Hai năm một lần, Tổng công ty cao su Đồng Nai lại tổ chức hội thi tay nghề thợ giỏi thu hoạch mủ cao su. Hội thi nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân khai thác - lực lượng góp phần rất lớn trong việc tăng sản lượng mủ hàng năm cho tổng công ty.
Hai năm một lần, Tổng công ty cao su Đồng Nai lại tổ chức hội thi tay nghề thợ giỏi thu hoạch mủ cao su. Hội thi nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân khai thác - lực lượng góp phần rất lớn trong việc tăng sản lượng mủ hàng năm cho tổng công ty.
* Lợi cả đôi đường
Anh Trương Đình Vị, một đảng viên đạt danh hiệu thợ giỏi thu hoạch mủ cao su (bàn tay vàng) của ngành cao su từ năm 2002 của Nông trường Bình Sơn. Từ đó đến nay, anh đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn cho nhiều công nhân khai thác mủ khác. Anh Vị cho biết, một người công nhân khai thác mủ có tay nghề tốt sẽ thu hoạch được lượng mủ nhiều hơn khoảng 30% so với những công nhân bình thường. Việc thu hoạch sản lượng mủ nhiều và tốt hơn sẽ làm lợi cho cả nông trường, đạt được sản lượng đề ra và cũng mang lại lợi ích trực tiếp cho chính bản thân người công nhân đó. Anh Vị nói: “Lương của người công nhân khai thác mủ ăn theo sản phẩm. Khi người công nhân khai thác được sản lượng nhiều và quy trình không bị lỗi, mức lương sẽ được cao, bởi vậy kỹ thuật rất quan trọng”.
Đảng viên Trần Quốc Chí (phải) đang trao đổi kỹ thuật với công nhân khai thác mủ cao su Nông trường An Lộc. |
Điều này cũng được đảng viên Nguyễn Thanh Phong, người có “bàn tay vàng” ở Nông trường An Viễn xác nhận. Theo anh, khi một nông trường mà có đội ngũ công nhân khai thác có tay nghề tốt sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho nông trường, vừa hoàn thành sản lượng và công nhân có thu nhập tốt, đời sống được cải thiện. Ý thức rõ vấn đề này, khi được phân công làm cán bộ quản lý, anh Phong kèm sát sao các công nhân trong tổ có kỹ thuật còn yếu để nâng cao tay nghề. Đến nay 30 công nhân mà anh được phân công quản lý đều đã được rèn tay nghề trở thành khá trở lên.
* Nỗ lực nhiều hơn
“Là một đảng viên và là người có “bàn tay vàng” thì càng phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn” - đó là nhận xét của anh Trần Quốc Chí, một đảng viên và người đạt danh hiệu “bàn tay vàng” của Nông trường An Lộc. Đánh giá về sự nỗ lực của anh Chí, lãnh đạo Nông trường An Lộc, cho rằng anh là tấm gương rất tốt để quần chúng noi theo. Thức dậy và ra lô cao su khai thác mủ từ 4 giờ sáng, rồi làm việc đến 5 giờ chiều nhưng anh Chí vẫn tranh thủ lên trung tâm TX.Long Khánh học để lấy bằng đại học. Không chỉ vậy, việc tham gia vào tập luyện tay nghề để đi thi thợ giỏi khai thác mủ anh Chí cũng thực hành rất chăm chỉ. Năm 2012, anh đã đạt danh hiệu “bàn tay vàng” do Tổng công ty cao su Đồng Nai tổ chức. Anh liên tục học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ kỹ thuật với rất nhiều công nhân khai thác mủ. Mới đây anh Chí được ban giám đốc nông trường điều về làm cán bộ kỹ thuật cho nông trường. Ở vị trí mới này anh lại càng phải nỗ lực hơn.
Đảng viên Nguyễn Thanh Phong cũng chia sẻ, khi đã đứng vào hàng ngũ của đảng, trước hết bản thân mình phải gương mẫu và luôn đi đầu trong các hoạt động công tác. Người đảng viên khi đã đạt danh hiệu tức là có kỹ thuật cao trong khai thác, phải lúc đó phải gắn trách nhiệm giúp đỡ nâng cao tay nghề cho các công nhân khác nữa để góp phần xây dựng cho công ty có đội ngũ công nhân lành nghề.
Với 13 nông trường có trên 9 ngàn công nhân khai thác mủ cao su, tổng công ty rất cần đến những công nhân có bàn tay vàng, đặc biệt là những đảng viên. Chính họ là người góp phần tích cực tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Khắc Giới