Báo Đồng Nai điện tử
En

Phập phồng gốm đen

11:04, 01/04/2015

Hiện các cơ sở sản xuất gốm đen tại TP.Biên Hòa đang phập phồng không yên vì hạn chót là đến cuối năm 2015 phải di dời vào cụm gốm Tân Hạnh. Nhưng muốn vào cụm gốm, các cơ sở phải xử lý được khói và bụi, với gốm đen,  việc này không dễ dàng.

Hiện các cơ sở sản xuất gốm đen tại TP.Biên Hòa đang phập phồng không yên vì hạn chót là đến cuối năm 2015 phải di dời vào cụm gốm Tân Hạnh. Nhưng muốn vào cụm gốm, các cơ sở phải xử lý được khói và bụi, với gốm đen,  việc này không dễ dàng.

Sản xuất gốm đen tại cơ sở của bà Nữ ở KP.1, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa.
Bà Nguyễn Kim Lan, khu phố 2 phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa) có nhiều năm gắn bó với nghề gốm đen.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 15 cơ sở sản xuất gốm đen, tập trung ở TP.Biên Hòa. Gốm đen Biên Hòa nổi tiếng trong và ngoài nước bởi mẫu mã, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, gốm đen Biên Hòa còn gắn với giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Biên Hòa. Nhiều thập niên qua, gốm đen trải qua nhiều thăng trầm, song những ông chủ lò gốm vẫn say mê giữ nghề như giữ một phần hồn của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

* Lo bị... xóa sổ

Đặc trưng của gốm đen là phải đốt bằng củi, khói của củi trong quá trình nung gốm sẽ tạo nên màu men riêng cho gốm đen. Tuy nhiên, khói củi trong quá trình nung gốm lại gây ra ô nhiễm môi trường không khí nên buộc các cơ sở phải xử lý. Hiện các cơ sở gốm đen vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, tìm phương pháp xử lý đạt chuẩn để đáp ứng được quy định về bảo vệ môi trường, trong khi thời hạn di dời vào cụm gốm chỉ còn ít tháng nữa.

Dòng gốm đen của Biên Hòa có hơn 90% xuất khẩu sang gần 10 nước trên thế giới. Mỗi cơ sở đều sản xuất từ vài chục đến hàng trăm mẫu mã khác nhau. Gốm đen phần lớn được dùng trang trí trong sân vườn, khách sạn, nhà hàng, nhà vườn... và có giá trị thẩm mỹ được đánh giá cao.

Ông Hứa Mỹ Chiêu, chủ cơ sở gốm Phong Sơn ở KP.2, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa), cho hay: “Nếu không cho đốt củi thì sẽ không tạo thành gốm đen được. Vì thế các cơ sở làm gốm đen đang rất lo lắng, nếu di dời vào cụm gốm Tân Hạnh bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng mới, nhưng chưa xử lý được khói mà buộc tạm ngưng thì các cơ sở chỉ có nước phá sản”. Do đó, hầu hết các cơ sở gốm đen đều mong tỉnh sẽ gia hạn thêm thời gian để họ có thể ứng dụng biện pháp xử lý khói đạt yêu cầu.

Bà Nguyễn Kim Lan, chủ cơ sở gốm đen Kim Lan ở KP.2, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Những cơ sở còn làm gốm đen đều là những người rất yêu và muốn giữ nghề. Di dời vào cụm gốm phải mất một khoản tiền lớn để xây dựng nhà xưởng và đào tạo thợ mới nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận, chỉ mong tỉnh hỗ trợ các cơ sở gốm đen xử lý được vấn đề khói”.

Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, trước đây Sở có phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ mời các nhà khoa học về nghiên cứu tìm giải pháp xử lý khói cho các cơ sở gốm đen, nhưng đến nay sau nhiều năm vẫn chưa có kết quả.

* Mong có thêm thời gian

Hầu hết các cơ sở sản xuất gốm đen đều tha thiết giữ nghề và mong muốn tỉnh chấp thuận để họ đầu tư xây dựng nhà xưởng trong cụm công nghiệp và gia hạn thêm thời gian cho họ để xử lý khói bụi theo đúng quy chuẩn.

Sản xuất gốm đen tại cơ sở của chị Nữ ở khu phố 1 phường Tân Vạn TP. Biên Hòa.
Sản xuất gốm đen tại cơ sở của chị Nữ ở khu phố 1 phường Tân Vạn TP. Biên Hòa.
Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, tuy chưa quay về được thời hoàng kim cách đây hơn 10 năm, nhưng sản xuất và xuất khẩu gốm đen trong 3 tháng đầu năm 2015 tăng 15-20% so với cùng kỳ năm 2014. Hiệp hội đang chuẩn bị một số mặt hàng gốm đen, gốm trắng để đưa qua Hoa Kỳ giới thiệu theo lời mời của một số doanh nghiệp nước này. Đây là cơ hội lớn cho nghề gốm của Đồng Nai có thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường này không phải qua trung gian.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết: “Viện Môi trường - tài nguyên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) khẳng định, khi xây dựng nhà xưởng mới có thể xử lý được khói bụi bằng hệ thống khép kín. Vì vậy, hiệp hội đề xuất tỉnh chấp thuận cho các cơ sở gốm đen được phép xây dựng và xử lý hệ thống khói bụi đạt chuẩn trong 5 năm. Nếu hết thời gian trên không đạt yêu cầu, các cơ sở gốm đen sẽ chuyển sang dòng gốm khác”. Cũng theo ông Khiềng, tới đây khi chuyển vào cụm công nghiệp, các cơ sở gốm đen sẽ thay đổi hệ thống lò, dần dần chuyển sang làm các dòng gốm đen khác có giá trị thẩm mỹ cao và tiết kiệm nguyên liệu. Như vậy sẽ giảm đáng kể lượng khói bụi và đa dạng sản phẩm, tìm thêm các thị trường mới.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều