Báo Đồng Nai điện tử
En

Ước mơ từ bỏ gia công

09:06, 28/06/2015

Hơn 10 năm làm trong lĩnh vực sản xuất gia công đồ gỗ xuất khẩu, gần đây ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thể Phương (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) bắt đầu tính toán vươn xa hơn. "Nếu cứ loanh quanh làm hàng gia công, doanh nghiệp (DN) mình sẽ không lớn lên được" - ông Phương chia sẻ.

 

Hơn 10 năm làm trong lĩnh vực sản xuất gia công đồ gỗ xuất khẩu, gần đây ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thể Phương (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) bắt đầu tính toán vươn xa hơn. “Nếu cứ loanh quanh làm hàng gia công, doanh nghiệp (DN) mình sẽ không lớn lên được” - ông Phương chia sẻ.

Ông Phạm Duy Phương đang kiểm tra phôi gỗ tại xưởng sản xuất.  Ảnh: V. NAM
Ông Phạm Duy Phương đang kiểm tra phôi gỗ tại xưởng sản xuất. Ảnh: V. NAM

Từ một DN 100% làm hàng gia công cho các DN xuất khẩu trong nước, đến nay  ông Phương đã xuất khẩu trực tiếp 30% sản lượng hàng, còn 70% vẫn tiếp tục gia công cho các khách hàng thân thiết của mình. Ông Phương cho biết ông đang phấn đấu thời gian tới sẽ chuyển 100% sang làm hàng xuất khẩu trực tiếp. Hiện DN của ông mới xuất sang 2 thị trường là Đài Loan và Hàn Quốc.

Theo ông Phương, ở giai đoạn này công ty đang tập sự xuất khẩu trực tiếp, vì vậy nguồn hàng gia công vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Sở dĩ ông Phương quyết định “nhảy” vào môi trường xuất khẩu trực tiếp là để tránh bị chiếm dụng vốn và nâng tính chủ động. “Theo cam kết, sau 20 ngày kể từ khi giao hàng (hàng gia công) đối tác sẽ thanh toán hết tiền. Lý thuyết là vậy nhưng ít khi đạt được, đối tác thiếu nợ bình thường khoảng 1 tháng, nhiều khi lên đến 2 tháng, có DN nợ kéo dài 3 tháng mới trả. Đối tác hay đưa ra lý do khách chưa trả tiền nên không thanh toán được. Trong khi đó, xuất hàng trực tiếp chỉ khoảng 1 tuần là nhận được tiền đầy đủ” - ông Phương tâm sự.

Một điều nữa khiến ông quyết tâm hơn trong xuất hàng trực tiếp bởi làm hàng gia công khá bị động, lúc nhiều hàng không sao, gặp khi ít hàng DN càng trở nên khó khăn và luôn nhận đơn hàng nhỏ giọt. Theo ông Phương, sản phẩm gia công DN ông đã hoàn thiện đến 90%, đơn vị đặt gia công chỉ sơn và đóng gói rồi xuất khẩu.

Để bước xa hơn trong làm ăn, ông Phương đã ý thức ngay đến việc phải đảm bảo được nguồn lao động. Chỉ vào dãy nhà trọ, ông giới thiệu: “Muốn giữ “quân”, tôi  phải xây phòng trọ cho công nhân ở. Có những công nhân gắn bó với mình từ khi còn độc thân, đến giờ có gia đình, con đi học rồi. Vì vậy mình phải quan tâm”.

Ông luôn suy nghĩ, công nhân đến với DN và có ở lâu hay không do 2 yếu tố quyết định là thu nhập và môi trường làm việc. Với môi trường làm việc, làm sao đó không quá áp lực và chủ DN cần tạo được việc làm đều. Đôi lúc chủ DN phải chấp nhận giảm lợi nhuận để đảm bảo đơn hàng cho công nhân có việc. Theo ông, không chỉ quan tâm đến công nhân làm việc mà chính gia đình họ cũng cần được quan tâm. Ở đây, con gia đình công nhân nào đi học có giấy khen về, công ty đều có thưởng. Nhờ vậy mà những người thợ có tay nghề giỏi gắn bó lâu hơn với công ty.

Vân Nam

 

 
Tin xem nhiều