Trong thời gian gần đây, bộ mặt giao thông Đồng Nai đã chuyển mình rõ nét, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những bước đột phá đầy ấn tượng.
Sau 40 năm đất nước thống nhất, bức tranh hạ tầng giao thông Đồng Nai đã có những thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, trong thời gian gần đây bộ mặt giao thông đã chuyển mình rõ nét, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những bước đột phá đầy ấn tượng.
Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn giao với quốc lộ 51. |
Sự phát triển của giao thông sẽ thúc đẩy cho phát triển kinh tế. Những cung đường mới đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Nâng cấp đường cũ
Tuyến quốc lộ 20 vừa được hoàn thiện việc cải tạo lại mặt đường. Hình ảnh gập ghềnh trên quốc lộ này bây giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Tuyến đường được cải tạo lại mới, đẹp hơn, đi lại đã thuận tiện hơn trước khá nhiều. Quốc lộ 20 là tuyến đường huyết mạch nối liền khu vực Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh. Trải qua hơn 40 năm khai thác, tuyến quốc lộ này đã xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng được nhu cầu giao thông.
Từ năm 2011, tuyến đường này được thực hiện cải tạo lại mặt đường và hoàn thiện hơn hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo giao thông. Số vốn để cải tạo cho gần 110km đường lên đến hơn 5.200 tỷ đồng. Ông Đỗ Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long, chủ đầu tư dự án, cho biết nhiều đoạn qua khu dân cư đã được mở rộng lên 14m mặt đường; toàn tuyến được bố trí trên 100km cống thoát nước dọc. Trên tuyến còn được xây dựng mới 4 cầu, trong đó cầu La Ngà lớn nhất có chiều dài 330m.
Mới đây, tuyến quốc lộ 1 từ Bình Thuận vào đến địa phận huyện Trảng Bom cũng được đầu tư nâng cấp giúp cho việc lưu thông được thuận tiện hơn. Đạc biệt, thay đổi mạnh mẽ nhất là tuyến quốc lộ 51. Trước năm 1995, tuyến đường này chỉ có 2 làn xe khá chật chội nhưng đến nay tuyến đường đã được mở rộng lên 8 làn xe để đáp ứng lưu lượng giao thông. Tuyến đường này còn được biết đến như một hành lang các khu công nghiệp trải dài từ TP.Biên Hòa xuống đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là tuyến đường có lượng xe khá đông, do đó từ năm 1996 đến nay, quốc lộ 51 đã phải 2 lần mở rộng để đáp ứng cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Giao thông thời kỳ mới
Không còn bó hẹp trong hệ thống quốc lộ, gần đây ngành giao thông đã thực hiện đột phá về việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải, Đồng Nai hiện đang là “đại công trường” của các dự án xây dựng giao thông. Điền đó hoàn toàn đúng, bởi theo quy hoạch hệ thống đường cao tốc, trên địa bàn tỉnh là đầu mối của 5 tuyến đường cao tốc. Tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã được đưa vào khai thác khá hiệu quả. Từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung hiện nay không còn hoàn toàn phụ thuộc vào quốc lộ 1 đoạn từ TP.Hồ Chí Minh đến TX.Long Khánh nữa. Theo đánh giá của các doanh nghiệp vận tải, tuyến cao tốc này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn không chỉ về khoảng cách, thời gian di chuyển mà cả chi phí vận tải. Vì thế, tuyến đường này những ngày cao điểm có khoảng 45 ngàn lượt xe lưu thông/ngày đêm. Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng việc kết nối được các tuyến cao tốc với nhau sẽ mang lại hiệu quả rất cao. “Hiện nay đi từ TP.Hồ Chí Minh đến Đà Lạt theo đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và quốc lộ 20 đã giảm được 3 giờ đồng hồ so với trước đây, đó là nhờ hệ thống đường giao thông tốt hơn” - ông Đông nói.
Với chiều dài 57km, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công cũng là công trình được kỳ vọng mang lại sự kết nối giữa hai vùng kinh tế phía Nam là Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án có nguồn vốn đầu tư khá lớn, lên đến trên 1,6 tỷ USD (tương đương hơn 32 ngàn tỷ đồng). Các dự án đường cao tốc: Dầu Giây - Phan Thiết; Dầu Giây - Liên Khương; Biên Hòa - Vũng Tàu cũng được kỳ vọng nhiều và đang chờ thu xếp vốn đầu tư. Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chia sẻ, vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc là rất lớn, nhưng vẫn phải tìm cách thu xếp bởi hiệu quả kinh tế của đường cao tốc mang lại rất cao. Cũng theo Tổng giám đốc VEC, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi được đầu tư kết nối với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ giúp giao thông thuận tiện hơn rất nhiều.
Quả thực, trong giai đoạn phát triển mới hiện nay khi tốc độ kinh tế đang được tăng tốc thì hệ thống đường cao tốc sẽ trở nên vô cùng hữu hiệu. Sự thuận tiện của hệ thống giao thông còn giúp tăng sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư với các quốc gia trong khu vực.
Vân Nam