Cuối năm nay, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức, dự kiến sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác khu vực, đồng thời cũng đi kèm không ít thách thức. Trước những cơ hội và thách thức đan xen, để nắm bắt được nhiều cơ hội, ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế của Chính phủ, cho rằng Đồng Nai phải phát triển dựa trên 8 trụ cột chính.
Cuối năm nay, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức, dự kiến sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác khu vực, đồng thời cũng đi kèm không ít thách thức. Trước những cơ hội và thách thức đan xen, để nắm bắt được nhiều cơ hội, ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế của Chính phủ, cho rằng Đồng Nai phải phát triển dựa trên 8 trụ cột chính. Trong đó, tập trung vào các lợi thế là đầu tư, thương mại và thể chế.
Tháng 10-2003, các nước trong khối ASEAN thống nhất thiết lập AEC vào năm 2020. Tuy nhiên đến tháng 1-2007, các nước quyết định rút ngắn thời hạn thành lập AEC xuống 5 năm và chính thức cuối năm 2015. AEC gồm có 10 nước tham gia là: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Brunei và Myanmar.
Doanh nghiệp nhỏ được ưu tiên
* Thời điểm bước vào Cộng đồng kinh tế ASEAN đã gần kề. Theo ông, doanh nghiệp cả nước cũng như Đồng Nai phải làm gì để đón bắt được nhiều lợi thế?
- Trước tiên, tôi xin nói rõ hơn về một số điểm chính khi AEC chính thức có hiệu lực. Lúc đó, hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động sẽ lưu chuyển tự do trong khối. AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khu vực. Một số chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá khi AEC chính thức sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn so với đầu tư vào Hoa Kỳ và châu Âu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được đầu tư hỗ trợ nhiều hơn. Khi dòng vốn, dịch vụ, lao động luân chuyển tự do, doanh nghiệp cả nước cũng như Đồng Nai sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn lớn với lãi suất hấp dẫn. Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ các nước trong khối và xuất khẩu sẽ không phải chịu thuế. Đặc biệt, AEC sẽ cắt bớt các đặc quyền, đặc lợi của doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, doanh nghiệp vừa, nhỏ nắm bắt cơ hội này củng cố lại quản trị, sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh.
* Vậy theo ông, đâu là thách thức đáng lo ngại nhất?
- Theo tôi, thách thức lớn nhất của Việt Nam là nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về AEC còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của chúng ta còn kém phát triển so với các nước trong khu vực, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. AEC đã gần kề nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn còn thờ ơ không quan tâm, trong khi các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá kỹ cho việc hội nhập này. Không thực sự để tâm tìm hiểu và có sự chuẩn bị trước thì khi AEC chính thức, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động trước những khó khăn, vì khi đó nhiều mặt hàng của các nước trong khối sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với giá rẻ, như: bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm, đồ điện tử... Và không chỉ hàng hóa các nước qua nhiều mà nhiều nhà sản xuất lớn trong AEC sẽ vào Việt Nam để đầu tư sản xuất. Vì thế, tôi muốn nhắn nhủ doanh nghiệp cả nước cũng như Đồng Nai là phải biết người, biết ta thì mới cầm chắc phần thắng trong tay.
* Một số ý kiến cho rằng AEC chính thức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Là người nghiên cứu sâu về hội nhập kinh tế quốc tế, ông đánh sao về ý kiến trên?
- Trước khi thống nhất đẩy nhanh tiến trình AEC, Chính phủ đã có những nghiên cứu đánh giá kỹ những tác động và coi đây là một cú hích tiếp theo để thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong nước. Vào đầu năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, lúc đó nhiều ý kiến nhận định là chúng ta quá vội vàng khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, như vậy sẽ cầm chắc phần thua trong tay. Nhưng sau hơn 9 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã phát triển khá tốt, kim ngạch xuất khẩu năm 2006 chỉ gần 40 tỷ USD nhưng năm 2014 đã tăng lên 150,9 tỷ USD, gấp gần 4 lần. Thực ra, AEC chỉ là một FTA (hiệp định thương mại tự do) chúng ta đã thực hiện từ lâu và tới đây sẽ nâng cao và mở rộng hơn nữa nên sẽ chẳng có gì phải quá lo ngại.
Quan trọng nhất vẫn là con người
* Trong quá trình nghiên cứu về hội nhập quốc tế về kinh tế, ông rất quan tâm đến Đồng Nai và từng đưa ra khuyến nghị tỉnh nên phát triển dựa vào 8 trụ cột chính. Ông có thể nói rõ về 8 trụ cột này?
- Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành có nền kinh tế phát triển nhất cả nước nên khi nghiên cứu về hội nhập của Việt Nam, chuyên gia nào cũng rất quan tâm tâm tìm hiểu các lợi thế, hạn chế của tỉnh trong việc phát triển. Trong quá trình hội nhập, tôi đã nghiên cứu về Đồng Nai nhiều và đưa ra 8 đề xuất với tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế trước hàng loạt các FTA được ký kết và tới đây là AEC, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, FTA Việt Nam- EU. Đó là Đồng Nai nên tiếp tục duy trì, nghiên cứu hoàn thiện và nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên 8 trụ cột cơ bản là: thương mại, đầu tư, du lịch, con người, cơ sở hạ tầng, văn hóa, đặc điểm địa phương và thể chế.
* Trong 8 trụ cột cơ bản ông đề xuất tỉnh nên tiếp tục nghiên cứu phát triển, những trụ cột nào của Đồng Nai được đánh giá cao?
Cộng đồng kinh tế ASEAN có 620 triệu dân với tổng GDP là 2.300 tỷ USD. AEC với mục tiêu phát triển thành không gian chung của 10 nước để thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản... AEC theo dự kiến sẽ chính thức vào cuối năm 2015, nhưng sẽ có lộ trình thực hiện dần dần chứ không thực hiện ngay như TPP. |
- Trong các đề xuất trên thì yếu tố về con người của Đồng Nai được Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đánh giá cao nhất, xếp thứ 3 trong 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tiếp đến là đầu tư, thể chế xếp thứ 4, cơ sở hạ tầng và thương mại xếp thứ 5. Còn du lịch, văn hóa, đặc điểm địa phương xếp thứ hạng rất thấp. Tôi xin nói rõ lĩnh vực văn hóa xếp thứ hạng chưa cao ở đây có nghĩa là tỉnh chưa tận dụng được các ưu điểm từ văn hóa, lễ hội để phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch.
* Muốn khắc phục các điểm yếu và nâng thứ hạng, tỉnh phải làm gì?
- Muốn nâng được thứ hạng trong hội nhập kinh tế quốc tế về du lịch, theo tôi Đồng Nai nên chú ý đến hoàn thiện hạ tầng du lịch để các điểm đến thuận lợi và nâng cao chất lượng những dịch vụ đi kèm. Khi làm tốt các yếu tố trên, tỉnh xúc tiến du lịch để thu hút khách tham quan địa phương, trong nước và quốc tế.
Về văn hóa, tỉnh tìm ra biểu tượng của địa phương; các di sản văn hóa, gồm: đền, chùa, lễ hội, nghệ thuật dân ca...số lượng lễ hội tổ chức trong năm, số lượng di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, bản sắc nghề của địa phương, tri thức truyền thống, từ đó có đánh giá về mức độ hấp dẫn của các lễ hội và di tích để có giải pháp nâng cao gắn kết với du lịch để phát triển kinh tế. Đặc điểm địa phương là vị thế địa lý chiến lược, sản phẩm đặc trưng gắn với chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ. Trong đó còn có cả tài nguyên thiên nhiên, như: rừng, khoáng sản, đất, không gian. Thời tiết là vấn đề khá quan trọng trong đặc điểm của địa phương, vì nó đánh giá sự thuận lợi với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, với đời sống của người dân.
* Nâng cao được thứ hạng các trụ cột trên cũng có nghĩa Đồng Nai đã hội nhập sâu?
- Đúng vậy. Nếu làm tốt các trụ cột trên kinh tế, Đồng Nai sẽ phát triển toàn diện và sẽ là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)