Gắn bó với ngành chăn nuôi 20 năm và hiện đang sở hữu đàn gà gần 1 triệu con, nhưng Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ Âu Thanh Long cho biết, tâm trạng của những người chăn nuôi sát thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường thông qua việc ký kết các hiệp định kinh tế là khá bi quan.
Gắn bó với ngành chăn nuôi 20 năm nay và hiện đang sở hữu đàn gà gần 1 triệu con, nhưng Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ Âu Thanh Long cho biết, tâm trạng của những người chăn nuôi sát thời điểm Việt Nam mở cửa thị trường hoàn toàn thông qua việc ký kết các hiệp định kinh tế là khá bi quan.
Hiệp hội vừa ký vào bản kiến nghị gửi đến Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đề nghị bỏ hàng chục loại phí đang áp lên con heo, con gà, quả trứng. Ông Long cho biết, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời để giảm giá thành, thì chỉ vài năm nữa, người chăn nuôi trong nước sẽ không thể bám trụ thêm.
Rất khó để lạc quan
* Cuối tháng 5 vừa qua, ông có chuyến công tác cùng Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn sang châu Âu để tìm giống heo năng suất cao hơn về Việt Nam với ý định nhân rộng cho người chăn nuôi. Câu chuyện cụ thể ra sao?
- Thực tế, năng suất đàn heo trong nước rất thấp, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, dù chúng ta tự hào là quốc gia nông nghiệp. Cụ thể, một con nái giống tốt nhất tại Việt Nam mỗi năm chỉ sinh sản trung bình 25 con, trong khi năng suất tại các nước khác là 35 con, thấp hơn khoảng 35%. Với heo thịt, họ nuôi đạt trọng lượng 100kg trong 120 ngày thì chúng ta mất 150 ngày. Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và sức cạnh tranh.
Nhìn nhận rõ điều đó để thấy nếu chỉ trong tầm nhìn trung hạn sắp tới, khoảng 5 năm mà chúng ta không thay đổi gì thì tình hình rất tệ. Vì vậy mà chúng tôi có chuyến công tác 4 nước châu Âu vào cuối tháng 5. Trong tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã nhập lô heo giống có giá trị 200 ngàn Euro (hơn 4,8 tỷ đồng, chưa bao gồm phí nhập khẩu) về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng là một trong những lô hàng nhập con giống lớn nhất từ trước đến nay về giống heo này. Chúng tôi nhận chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo nhân sự quản lý trình độ cao và cung cấp con giống Dambred giữa 2 nước Đan Mạch và Việt Nam. Lô heo đang được công ty tôi nuôi và sẽ nhân giống rộng rãi cho nông dân trong thời gian tới.
* Với gần 10 hiệp định kinh tế song và đa phương mà Việt Nam đang chuẩn bị tham gia, tâm trạng chung của những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành như ông hiện tại ra sao?
- Ngay lúc này, chưa thể đánh giá một cách cụ thể về những tác động của hội nhập đến tình hình chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, tình hình đang rất căng thẳng, nhất là chăn nuôi gà. Chúng tôi đang rất yếu thế và lo lắng trước thịt gà nhập khẩu vì giá của thịt nhập hiện tại là “không tưởng”, nằm dưới giá thành rất sâu.
Phải thừa nhận, trong nhiều hiệp định kinh tế song và đa phương mà Chính phủ đang bàn thảo, chuẩn bị, chúng tôi “ngán” nhất là TPP. Cho đến giờ này, thông tin chúng tôi có được không nhiều, ngoài chuyện thuế nhập khẩu sẽ về 0 và sản phẩm của ngành chăn nuôi sẽ bị đe dọa ngay tại thị trường trong nước. Còn những thông tin khác: lộ trình cụ thể, những chuẩn bị về chính sách, kết quả nghiên cứu tác động của TPP... thì gần như không có gì. Vậy nên người chăn nuôi đang trong tâm trạng phập phồng lo lắng.
* Hiệp hội vừa có văn bản giải trình các loại phí mà một con heo, con gà đang “cõng” trên lưng cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Giá thành giữa các nước không lệch nhau nhiều lắm, nguyên liệu thế giới có giá chung, ngoài thời điểm mua chỉ khác nhau ở vận chuyển và chi phí nội địa. Đủ các loại phí, 1 con gà cõng 31 loại phí. Sau câu hỏi chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu bãi bỏ phí, thì 17 chi cục thú y trên cả nước trong buổi họp tại TP.Hồ Chí Minh lại yêu cầu giữ nguyên, không bỏ loại nào (theo Thông tư 04). Vậy nên chúng tôi vừa có văn bản báo cáo rõ cho Bộ, các chi phí trên là những chi phí cụ thể nào và chiếm % bao nhiêu trong giá thành sản phẩm. Theo đó thì chi phí cho thú y là 10%, nghĩa là người nông dân đang trả lương cho ngành thú y. Chúng tôi đang hy vọng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ bãi bỏ, chỉ giữ lại vài loại phí hợp lý.
Tất cả là cuộc chơi về giá
* Theo ông vì sao thịt nhập khẩu lại có giá rẻ đến thế?
- Trở lại vấn đề thịt nhập, khi một doanh nghiệp bán hàng trên thị trường dưới giá thành (đặc biệt giá bán sản phẩm cùng loại ở quốc gia nhập khẩu lại thấp bằng 50% giá bán hiện tại ở quốc gia xuất khẩu như Mỹ thì cần xác định cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá), thì tại nhiều nước sẽ áp thuế chống bán phá giá, hạn chế nhập khẩu bằng nhiều cách, thì Việt Nam vẫn chưa làm được, trái lại thoải mái cho nhập khẩu. Người nuôi gà trong nước cạnh tranh sao nổi khi nông dân Mỹ nuôi gà xong, chỉ cần bán phần thịt ức là lấy lại vốn, những phần còn lại người Mỹ không ăn cho xuất khẩu với giá bán dưới giá thành.
* Nhiều người vẫn nói, thói quen dùng thịt “nóng” của người tiêu dùng Việt Nam sẽ là chiếc neo để giữ ngành chăn nuôi trong nước không phá sản khi thịt ngoại nhập khẩu về ồ ạt. Ông có nghĩ thế không?
- Tôi nghĩ thói quen này đã thay đổi. Thịt nhập khẩu về Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đã tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái, và sẽ luôn tăng trưởng nếu thịt trong nước không có giá cạnh tranh hơn. Chúng ta có thể lạc quan khi quan sát vài ngôi chợ truyền thống, thấy các sạp vẫn bán thịt tươi, thịt “nóng”. Tuy nhiên, kể cả hiện tại và tương lai gần, thị trường chính của ngành chăn nuôi không nằm ở đó mà nằm ở hệ thống bếp ăn công nghiệp, hệ thống nhà hàng, siêu thị, trường học, quán cơm bình dân, nhà máy chế biến thực phẩm... và thịt lạnh dễ dàng chiếm lĩnh nếu giá cả phù hợp. Thịt lạnh hay thịt nóng, chúng tôi đều đáp ứng tốt. Chỉ sợ thua về giá.
* Ai cũng biết, liên kết sản xuất lớn để giảm giá thành là cách làm sống còn trong ngành, nhưng ông có tự tin rằng nông dân sẽ chịu liên kết lại vì lợi ích chung? Theo ông, điều này khó hay dễ thực hiện?
Các bạn hỏi chúng tôi “sợ” gì nhất khi bước vào cuộc cạnh tranh mới? Xin thưa, tất cả nằm ở giá. Chúng tôi đang tìm mọi cách hạ giá thành để có giá bán cạnh tranh nhất: tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào. Làm thế nào để thuyết phục các nhà hàng, bếp ăn tập thể, hệ thống quán xá hay người tiêu dùng phổ thông chịu mua thịt gà của bạn khi giá thành sau khi giết mổ xong là 37 ngàn đồng/kg, trong khi giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ bán tại chợ chỉ 19 ngàn đồng? |
- Ngành chăn nuôi đang đứng trước một sức ép khổng lồ, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp FDI đang kinh doanh tại Việt Nam. Về mảng gà, họ lỗ liên tục, heo thì vẫn đang cố gắng. Thay đổi nhận thức người nông dân trong nước không dễ. Chăn nuôi hiện đại đòi hỏi đầu tư rất lớn. Nếu hỏi chúng tôi muốn thay đổi điều gì trong cách chăn nuôi của nông dân, thì chúng tôi mong họ nhìn xa hơn một chút, liên kết lại và bỏ đi cách làm nhỏ lẻ. Chỉ có con đường liên kết lại, giảm chi phí, giảm giá thành thì mới cùng nhau tồn tại được. Tuy nhiên, chúng tôi biết không dễ để thay đổi điều này. Do đó, doanh nghiệp phải tiên phong. Chẳng hạn với mong muốn cải tạo năng suất heo, nông dân không có nguồn lực để nhập giống với giá 80 triệu đồng/con, nên chúng tôi sẽ làm trước, sau 2 năm sẽ nhân rộng.
* Trước mắt, ngắn hạn nhất, ngành chăn nuôi cần hỗ trợ những gì?
- Chúng tôi cần hỗ trợ ngay về mặt chính sách. Tôi hiểu rằng khi đàm phán các hiệp định, Chính phủ phải cân bằng lợi ích giữa nhiều ngành nghề: da giày, dệt may, điện tử... và chăn nuôi cũng chỉ là một mảng trong những cân nhắc đó. Tuy nhiên, thực tế lĩnh vực này cần hỗ trợ nhanh nhất và nhiều nhất nếu chúng ta muốn giữ ngành này tồn tại và phát triển.
Trước hết, nên bỏ ngay chi phí lệ phí thú y và thú y từ khâu nhập giống đến tổ chức chăn nuôi, giết mổ, phân phối. Cũng cần bỏ giấy phép nhập khẩu con giống vì từ 1-7, Việt Nam áp dụng Luật Đầu tư mới được kinh doanh những gì luật không cấm, thay thế bằng danh mục giống cho phép nhập. Chúng tôi sẽ nhận được ngay hỗ trợ này, nếu có thu phí, chỉ nên thu 1 lần duy nhất để từng bước cho thịt nội có cơ hội cạnh tranh công bằng với thịt ngoại (các nước khác không thu vì họ xem như cấp giấy kiểm dịch thú y là hành chính công). Ngoài ra, chuẩn bị hàng rào kỹ thuật, hàng rào pháp lý để có cơ sở khi bị cạnh tranh không lành mạnh... Vì nhiều năm làm trong ngành, tôi hiểu nông dân không thể tự cứu mình. Các nước khác cũng vậy, không phải chỉ ở Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)