Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa hàng Việt xuất ngoại

11:08, 31/08/2015

Khi hội nhập sâu hơn, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ gặp khó khăn về đầu ra. Nhưng vẫn có những DN, cơ sở tìm ra cách riêng giữ được thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Khi hội nhập sâu hơn, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ gặp khó khăn về đầu ra. Nhưng vẫn có những DN, cơ sở tìm ra cách riêng giữ được thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Tuy sản xuất - kinh doanh những ngành nghề khác nhau, song các DN này có điểm chung là hiểu rất rõ thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì thế, dù nguồn vốn có hạn, họ vẫn tận dụng được cơ hội phát triển sản xuất để tăng doanh thu và lợi nhuận.

* Thuyền nhỏ vượt sóng lớn

Trong khi nhiều DN vừa và nhỏ ở Đồng Nai đang loay hoay tìm hướng đi trong thời điểm cánh cửa thị trường đã mở rộng thì một số DN vừa và nhỏ đã có sự chuẩn bị trước, nên dù thuyền nhỏ vẫn vượt “sóng lớn” an toàn. Có những DN, cơ sở hàng hóa sản xuất đã tăng 30-50% so với năm trước, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom).
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom).

Hơn 3 năm qua, nhiều DN, cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ trong tỉnh đã phải co cụm lại, đóng cửa chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác thì cơ sở Thành Nhân ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) vẫn ăn nên làm ra và tăng sản xuất thêm 50-60% vẫn không đáp ứng hết các đơn hàng trong và ngoài nước. Bí quyết thành công của cơ sở này là tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ trong nước, đa dạng mẫu mã và hạ giá thành sản phẩm. Do đó, hầu hết khách hàng trong và ngoài nước khi có nhu cầu mua sản phẩm gỗ mỹ nghệ, khi đến cơ sở này ít khi bỏ đi nơi khác.

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân, chia sẻ: “Ba yếu tố khiến khách hàng trong và ngoài nước tìm đến cơ sở đặt hàng ngày một nhiều là sản phẩm tinh xảo đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo và giá bán rẻ chỉ bằng 30-50% so với những cơ sở khác. Từ đầu năm đến nay, cơ sở đã phải từ chối một số đơn hàng lớn của đối tác tại Hoa Kỳ và Pháp vì không đủ năng lực đáp ứng, dù đã tăng công suất thêm 50%”. Cũng theo ông Nhân, giá sản phẩm của cơ sở rẻ hơn rất nhiều so với những cơ sở, DN khác là vì không nhập khẩu gỗ nguyên liệu mà chỉ mua gỗ vụn thải ra từ các công ty sản xuất đồ gỗ khác trong tỉnh.

Ông Hồ Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nông Lâm ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) cho hay: “Trong khi các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cho heo, gà, thủy sản đang cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần và mở rộng thị trường trong nước thì tôi tránh “gió lớn” bằng cách sản xuất phẩm thức ăn cho bò để xuất khẩu. Hiện mỗi tháng tôi xuất khẩu được 4 ngàn tấn thức ăn cho bò sang Nhật Bản và Hàn Quốc, tăng khoảng 1 ngàn tấn/tháng so với năm trước”. Ông Sáu đang có kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ mở rộng thêm dây chuyền sản xuất thức ăn cho bò để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ tìm hướng đi riêng trong ngành nghề đang có nhu cầu song ít nhà đầu tư nên DN của ông Sáu có thị trường trong nước và xuất khẩu khá ổn định.

* Vinh danh hàng Việt

Một số DN vừa và nhỏ cho hay, đưa được hàng Việt xuất khẩu sang nhiều nước và được thị trường thế giới chấp nhận là một niềm vui lớn. Vì điều này chứng tỏ, DN Việt đã khẳng định được mình và tìm được vị thế trên thị trường quốc tế.

Sản xuất nấm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng ở ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất).
Sản xuất nấm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng ở ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất).

Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng (Nutriworld) ở ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) hào hứng kể: “Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu được khoảng 5 tấn nấm mèo khô đã sơ chế, thái sợi và đóng gói sang gần 10 thị trường, song tập trung nhiều ở Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức. Với thị trường trong nước, Nutriworld đã cung cấp cho hầu hết các hệ thống siêu thị với trên 10 tấn/tháng”. Ngoài ra, công ty còn sơ chế, đóng gói bán cho các DN khác để xuất khẩu gần 40 tấn/tháng. Cũng theo ông Phú, mỗi năm nông dân Đồng Nai sản xuất khoảng 50 ngàn tấn nấm mèo, đầu ra còn khá bấp bênh. Vì thế, ông Phú dự tính sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tìm thêm thị trường để đưa nấm Đồng Nai xuất khẩu sang nhiều nước khác với số lượng lớn giúp nông dân trồng nấm có đầu ra ổn định.

Bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) tự hào nói: “Hoàn Mỹ là một trong số ít DN ở Việt Nam cũng như thế giới ký được hợp đồng dài hạn cung cấp các loại nút áo cao cấp từ vỏ sò cho các thương hiệu quần áo, túi xách lớn ở Italia, Pháp, Hoa Kỳ và một số nước khác. Để giữ chân được những khách hàng lớn, sản phẩm của công ty phải luôn đảm bảo chất lượng và giao hàng đúng thời hạn”. Đơn hàng từ các thương hiệu quần áo, túi xách lớn trên toàn cầu dành cho DN Hoàn Mỹ ngày một nhiều và công ty đã phải nâng công suất gấp gần 2 lần so với ngày mới thành lập vẫn không đủ hàng cung cấp.

 

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều