Báo Đồng Nai điện tử
En

Nở rộ thu hút đầu tư vào nông nghiệp (Bài cuối)

09:04, 16/04/2015

Chưa bao giờ lại có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp như hiện nay. Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này đã được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành với mong muốn các DN trong và ngoài nước sẽ đầu tư đưa các ứng dụng mới vào trong sản xuất, chế biến cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chưa bao giờ lại có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp như hiện nay. Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này đã được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành với mong muốn các DN trong và ngoài nước sẽ đầu tư đưa các ứng dụng mới vào trong sản xuất, chế biến cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.[links(right)]

Nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao của các DN trong nước cũng như DN ngoại đang đổ vào tỉnh. Đây là cơ hội để những năm tới ngành nông nghiệp trong tỉnh sẽ chuyển dần sang sản xuất hàng hóa lớn có tính cạnh tranh cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

* Nông nghiệp của doanh nghiệp

Tại huyện Xuân Lộc, Công ty cổ phần chăn nuôi bò và chế biến sữa Đồng Nai (thuộc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico) đang bắt đầu triển khai dự án. Nơi đây sẽ tập trung chăn nuôi khoảng 2 ngàn con bò sữa và có nhà máy chế biến sữa. Hiện DN đang tập trung xây dựng hạ tầng và thực hiện việc tuyển chọn bò giống tại Úc. Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Dofico (đại diện vốn của Dofico), cho biết theo kế hoạch, khoảng 5 tháng nữa 400 con bò giống đầu tiên sẽ được chuyển từ Úc về. Dự án chăn nuôi bò sữa này được nhà đầu tư dồn vào đây với số vốn khoảng 100 tỷ đồng, sử dụng kỹ thuật chăn nuôi cũng như công nghệ chế biến sữa tiên tiến nhất hiện nay.

Khách tham quan chương trình giới thiệu giống siêu cao lương tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai.
Khách tham quan chương trình giới thiệu giống siêu cao lương tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai.

Cũng trong ngành chăn nuôi bò Úc, ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) trang trại bò của ông Lưu Sơn Thủy lại chọn nuôi bò thịt. Quy trình nuôi bò thịt ở đây khá hiện đại, hơn 3.400 con bò được giám sát chặt chẽ từ con giống đến các khâu chăm sóc và giết mổ từ phía Úc. Phương án chăn nuôi này cho thấy đã có bước tiến xa so với kiểu nuôi bò thịt truyền thống, mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của trung tâm đang tăng nhanh cả về số lượng và quy mô dự án. Trong quý I-2015, có 5 dự án lớn đang xin giấy chứng nhận đầu tư vào trung tâm, trong đó có 2 dự án chuyên về thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao là chế tạo hệ thống nhà màng theo công nghệ Israel cho sản xuất nông nghiệp và dự án chế biến mật ong, cà phê ứng dụng công nghệ mới cho thị trường xuất khẩu...

Trong lĩnh vực trồng trọt, ở huyện Cẩm Mỹ, Công ty cổ phần DFB Hanco Việt Nam đang đầu tư dự án Nhà máy sản xuất sữa và ngũ cốc nảy mầm GABA. Theo kế hoạch, tháng 6-2015 DN sẽ chính thức xây dựng nhà máy giai đoạn 1. Nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất những dòng sản phẩm mới, như: thực phẩm chức năng, sản phẩm ngũ cốc nảy mầm GABA theo tiêu chuẩn quốc tế. Bà Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DFB Hanco Việt Nam, cho hay công ty sẽ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ Đồng Nai phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy theo hình thức liên kết với nông dân địa phương. DN chuyển giao kỹ thuật và ký hợp đồng mua lại nguyên liệu do nông dân sản xuất đảm bảo có mức thu nhập cao.

Ngoài ra, những cây chuối giống có nguồn gốc từ Hàn Quốc được sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô đã mọc cao hơn 20cm mơn mởn, đang chờ đưa đi trồng tại địa phương vừa được công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2014 - Xuân Lộc. Đây là dự án trồng chuối xuất khẩu của Công ty Globe Farm (Hàn Quốc). Quy trình sản xuất chuối xuất khẩu của DN này khá hiện đại, các quầy chuối thu hoạch hạn chế tối đa tác động bàn tay của con người để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Chuối được vận chuyển từ vườn vào tới nhà máy để xử lý đóng gói bằng hệ thống cáp treo và máy móc. Theo kế hoạch, Globe Farm sẽ triển khai khoảng 50 hécta vườn chuối mẫu, sau đó sẽ mở rộng diện tích bằng cách hợp tác với nông dân trong vùng.

* Đón sóng đầu tư từ nhật bản

Đầu năm 2015, đoàn công tác do ông Koya Nishikawa, Bộ trưởng Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản, đến làm việc với UBND tỉnh. Tại đây, lãnh đạo tỉnh đã ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Nhật Bản. Trong buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành cũng nhấn mạnh, mong muốn của Đồng Nai là phía Nhật Bản hỗ trợ tỉnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở các khâu giống, kỹ thuật sản xuất và công tác quản lý để nâng cao đời sống của nông dân. Từ đó thay đổi diện mạo của khu vực nông thôn và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị của tỉnh. Sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đồng Nai là tỉnh thứ 3 ký kết được biên bản hợp tác với Nhật Bản về đầu tư nông nghiệp.

Bộ trưởng Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản Koya Nishikawa cũng chia sẻ, phía Nhật Bản sẽ tạo điều kiện chuyển giao khoa học - công nghệ cao trong nông nghiệp cho Đồng Nai, đây cũng là kết hợp giữa lợi thế phát triển nông nghiệp của Việt Nam và cơ hội cho DN Nhật Bản thêm liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cũng theo Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản, Đồng Nai có vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là gần TP.Hồ Chí Minh.

Mô hình giới thiệu giống mới của Công ty TNHH Việt Nông (huyện Cẩm Mỹ).
Mô hình giới thiệu giống mới của Công ty TNHH Việt Nông (huyện Cẩm Mỹ).

Vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty Sol Holdings (Nhật Bản) và Công ty TNHH NTS Partner đã có buổi diện kiến lãnh đạo tỉnh để trình bày về dự án sản xuất siêu cao lương của mình và mong muốn đầu tư vào Đồng Nai. Theo chủ đầu tư, đây là giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, các sản phẩm chế biến từ cây này thuộc dòng sản phẩm sinh học có nhu cầu cao trên thị trường. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD với các công trình là xây dựng 2 nhà máy sản xuất viên nén sinh học pellets và sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol từ cây siêu cao lương có diện tích 20 hécta, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu có diện tích khoảng 5 ngàn hécta (giai đoạn đầu là 1 ngàn hécta). Ông Tôn Thất Huệ Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH NTS Partner, cho biết thêm giải pháp phát triển vùng nguyên liệu của dự án là liên kết với nông dân và các tổ chức trồng cây cao lương bán cho nhà máy để chế biến. Phía DN có tránh nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm của 2 nhà máy chủ yếu để xuất khẩu sang Nhật và một số nước trên thế giới.

Tập đoàn ISE của Nhật Bản chuyên sản xuất trứng gà sạch cũng đang tìm hiểu về vùng đất của tỉnh để đầu tư. Ông Yamada Kunio, Trưởng phòng marketing Tập đoàn ISE, chia sẻ: “Chúng tôi đang nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam dự án sản xuất trứng sạch với công nghệ cao, trong đó Đồng Nai là một trong những điểm chúng tôi rất quan tâm đang tìm hiểu”.

Trong chương trình hội thảo do Hội chợ triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm năm 2014, ông Antony Nezic, Chủ tịch Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam, chia sẻ về câu chuyện đầu tư phát triển nông nghiệp: sản xuất không đảm bảo an toàn thì đừng nghĩ đến chuyện xuất khẩu và cũng rất khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Việt Nam cần nhìn nhận lại và tìm ra giải pháp phát triển nông nghiệp vì hiện đã đạt ngưỡng cao trong việc tận dụng những lợi thế về điều kiện tư nhiên. Quỹ đất cho nông nghiệp cũng ngày càng thu hẹp. Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao là lời giải cho bài toán khó này. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn ở mức thấp là khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.

 

Nhóm PV kinh tế

 

 

 

 

Tin xem nhiều