Năm 2015 các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su, phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cao su tiếp tục xuống thấp. Trong khi đó, giá dầu mỏ thấp là cơ hội tốt cho cao su nhân tạo tăng trưởng.
Năm 2015 các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su, phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cao su tiếp tục xuống thấp. Trong khi đó, giá dầu mỏ thấp là cơ hội tốt cho cao su nhân tạo tăng trưởng.
Chế biến mủ cao su tại Nhà máy Xuân Lập thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai. |
Mặc dù nhiều thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, không ít lĩnh vực sản xuất xuất khẩu cũng đã “dễ thở”, nhưng riêng ngành cao su vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
* Giá cả trồi sụt
Giá cao su xuất khẩu đầu năm nay không mấy khả quan. Ông Ngô Mạnh Tùng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty xuất nhập khẩu nông sản J.P.E (TP.Hồ Chí Minh), cho biết giá cao su thiên nhiên xuất tháng 4 -2015 của công ty loại SVR10 dao động trên dưới 138 cents/kg (tương đương 29.600 đồng/kg); SVR20 khoảng 137 cents/kg và cao nhất là loại cao su SVR CV có giá 186 cents/kg (tương đương khoảng 40 ngàn đồng/kg). Theo ông Tùng, giá cao su xuất khẩu đầu năm nay thấp hơn khá nhiều so với đầu năm 2014.
“Năm 2014, giá bán cao su bình quân của cả nước là 37 triệu đồng/ tấn thì riêng Tổng công ty cao su Đồng Nai bán với giá bán bình quân gần 39 triệu đồng/tấn. Giá thành sản xuất cao su của Tổng công ty cao su Đồng Nai hiện trên 36 triệu đồng/tấn và chúng tôi đang tìm cách hạ giá thành thêm nữa” - Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai Nguyễn Thị Gái cho biết. |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, tình trạng xuất khẩu cao su khá bất lợi. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2015 đạt gần 136.860 tấn, trị giá trên 194 triệu USD, tăng 28% về lượng nhưng giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá xuất khẩu bình quân trong 2 tháng đầu năm đạt khoảng 1.420 USD/tấn, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam với sản lượng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2015 đạt trên 64.600 tấn, đạt giá trị hơn 91 triệu USD và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014. Thực tế, chỉ có cao su xuất sang thị trường Trung Quốc tăng giá nhẹ, còn lại hầu hết các thị trường xuất khẩu khác của cao su Việt Nam đều giảm. Cụ thể, thị trường Malaysia đứng thứ 2 (đạt 19.400 tấn) và các thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Nga, Anh... đều bị giảm giá. Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu cao su sang 26 quốc gia, trong đó kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm ở 24 quốc gia đều bị giảm so với cùng kỳ năm 2014, mức giảm thấp nhất là 5% và giảm mạnh nhất tại thị trường Nga với 74%.
* Nhà sản xuất âu lo
Với giá cao su bất lợi như hiện nay khiến ngành này đang phải thực hiện mọi biện pháp để giảm giá thành sản phẩm. Ông Lê Xuân Hòe, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), cho biết cuối năm 2014 tập đoàn đã đưa ra các kịch bản về giá để cho các công ty con điều hành sản xuất - kinh doanh. “Năm 2014, giá cao su bán bình quân đạt 37 triệu đồng/tấn, nhưng năm nay khi thấy giá cao su nhân tạo ở mức thấp như vậy sẽ còn ảnh hưởng nhiều đến giá cao su thiên nhiên nên tập đoàn cao su đã xây dựng kịch bản giá bán khoảng 31-32 triệu đồng/tấn. Như vậy, để có lãi các tổng công ty, công ty cao su phải sản xuất với giá thành chỉ 30 triệu đồng/tấn” - ông Hòe nói.
Bà Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai, cũng cho hay dự kiến sản lượng mủ khai thác năm 2015 của tổng công ty đạt khoảng 28.500 tấn (năm 2014 trên 30 ngàn tấn), số mủ mua từ cao su tiểu điền khoảng 3 ngàn tấn và sản lượng chế biến khoảng 32.500 tấn. Các phương án để giảm giá thành sản phẩm xuống mức 30 triệu đồng/tấn theo kịch bản của tập đoàn cũng được tổng công ty lập phương án để thực hiện, như: tăng cường việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; tiết giảm các khoản chi phí ở các công đoạn khai thác; sử dụng hợp lý chi phí vật tư, phân bón, máy móc, linh động sản xuất sản phẩm theo các chủng loại mà thị trường có nhu cầu cao. Bà Gái cũng nhận định, mức giá cao su xuống thấp đã ảnh hưởng khá nhiều đến nhà sản xuất.
Vân Nam