Ly hương đến với đất Xuân Thọ khi mới tròn 15 tuổi, trải qua hơn 10 năm làm thuê, rồi thuê đất trồng mì, trồng bắp, ông Trần Hữu Thắng sau đó đã trở thành một trong những người trồng hồ tiêu nổi tiếng trên vùng đất Xuân Lộc...
Ly hương đến với đất Xuân Lộc, Đồng Nai khi mới tròn 15 tuổi, trải qua hơn 10 năm làm thuê, rồi thuê đất trồng mì, trồng bắp, sau đó ông Trần Hữu Thắng trở thành một trong những người trồng hồ tiêu đầu tiên trên vùng đất sỏi khô hạn Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc. Năm 2006, ông là người đầu tiên ở huyện Xuân Lộc mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây tiêu. Sau 1 năm lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và áp dụng một số kỹ thuật mới trong khâu chăm sóc, ông đã đẩy năng suất tiêu lên hơn 6 tấn/hécta, và năm sau đó lên 8 tấn/hécta. Khi năng suất hồ tiêu từ khu vườn của ông được đẩy lên mức cao chưa từng có: 11 tấn/hécta, ông Trần Hữu Thắng được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới trao danh hiệu Người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam vào năm 2013.
Cuối năm 2014, cùng với những thành quả lớn đầu tiên trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại Xuân Lộc, Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ được thành lập với 32 xã viên và “vua trồng tiêu” Trần Hữu Thắng được bầu là chủ nhiệm. Ông Thắng nói, nghề nào cũng có những vinh dự khi mình bỏ tâm huyết đúng mức, và với phong trào xây dựng nông thôn mới, những nông dân như ông dễ dàng hơn trong việc tìm những vinh dự đó.
* Sỏi đá cũng thành cơm
Ông được vinh danh người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam ra sao?
- Trong 3 năm liên tục từ 2011 đến 2013, vào những thời điểm chuẩn bị thu hoạch tiêu, một nhóm người nước ngoài là đại diện của Hiệp hội Tiêu thế giới đến thăm vườn tiêu của tôi. Họ chăm chú ghi chép số liệu, chụp hình và hỏi rất kỹ về kỹ thuật canh tác. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là họ đến tham quan. Đến năm 2013, khi được mời đi nhận danh hiệu Người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam, tôi mới biết mình được vinh danh, sau khi hiệp hội so sánh các chỉ tiêu của vườn tôi với nhiều vườn tiêu khác trong cả nước bằng nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, kể cả chất lượng hạt tiêu. Với tôi, đây không chỉ là một vinh dự cá nhân cho một nông dân đi lên từ nghèo khó, mà tôi còn mong muốn thông qua đó, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam sẽ được biết nhiều hơn, có giá hơn.
Từ một người làm thuê, đến nay ông được mệnh danh là “vua trồng tiêu”, ông thấy sau nhiều năm tư duy làm nông của anh đã thay đổi ra sao? Ông xem trọng kinh nghiệm hay kỹ thuật?
- Tôi gắn bó với cây tiêu đến nay đã 21 năm. Canh tác nông nghiệp thập niên 80 của thế kỷ trước so với hiện tại khác nhau nhiều lắm. Chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều từ kỹ thuật đến vốn liếng, thông tin… chứ không chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm và thời tiết. Đó là điều ai cũng thấy.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là nông dân cần khéo léo kết hợp giữa kinh nghiệm và khoa học - kỹ thuật. Ngày nay, chúng tôi được trao tận tay những phương pháp canh tác mới nhất, nhưng kinh nghiệm sẽ giúp người nông dân xử lý những tình huống phát sinh mà sách vở không có hoặc chưa đề cập. Còn nói về tư duy trong nông nghiệp, tôi nghĩ cái cần thay đổi ở nông dân lớn lao hơn chuyện canh tác thế nào. Chúng tôi sẽ phải thay đổi suy nghĩ về vị thế của mình, nông dân không nên tự xem mình là “đối tượng cần giúp đỡ” về chính sách nữa, mà cần chủ động hơn trên thị trường. Sản xuất thì dễ, bán hàng mới khó. Tôi chỉ lo chúng tôi không thay đổi kịp để trở thành những người tiếp thị, người bán hàng tốt hơn cho chính những loại nông sản của mình thì chúng tôi còn thiệt thòi mãi.
* Xuân Lộc là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Vậy trong mắt những người nông dân như ông, nông thôn mới có ý nghĩa gì?
- Tôi muốn kể một câu chuyện. Năm 1984, con đường trước mặt nhà tôi chỉ rộng 1m, phải vạt cỏ mà đi. Chúng tôi trồng bắp, trồng đậu, muốn được giá phải chở từng bao ra tận Long Khánh bằng xe đạp. Hàng nông sản bị hạ giá rất thấp vì thương lái phải trừ chi phí. Qua thời gian, phương tiện có đỡ hơn, nhưng nông sản vẫn bị siết giá. Khi phong trào nông thôn mới lan rộng, con đường trước nhà được mở rộng ra, trải nhựa, mọi chuyện thay đổi hẳn. Nông sản không bán cho người này thì bán cho người khác, còn phân bón và nhu yếu phẩm về tận vườn với giá phải chăng.
Đó chỉ là câu chuyện về một con đường. Lợi ích lớn lao hơn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là mỗi nông dân chúng tôi tìm thấy được con đường của mình trong đó. Vì vậy, chúng tôi tự nguyện thực sự trong phong trào này. Thu nhập tăng, hạ tầng phát triển, cơ hội học hành, chữa bệnh tốt hơn… là những điều dễ thấy nhất. Và với những người có chút “tham vọng” trong nghề nông như tôi, cơ hội còn mở ra nhiều hơn nữa.
* Với nông dân, phải “trực quan sinh động”
Là chủ nhiệm một hợp tác xã hồ tiêu, ông kỳ vọng gì trong vai trò mới đó của mình?
- Khởi đầu từ câu lạc bộ hồ tiêu, rồi đến câu lạc bộ năng suất cao, đến nay anh em trồng hồ tiêu ở Xuân Thọ đã tập hợp được với nhau trong Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ vào đầu năm nay. Bước đầu chúng tôi làm được việc là tập hợp sản phẩm, tìm cách bán thẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu, không qua các nấc trung gian nên giá cả đỡ hơn.
Thật sự, tôi nghĩ nghề nông hiện tại đã khá “sướng”, chúng tôi được tạo điều kiện, cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ thuật, vay vốn ưu đãi... Do đó, tôi không nghĩ chúng tôi phải “kêu ca” thêm nhiều nữa. Có nhiều cái nhìn bi quan về nông nghiệp, nông dân, nhưng cá nhân tôi thấy mọi việc đã tốt lên nhiều lắm, và rõ ràng chúng ta không thể đòi hỏi mọi việc phải thay đổi ngày một, ngày hai. Nông thôn mới cho chúng tôi nhiều cơ hội để nâng thu nhập, thậm chí làm giàu. Tôi không nghĩ một vùng đất sỏi khô cằn như Xuân Thọ có thể làm nên 11 tấn tiêu/hécta, hay vùng Lang Minh có thể làm được 12 tấn bắp/vụ/hécta... Có thể còn nhiều ý kiến này khác, nhưng những nông dân đi lên từ hai bàn tay trắng như chúng tôi biết ơn phong trào này. |
Mong muốn của chúng tôi là tập hợp nông dân lại, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và cùng tìm đầu ra ổn định. Mong muốn cao hơn là cùng xây dựng một thương hiệu hồ tiêu Xuân Thọ vững mạnh và có uy tín trên thị trường. Nhưng trước hết, phải trở thành một vùng có khả năng cung ứng một số lượng sản phẩm lớn, mới có thể nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm.
Theo ông, có quá khó khăn để tập hợp nông dân cho mục đích xây dựng thương hiệu chung cho nông sản không, khi cả đất đai lẫn tư duy người nông dân đều rất manh mún?
- Thay đổi thói quen của một con người đã khó, huống gì việc thay đổi những thói quen canh tác bao đời nay. Tuy nhiên, vẫn có cách làm. Tôi nhận thấy rằng với nông dân, hay ngay cả bản thân tôi, sẽ chỉ nhen nhóm ý định thay đổi cách canh tác, áp dụng mô hình mới khi mắt thấy tai nghe những người đi trước, những ưu điểm của mô hình sản xuất mới.
Chúng tôi hiểu rằng, dù là tiêu, điều hay bất kỳ loại nông sản nào, chúng tôi cũng chỉ có thể có lợi thế khi đàm phán về giá cả nếu sản phẩm có thương hiệu. Và chúng tôi không thể làm điều đó một mình, phải là sản phẩm của nhiều nông dân trong vùng cùng liên kết lại. Do đó, sắp tới ngoài việc liên kết trong canh tác để đẩy mạnh và giữ vững năng suất, chúng tôi đã nghĩ đến việc đăng ký nhãn hiệu cho hồ tiêu Xuân Thọ, vì sản phẩm đã xuất đi nhiều nước: Ấn Độ, Ả Rập, Trung Đông, Đức, Mỹ...
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)