Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh, xuất khẩu tìm về Đồng Nai đặt vấn đề thu mua nông sản trực tiếp với nông dân. Nhưng những hợp đồng thực sự được ký giữa DN với nông dân chưa nhiều.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh, xuất khẩu tìm về Đồng Nai đặt vấn đề thu mua nông sản trực tiếp với nông dân. Nhưng những hợp đồng thực sự được ký giữa DN với nông dân chưa nhiều.
Nông sản chủ yếu vẫn tiêu thụ qua thương lái. Trong ảnh: Đóng gói nông sản tại bến xe Long Khánh. |
Theo các DN chuyên kinh doanh, xuất khẩu rau, củ, quả, vẫn còn nhiều rào cản khiến DN chưa “gặp gỡ” được nông dân. Ở đây, yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động để phát huy tốt vai trò làm cầu nối của các hợp tác xã (HTX) có ý nghĩa quyết định.
* Chưa nắm cơ hội
Xoài, chôm chôm, thanh long, ổi... đang là những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu tốt, được các DN quan tâm đặt vấn đề bao tiêu với nông dân. Nhưng trong thực tế, đầu ra của những mặt hàng này vẫn rất bấp bênh với giá cả biến động thất thường. Ông Nguyễn Văn Trung, nông dân trồng ổi tại huyện Thống Nhất, chia sẻ: “Từ sau tết đến giờ, tôi không có tiền mua phân bón cho vườn ổi vì giá ổi bán quá thấp. Hiện thương lái thu mua tại vườn chưa đến 2 ngàn đồng/kg. Nông dân chúng tôi rất mong được hợp tác với DN để có đầu ra ổn định, nhưng đến giờ sản phẩm vẫn hoàn toàn thả trôi cho thương lái”.
Ông Đào Văn Thành, Phó giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Chỉ riêng xã Phú Lý đã có gần 1 ngàn hécta trồng xoài, trong đó hơn 30 hécta được chứng nhận VietGAP. Những năm qua, không ít DN đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX, nhưng thực tế chưa hợp đồng nào được ký kết. Lý do chủ yếu là do nông dân không mặn mà với mức giá bao tiêu vì họ chỉ so sánh với thời điểm giá cao mà chưa tính đến đầu ra dài hạn cho sản phẩm”. Cụ thể, đầu vụ thu hoạch năm nay, giá xoài ba mùa mưa có thời điểm lên đến 16 ngàn đồng/kg nên nông dân đổ xô bán cho thương lái. Hiện giá xoài rớt xuống chỉ còn 2 ngàn đồng/kg, nông dân muốn bán cho DN thì lại rất khó ký được hợp đồng.
Cùng gặp khó khăn do sản phẩm trái cây VietGAP vẫn bán với giá hàng thường cho thương lái, ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh), lại cho rằng: “Nguyên nhân còn do từ phía DN vẫn chưa xây dựng một kế hoạch lâu dài trong hợp tác với nông dân. Tôi từng nhận được một số đơn hàng từ DN nhưng không thể trở tay kịp vì họ đặt hàng với số lượng lớn và đòi giao ngay. Chính vì vậy, vụ thu hoạch này, HTX sẽ chủ động liên hệ chào hàng với DN và mở rộng liên kết với các HTX khác để khi có đơn hàng lớn có thể đáp ứng về yêu cầu sản lượng”.
* Phát huy vai trò của hợp tác xã
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến rau, củ, quả Toàn Cầu (huyện Thống Nhất), so sánh: “Phí vận chuyển bằng máy bay của một ký (kg) chuối xuất khẩu sang Nga gần 3,5 USD, cao gấp cả chục lần giá thu mua từ nông dân. Chính vì vậy, trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân, DN phải tính toán để đưa ra mức giá phù hợp nhất, đảm bảo lợi ích cả hai bên”.
Chia sẻ về câu chuyện bán hàng cho DN, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), cũng cho rằng: “Nông dân không thể nhìn vào giá sản phẩm bày trên kệ siêu thị để so sánh với mức giá DN thu mua vì còn rất nhiều chi phí trung gian. Ở đây, nông dân cần tính đến bài toán lâu dài cho đầu ra nông sản; phải có ý thức gắn bó lợi ích với DN vì DN phát triển tốt thì giá nông sản mới tốt lên. Một bí quyết quan trọng không kém để có sự hợp tác thành công là khả năng đàm phán của HTX để có mức giá tốt nhất cho nông dân”.
Theo nhiều DN chuyên kinh doanh, xuất khẩu nông sản, DN không thể ký hợp đồng thu mua với từng nông dân cụ thể. Các HTX cần nâng cao năng lực và năng động hơn để thực sự trở thành cầu nối giữa nông dân với DN.
Bình Nguyên