện tích gần 20 hécta. Có giai đoạn, trang trại phát triển đàn lên đến khoảng 200 con bò sữa, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Ông Lâm Quang Trí (xã Lộc An, huyện Long Thành) giới thiệu đàn bò sữa của trang trại.
Ông Lâm Quang Trí (xã Lộc An, huyện Long Thành) giới thiệu đàn bò sữa của trang trại.

Ngay từ những năm đầu phát triển đàn bò sữa, ông đã xây dựng quy trình khép kín trong chăn nuôi, tổ chức trồng cỏ nuôi bò theo hướng chuyên canh, chọn giống cỏ tốt, đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho đồng cỏ. Ông xây dựng hẳn hệ thống mương dẫn nước và chất thải từ khu vực chăn nuôi ra làm phân bón cho đồng cỏ. Nhờ chủ động và kiểm soát được nguồn thức ăn đầu vào, trang trại đảm bảo được cả về sản lượng và chất lượng sữa. Theo ông Trí, các giống bò sữa nhập khẩu hiện chỉ phù hợp với những vùng khí hậu lạnh. Riêng giống bò sữa do nông dân Đồng Nai lai tạo lại chịu được khí hậu nóng nên sinh trưởng rất tốt ở vùng đất này. “Ngày nay, chúng tôi ứng dụng công nghệ cao trong khâu lai tạo giống, đưa kỹ thuật mới vào quy trình chăm sóc theo hướng công nghiệp nên năng suất sữa cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, đàn bò vẫn được phát triển theo hướng tự nhiên, nguồn thức ăn chính vẫn là cỏ tươi, nên từ xưa đến nay sữa tươi Long Thành vẫn nổi tiếng về chất lượng thơm, ngon” - ông Trí khẳng định.

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với lợi nhuận cao, hơn 20 năm trước, gia đình ông đã xây dựng được chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ. Ông đầu tư máy móc, thiết bị để vắt sữa, chế biến sữa thành các sản phẩm, như: sữa tươi, sữa chua, bánh flan... Hiện gia đình ông có 3 đại lý, cửa hàng tiêu thụ các sản phẩm từ sữa do trang trại tự chế biến. Ngoài ra, trang trại còn cung cấp sản phẩm cho các bạn hàng trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh. Không chỉ làm giàu riêng cho mình, ông còn hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi bò sữa giúp nhiều hộ nông dân tại địa phương thoát nghèo. Hiện ông đang xây dựng mô hình liên kết, đầu tư giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm sữa cho nông dân nuôi bò tại địa phương.

Tỷ phú cây đặc sản

Hiện bà Nguyễn Thị Kim Mai là chủ trang trại trái cây an toàn Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) với diện tích khoảng 30 hécta chuyên canh các giống cây đặc sản, như: mãng cầu hạt lép, bơ sáp, xoài cát Hòa Lộc. Bà Mai chia sẻ: “Tôi vốn là giáo viên dạy học, chồng mất sau 5 năm nằm trên giường bệnh khiến gia đình hầu như kiệt quệ, tôi chán nản thu mình trở về với nghề làm nông”. Nhưng chính những thử thách, nhọc nhằn của cái nghề “một nắng, hai sương” này đã khơi dậy niềm đam mê lao động nơi người phụ nữ ấy. Bà đã bỏ rất nhiều công sức để cải tạo hàng chục hécta vườn tạp chuyển sang chuyên canh các giống cây đặc sản được thị trường ưa chuộng. 

Bà Nguyễn Thị Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đem trái mãng cầu hạt lép giới thiệu tại hội nghị nông dân điển hình tiên tiến lần V (giai đoạn 2010-2015) của tỉnh Đồng Nai.
Bà Nguyễn Thị Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đem trái mãng cầu hạt lép giới thiệu tại hội nghị nông dân điển hình tiên tiến lần V (giai đoạn 2010-2015) của tỉnh Đồng Nai.

Bà Mai chia sẻ: “Đam mê đất đai, cây trồng như ngấm vào máu, đi đâu thấy có mô hình hay, giống cây mới là tôi bỏ công tìm hiểu. Tình cờ trong một chuyến đi chơi, tôi được mời ăn thử trái mãng cầu hạt lép. Thấy giống ngon, tôi năn nỉ mua được 1 cây giống mang về”.

Mất hơn 2 năm bỏ công lai ghép, bà mới tạo được giống mãng cầu “không đụng hàng” với những ưu thế, như: hạt lép, thịt dai, trái lớn, hình thức đẹp, cây sinh trưởng khỏe với khả năng kháng sâu, bệnh tốt... Sản phẩm của bà lại được trồng theo quy trình an toàn với kỹ thuật bao trái ngay từ nhỏ. Chính vì vậy, loại trái cây đặc sản này đang được thương lái thu mua tại vườn với giá 80 ngàn đồng/kg. Trang trại của bà đã phát triển được 4 hécta mãng cầu hạt lép và đang tiếp tục tổ chức nhân giống, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều nông dân để cùng nhân rộng diện tích cây trồng đặc sản cho lợi nhuận cao. Theo bà Mai, nhiều đoàn khách Nhật Bản đã về thăm trang trại đặt vấn đề nhập khẩu trái cây. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai tại xã Phú Ngọc, bà đang xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu cho cây xoài, mãng cầu hạt lép.

* “Tay ngang” trồng mít không hạt

Ông Đỗ Thành Nghĩa, ngụ tại xã Bảo Quang (TX. Long Khánh) vốn là chủ một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh sắt thép, nhưng lại là người đầu tiên trồng thành công giống mít không hạt tại Đồng Nai. Vì có máu thích sưu tầm những giống cây đặc sản nên ông mua đất lập vườn trồng các loại trái cây “lạ”, như: mít không hạt, bơ sáp “khủng”… Một lần tình cờ đi lễ hội trái cây tại Khu du lịch Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh), anh được ăn thử giống mít lạ: mít không có nhựa, hạt lép, xơ dày nên hầu như ăn hết được cả phần ruột. Đặc biệt, loại mít này có hương thơm giống hương xá xị. Ông đã lặn lội về TP.Cần Thơ, tìm đến tận nhà lão nông đầu tiên của Việt Nam trồng được giống mít này để mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm. Ông đã trồng thử nghiệm thành công được khoảng 180 gốc mít không hạt. Ông cho biết: “Giống mít này rất “đỏng đảnh”, một số người trong vùng cũng từng mua giống cây này về trồng nhưng đều chặt bỏ vì không hiệu quả”.

Anh Đỗ Thành Nghĩa (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) giới thiệu cây mít  không hạt trong vườn nhà.
Anh Đỗ Thành Nghĩa (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) giới thiệu cây mít không hạt trong vườn nhà.

Để giống mít mới tăng trưởng tốt, ông đã đầu tư hệ thống tưới tự động, xây dựng quy trình chăm sóc riêng công phu hơn rất nhiều so với trồng những giống mít truyền thống. Thời điểm kết trái, người trồng càng cần phải bỏ công xử lý kỹ thuật để cây cho trái lớn, chất lượng ngon. “Từ khi trái mới nhú, tôi đã theo sát chụp hình lại suốt quá trình từ lúc sinh trưởng cho đến khi trái già; phải cắt tỉa, chọn lọc và chỉ để lại những trái khỏe, gai nở đều. Tôi cho bao trái từ nhỏ để giảm côn trùng, sâu hại, nhất là vào mùa mưa nhằm hạn chế nước mưa thấm vào cuống gây thối trái. Phải mất 3 lứa trái, tôi mới tìm ra bí quyết để tăng trọng lượng  lên hơn 20 kg/trái, tăng gấp đôi so với vụ đầu; múi mít có màu vàng rượm, vị ngọt cũng đậm đà hơn so với giống gốc. Nhờ đó, tôi đang bán được mít với giá 50 ngàn đồng/kg” - ông Nghĩa kể.

Với lợi thế là chủ doanh nghiệp nên ông đem giống mít đặc sản của mình đi tiếp thị khắp nơi. Hiện ông nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ những bạn hàng từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, một số khách nước ngoài cũng rất quan tâm. Ông đang xây dựng kế hoạch nhân rộng giống mít đặc sản này và sản xuất theo quy trình VietGap để hướng đến thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều