Mùa mưa đến, thực khách có dịp thưởng thức nhiều loại đặc sản vùng quê... Với các loại rau, như: khổ qua rừng, bình bát... đã có nơi trồng được nên nhiều chợ quê đều có bán quanh năm nhưng chỉ mùa mưa đến rau mới xanh mướt, tươi non.
Mùa mưa đến, thực khách có dịp thưởng thức nhiều loại đặc sản vùng quê... Với các loại rau, như: khổ qua rừng, bình bát... đã có nơi trồng được nên nhiều chợ quê đều có bán quanh năm nhưng chỉ mùa mưa đến rau mới xanh mướt, tươi non. Riêng nấm mối được cho là đặc sản trong các loại đặc sản vì đây là sản vật từ thiên nhiên chỉ mùa này mới có.
Bà Nguyễn Thúy Quỳnh Yên vừa ngồi bán vừa tranh thủ gọt nấm để kịp giao cho các nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh. |
Theo những người chuyên bán nấm mối trên địa bàn Đồng Nai, mọi năm từ mùng 5-5 âm lịch nhiều người rộn ràng vào mùa tìm nấm mối, nhưng năm nay nấm mối vào mùa trễ hơn cả nửa tháng. Sản lượng cũng giảm nhiều so với mọi năm nên đặc sản này lúc nào cũng hút hàng, giá cao.
* Nấm mối đắt hàng
Thời điểm đầu mùa, nấm mối hiếm nên giá bán lẻ rất cao, từ 500-600 ngàn đồng/kg. Riêng ở khu vực Long Khánh, nguồn cung cấp nấm mối cho thị trường Đồng Nai và những tỉnh thành lân cận, năm nay giá bỏ mối loại đặc sản này giữ ổn định ở mức khá cao, từ 300-350 ngàn đồng/kg. Đặc sản thiên nhiên này có giá cao vì ngày càng được thị trường ưa chuộng trong khi nguồn nấm mối khan hiếm dần. Hiện khách thường đặt tiểu thương cạo sạch nấm mới đóng thùng gởi đi nên mỗi khi nấm về, các khu vực tập trung nhiều đầu mối cung cấp nấm nhộn nhịp với cảnh người mua kẻ bán và có hẳn đội ngũ sơ chế nấm. Người mua thường phải trả thêm từ 10-15 ngàn đồng cho công gọt 1 kg nấm.
Theo bà Nguyễn Thúy Quỳnh Yên, tiểu thương tại TX.Long Khánh, thời điểm này đã vào cuối mùa nấm mối. Mọi năm sản lượng nấm mối đạt 10 phần thì năm nay giảm còn khoảng 7 phần. Vào đợt có nấm mối, trung bình mỗi ngày bà cung cấp ra thị trường cả tạ nấm. Khách hàng chủ yếu vẫn là các nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh. Có người đặt làm quà biếu gởi ra Bắc, đi Vũng Tàu, Đà Lạt... Nhiều khách quen của bà thường gọi điện đặt hàng rồi chuyển tiền trả qua tài khoản ngân hàng nên rất tiện lợi.
Dù đã ở tuổi 60 nhưng mỗi đợt có nấm mối, bà Nguyễn Thị Thủng lại tự chạy xe gắn máy cả chục km từ xã Bảo Quang chở nấm mối ra thị xã bán. Hơn 30 năm qua, bà chưa bỏ một mùa nấm mối nào. “Tôi bán nấm mối từ thời mua chỉ có 3 ngàn đồng/kg, đến giờ vài trăm ngàn đồng/kg. Nấm mối hiện là đặc sản “đắt như vàng”, người có tiền mới dám mua nên cũng không dễ bán như xưa. Các mối mua hàng của tôi chủ yếu để làm quà biếu. Nấm mối ngày càng khó kiếm nên những người tìm nấm đều tăng giá bán, có đợt tôi lỗ cả chục triệu đồng vì vừa thu mua xong thì các nơi cùng rộ nấm, giá vừa giảm, nấm bán chậm sẽ hao hụt nhiều” - bà Thủng chia sẻ.
* Rộ mùa măng, rau rừng
Thời điểm này, các chợ từ thành thị đến nông thôn như thêm màu sắc bởi các loại hoa, loại rau đặc sản riêng của mùa mưa, như: bông điên điển, măng tươi, rau bình bát... Riêng khổ qua rừng, thời trước đây là đặc sản riêng của vùng đất Long Khánh nhưng hiện nay rất nhiều chợ quê đều có. Hiện khổ qua rừng có bán quanh năm nhưng mùa mưa rau vẫn ngon nhất, nguồn hàng dồi dào nên giá cũng mềm hơn rất nhiều so với những tháng nắng. Bà Dương Thị Nghị, tiểu thương bán rau tại chợ Long Khánh, so sánh: “Hiện 1 kg khổ qua rừng có giá khoảng 50 ngàn đồng nhưng tháng nắng thường ở mức 70-80 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, mùa này các nhà hàng, quán ăn tại các thành phố đặt rau này với số lượng lớn hơn rất nhiều. Ngoài rau tươi, ở chợ cũng cung cấp thân, lá khổ qua khô để nấu trà uống giải nhiệt”.
Quầy măng tươi của ông Nguyễn Trung Lĩnh luôn thu hút khách thành phố ghé mua. |
Thời điểm này cũng vào mùa măng nên hầu như ở chợ nào cũng có những điểm bán măng tươi. Măng chế biến được nhiều món ngon, vào mùa giá cũng khá mềm nên luôn thu hút khách mua. Ông Nguyễn Trung Lĩnh, chủ quầy bán đặc sản trên quốc lộ 1 (TX.Long Khánh), nhận xét: “Chỉ vào mùa mưa ở đây mới có măng tươi để bán nên khách thành phố đi qua tuyến đường này thường ghé mua về làm quà. Những búp măng tươi vừa mang từ rẫy ra được bày bán cho khách về chế biến ngay nên rất non, ngọt”.
Bình Nguyên