Mặc dù được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai xác định, đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Con đường xây dựng nông thôn mới vẫn còn khá gian nan ở phía trước nếu muốn đạt được mục tiêu xây dựng con người mới, diện mạo mới, sức sống mới, động lực phát triển mới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Mặc dù được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai xác định, đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Con đường xây dựng nông thôn mới vẫn còn khá gian nan ở phía trước nếu muốn đạt được mục tiêu xây dựng con người mới, diện mạo mới, sức sống mới, động lực phát triển mới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thu hoạch bắp tại đồng thuộc xã Sông Thao, huyện Trảng Bom. |
Đồng Nai phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với việc tiếp tục nâng chất lượng các xã, huyện nông thôn mới trên địa bàn; thúc đẩy phong trào đạt ở trình độ, chất lượng cao hơn, không tự bằng lòng, thỏa mãn với thành tích đã đạt được.
* Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt các địa phương về xây dựng nông thôn mới đều nhấn mạnh, đạt chuẩn nông thôn mới mới chỉ là “tốt nghiệp tiểu học”. Phía trước còn “THCS, THPT, đại học, sau đại học” và cao hơn nữa. Xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai phải đạt được mục tiêu “4 tốt hơn”, gồm: đời sống, thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn và đảm bảo môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn.[links(right)]
Thực tế, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai vẫn còn không ít hạn chế, trong đó việc làm sao đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vẫn là bài toán cần nhiều giải pháp tổng lực. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo, sản xuất nông nghiệp hiện còn bộc lộ nhiều yếu tố kém bền vững, như manh mún, phân tán, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp... Nông dân thì chịu nhiều thiệt thòi khi điệp khúc “được mùa mất giá” năm nào cũng diễn ra. Chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa đem lại nhiều hiệu quả, đặc biệt việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn.
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: “Đồng Nai là tỉnh đi đầu, đạt được nhiều thành tích trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Những kết quả, kinh nghiệm của Đồng Nai là cơ sở để chúng tôi đề xuất Trung ương trình ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới, nhằm có những định hướng, chiến lược đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở cả nước”. |
“Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết, hợp tác, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp - nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế đô thị ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xem đây là khâu đột phá đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển” - ông Phạm Minh Đạo nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho hay, mức độ cơ giới hóa ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai đạt khá cao. Cụ thể như ngành trồng trọt, đa số các khâu có mức độ cơ giới hóa từ 85-100%; ngành chăn nuôi, hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã đầu tư công nghệ hiện đại... Việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng thành công trên quy trình sản xuất rau, quả theo VietGAP, công nghệ tưới nước tiết kiệm, chăn nuôi gà thảo dược... Tuy nhiên, công tác chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ở một số khâu ngành trồng trọt, tỷ lệ cơ giới hóa chưa nhiều, nhất là khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch; các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ hầu hết vẫn sử dụng phương pháp thủ công, không có công trình xử lý nên nguy cơ ô nhiễm môi trường khá cao.
* Nông thôn mới ở phía trước
Mặc dù đã là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nhưng Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải vẫn cho rằng đó mới chỉ là thành quả bước đầu. Nhiệm vụ quan trọng và nặng nề của Long Khánh vẫn ở phía trước khi làm sao và làm như thế nào để nâng cao hơn nữa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Việc nâng cao các tiêu chí này phải gắn liền với nâng cao thu nhập cũng như những lợi ích xã hội mà nhân dân được thụ hưởng. “Chỉ khi làm được điều này thì nhân dân mới tiếp tục và sẵn sàng sát cánh cùng chính quyền tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới” - đồng chí Nguyễn Văn Nải nhấn mạnh.
Nông dân ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) sử dụng hệ thống tưới nước tự động trong sản xuất rau. |
Trong khi đó, ở những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, như: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ huyện xác định là nhiệm vụ mang tính cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng. Bí thư Huyện ủy Định Quán Bùi Xuân Thống cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng việc tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân chính là con đường giúp huyện thay đổi diện mạo. Chính vì thế, huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chế biến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân”.
Một trong những nhiệm vụ được Đồng Nai đặc biệt quan tâm trong xây dựng nông thôn mới là chú trọng khen thưởng những người trực tiếp tham gia, đặc biệt là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, những tấm gương dân vận khéo. Đây chính là động lực để việc xây dựng nông thôn mới ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia, trở thành phong trào thi đua rộng khắp, lan tỏa ngày càng có chiều sâu ở mỗi ấp, khu phố. Từ đây, xuất hiện những “vua bắp”, “vua xoài”, “vua bưởi”, người trồng tiêu, chăn nuôi giỏi nhất nước... Nhiều nông dân đã trở thành những “kỹ sư chân đất” trong sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. |
Nông dân Đào Văn Đức (dân tộc Chơro, ngụ ấp 5, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) trăn trở: “Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi từ chỗ khó khăn đã vươn lên làm giàu, có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng may mắn thoát nghèo như gia đình tôi. Vẫn còn rất nhiều hộ đồng bào dân tộc trong xã cần vốn để đầu tư nuôi dê, bò, heo hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do vậy, tôi và bà con rất mong được tiếp tục hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật để làm ăn, cùng với Đảng, chính quyền xây dựng nông thôn mới”.
Chương trình xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai năm 2015 phấn đấu đạt các mục tiêu sau: Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 6%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch đạt trên 105 triệu đồng/hécta/năm; nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên trên 36 triệu đồng/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55%; giữ vững và nâng cao chất lượng các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đạt thêm 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vào năm 2015 là 88/136 xã, chiếm 64,7%; có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch). Như vậy, nếu các mục tiêu này hoàn thành, kết thúc năm 2015, Đồng Nai có 5/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu chậm nhất đến năm 2020 là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. |
Nguyễn Phượng