Báo Đồng Nai điện tử
En

Gọi vốn ODA đầu tư hạ tầng nước

11:07, 01/07/2015

Theo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, đến năm 2020 khi hệ thống các nhà máy nước đi vào hoạt động thì mới cung cấp được khoảng 60% nhu cầu nước sử dụng cho các khu dân cư và khu công nghiệp. Do đó, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng cung cấp nước trong tỉnh còn rất lớn.

Theo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, đến năm 2020 khi hệ thống các nhà máy nước đi vào hoạt động thì mới cung cấp được khoảng 60% nhu cầu nước sử dụng cho các khu dân cư và khu công nghiệp. Do đó, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng cung cấp nước trong tỉnh còn rất lớn.

Một góc nhà máy bơm cấp nước của hệ thống cấp nước Nhơn Trạch giai đoạn 1.
Một góc nhà máy bơm cấp nước của hệ thống cấp nước Nhơn Trạch giai đoạn 1.

Vốn đầu tư cho hệ thống các nhà máy cấp nước khá tốn kém và thông thường phải huy động từ nguồn ODA mới đáp ứng nổi. Hiện tại, 2 quốc gia là Nhật Bản và Hàn Quốc đang cấp vốn cho các dự án này tỏ vẻ rất hài lòng với các dự án xây dựng hạ tầng cấp nước mở rộng của Đồng Nai.

* Đầu tư liên tục

Năm 2000, dự án Hệ thống cấp nước Thiện Tân (giai đoạn 1) được khởi công xây dựng. Sau 4 năm xây dựng (năm 2004), nhà máy nước có công suất 100 ngàn m3/ngày đã đi vào hoạt động. Nhà máy vừa đi vào khai thác thì dự án Hệ thống cấp nước Nhơn Trạch (giai đoạn 1) cũng được nghiên cứu và đến năm 2008, dự án này cũng được khởi công.

Dự án Hệ thống cấp nước Nhơn Trạch (giai đoạn 1) phải mất tới 6 năm mới hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Đầu năm 2014, chủ đầu tư Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai (nay là Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai)  đã tổ chức lễ khánh thành hệ thống Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 có công suất 100 ngàn m3/ngày. Đây là hệ thống cấp nước có chiều dài ống chuyển tải nước dài nhất đến thời điểm này (40km). Xây dựng hệ thống cấp nước Nhơn Trạch (giai đoạn 1) có tới 3 nhà thầu quốc tế tham gia, cụ thể: gói thầu 1 là cung cấp thiết bị và xây dựng các trạm bơm nước thô và nước sạch do nhà thầu Kubota (Nhật Bản) thực hiện; gói thầu 2 là cung cấp thiết bị và xây dựng  ống chuyền tải nước thô và nước sạch của nhà thầu Salcon Engineering (Malaysia); gói thầu 3 là cung cấp thiết bị và xây dựng nhà máy xử lý nước do nhà thầu Degrémont (Pháp) thực hiện.

Cuối tháng 6-2015, hệ thống cấp nước Thiện Tân (giai đoạn 2) có công suất 100 ngàn m3/ngày cũng được khởi công xây dựng. Xây dựng hệ thống do nhà thầu Kumho Industrial của Hàn Quốc thực hiện. Theo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, dự án hệ thống cấp nước Nhơn Trạch (giai đoạn 2) cũng đang được chuẩn bị xây dựng. Nhà máy nước này cũng có công suất 100 ngàn m3/ngày.

* Nhiều nguồn vốn ODA

Ông Vũ Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, cho hay theo quy hoạch, nhu cầu sử dụng nước sạch của tỉnh đến năm 2020 là 1 triệu m3/ngày. Vì vậy, các dự án cung cấp nước phải liên tục được triển khai xây dựng. Ông Học cũng cho biết, hiệu quả của dự án là rất tốt. Đến nay dự án hệ thống cấp nước Thiện Tân (giai đoạn 1) có tổng số vốn đầu tư trên 39,8 triệu USD (tương đương gần 500 tỷ đồng), trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 26 triệu USD và hiện sắp trả nợ xong.

Ngoài ra, dự án hệ thống cấp nước Thiện Tân (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 1.277 tỷ đồng, trong đó Hàn Quốc tiếp tục cấp vốn ODA cho dự án là 41 triệu USD. Ông Kim Young Seok, Trưởng đại diện Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (văn phòng tại Hà Nội), đơn vị giải ngân nguồn vốn ODA, nói: “Sau khi xem xét dự án hệ thống cấp nước Thiện Tân (giai đoạn 1) được triển khai tốt và có hiệu quả, chúng tôi tiếp tục tài trợ vốn cho dự án này giai đoạn 2”. 

Với dự án hệ thống cấp nước Nhơn Trạch (giai đoạn 1) có tổng kinh phí 2 ngàn tỷ đồng cũng được đầu bằng nguồn vốn vay ODA  từ JICA (Nhật Bản) vừa đi vào khai thác hơn 1 năm qua, thì JICA cũng tiếp tục duyệt vốn cho dự án hệ thống cấp nước Nhơn Trạch (giai đoạn 2). Tổng vốn đầu tư cho dự án cấp nước Nhơn Trạch (giai đoạn 2) là gần 3,57 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA từ JICA chiếm 85% (khoảng trên 3 ngàn tỷ đồng). Theo tính toán của Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, khi cả 4 hệ thống này đi vào hoạt động đồng bộ cũng chỉ cung cấp được 60% nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Như vậy, nhu cầu vốn để đầu tư các hệ thống cấp nước trong tương lai còn khá lớn và việc tìm cách thu hút nguồn vốn ODA vẫn hết sức quan trọng.

Vân Nam

 

 

 

 

Tin xem nhiều