Một hội nghị chuyên đề về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 28-6 với sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông trong nước.
Một hội nghị chuyên đề về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 28-6 với sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông trong nước.
Nhiều năm qua, thu hút đầu tư cho nông nghiệp luôn là một câu đố khó giải của Việt Nam - quốc gia có đa số người dân sống nhờ nông nghiệp. Nguyên nhân vẫn là những điều không mới: thiếu chuyên nghiệp, lắm rủi ro, trình độ thấp, hạ tầng chế biến yếu kém…
Thời gian gần đây, cùng với những nỗ lực mở cửa thu hút đầu tư từ phía chính sách, mở cửa các thị trường xuất khẩu nông sản, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trong nước tăng mạnh… nên nhiều doanh nghiệp đã chọn đầu tư vào nông nghiệp như một hướng đi mới. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho thấy, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước, thậm chí là những doanh nghiệp trước nay không liên quan đến nông nghiệp, đã chọn đầu tư vào sản xuất nông sản, như: Himlam, Vingroup, Viettel, FLC, Vinamilk, Minh Phú, Hoàng Anh Gia Lai...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát, mặc dù số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng bình quân gần 14%/năm kể từ năm 2007 đến nay, song đến giờ này chỉ có 1,01% trong tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mà quá nửa lại là những dự án nhỏ và manh mún với tổng vốn dưới 5 tỷ đồng.
Có lẽ vì tỷ trọng còn quá thấp nên trong hội nghị, những người đại diện Chính phủ cho biết đã và sẽ tìm nhiều cách, ban hành nhiều chính sách thực tiễn để thu hút thêm đầu tư vào nông nghiệp. Một trong những việc làm có tính tiên phong là thành lập câu lạc bộ các nhà đầu tư nông nghiệp với sự tham gia của nhiều cục, vụ, viện thuộc Bộ, khoảng 30 tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã và đang đầu tư vào nông nghiệp, cùng 8 tỉnh tiên phong tái cơ cấu nông nghiệp. Câu lạc bộ này đã ra mắt từ đầu năm 2015, có rất nhiều tên tuổi lớn, như: Vinaseed, Dabaco, T&T, Hòa Phát, Trung Thành, TH true MILK, VinaMit, Trung Nguyên, Vingroup, Viettel, FPT, Vĩnh Hoàn, thủy sản Minh Phú... Theo báo điện tử Chính phủ, đây được xem là một hình thức đối tác công tư hoàn toàn mới ở Việt Nam, bao gồm một số lãnh đạo cục, vụ của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và những “đầu tàu” đã và đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp, do Viện Nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) làm đầu mối. Hoạt động của nhóm được kết nối chặt chẽ với 8 tỉnh, quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp và được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn lựa chọn thực hiện thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp, gồm: Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Quảng Ninh.
Câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp được những người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới một cách quyết liệt hơn, và hy vọng sẽ có “đầu ra” vững chắc hơn, bắt đầu từ những chính sách sát sườn hơn với thực tiễn. Có môi trường tốt, doanh nghiệp chắc chắn không ngại đầu tư.
Vi Lâm