Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp ngoại "mê" cà phê Việt

09:04, 12/04/2015

Tuy diện tích trồng cà phê của Đồng Nai không lớn, nhưng lại là nơi đóng chân của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới. Khoảng 50% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đều thông qua các DN này.

Tuy diện tích trồng cà phê của Đồng Nai không lớn, nhưng lại là nơi đóng chân của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới. Khoảng 50% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đều thông qua các DN này. Trong thời gian qua, một số DN liên tục mở rộng đầu tư nhà máy để nâng cao sản lượng xuất khẩu cũng như gia tăng giá trị thêm sản phẩm.

Một góc nhà máy chế biến hạt cà phê khử caffein của Nestlé tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa).
Một góc nhà máy chế biến hạt cà phê khử caffein của Nestlé tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa).

Các DN ngoại luôn tìm cách để gia tăng tối đa lợi ích cho sản phẩm. Trong quý I-2015, hai “ông lớn” ngành cà phê xuất khẩu đứng chân trên địa bàn Đồng Nai đã khánh thành thêm nhà máy chế biến để tăng sản lượng hàng xuất khẩu.

* Mở rộng sản xuất

Đầu năm 2015, Công ty Neumann Gruppe Việt Nam thuộc Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe của Đức - tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ cà phê nhân, đã đưa thêm nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu có công suất 26 tấn/giờ vào hoạt động. Nhà máy chế biến cà phê này được Neumann Gruppe Việt Nam đầu tư với số vốn 12 triệu USD trên diện tích 4,8 hécta tại Khu công nghiệp An Phước, huyện Long Thành. Đây là nhà máy thứ 2 của Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe tại Việt Nam, được trang bị dây chuyền chế biến hiện đại của Italia và Hoa Kỳ. Theo lãnh đạo của công ty dự kiến đến năm 2017 nhà máy chế biến đạt 100 ngàn tấn/năm. Năm 2014, Neumann Gruppe Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu bao cà phê và là một trong 10 DN xuất khẩu cà phê đứng đầu Việt Nam. Sản lượng cà phê mà tập đoàn này cung cấp cho thị trường thế giới hàng năm không hề nhỏ, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cà phê thế giới.

Cũng trong lĩnh vực chế biến cà phê, cuối tháng 3 vừa qua Công ty Nestlé Việt Nam đã đưa nhà máy chế biến hạt cà phê khử caffein vào hoạt động, đây là nhà máy khử caffein thứ 2 của Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ). Nhà máy được xây dựng với số vốn 80 triệu USD tại khuôn viên của  Nhà máy Nestlé Trị An (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Giai đoạn đầu của dự án đã đi vào hoạt động từ tháng 11-2012, sản xuất các sản phẩm Nescafé cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn hai là nhà máy mới sản xuất hạt cà phê khử caffein làm nguyên liệu thô xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư của 2 giai đoạn trên là hơn 270 triệu USD. Ông Nakhle Kattan, Giám đốc nhà máy, cho biết sản phẩm của nhà máy là nguyên liệu thô để xuất khẩu đến các nhà máy của Nestlé trên toàn thế giới, chủ yếu ở châu Âu, Mỹ, Úc, Mexico, một số nước châu Á và châu Phi . 

* Tăng thêm giá trị

Giám đốc Công ty Neumann Gruppe Việt Nam Thomas Weiske cho hay, nhà máy có thể chế biến hơn 35 loại cà phê chất lượng khác nhau để xuất khẩu. Sản phẩm làm theo những yêu cầu của khách hàng. Mục tiêu chính là nâng cấp các sản phẩm có chất lượng đặc biệt để cung cấp cho thị trường.

Về lâu dài, sản xuất theo tiêu chuẩn 4C tại Việt Nam được phát triển rộng sẽ tạo thêm giá trị cho sản phẩm khi xuất khẩu. Bởi cà phê được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4C có giá cao hơn cà phê bình thường khoảng 20%.

Với Nestlé, ông Paul Bulcke, Chủ tịch Tập đoàn Nestlé toàn cầu chia sẻ, mặc dù thị trường cà phê có ảm đạm trong vài năm qua, nhưng mức tiêu thụ các sản phẩm cà phê của Nestlé vẫn không sụt giảm, thậm chí còn tăng nhẹ và tăng nhiều nhất tại thị trường Mỹ. Chính vì vậy, nhà máy mới của Nestlé góp phần đưa cà phê Việt Nam đến với nhiều người tiêu dùng trên thế giới hơn và giá trị cà phê Việt Nam sẽ tăng lên. Hàng năm, Nestlé tiêu thụ khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê trong nước phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Để tăng chất lượng cà phê tại Việt Nam, Nestlé đã hợp tác với Viện Khoa học - kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) triển khai dự án Nescafé Plan (phát triển cà phê bền vững). Tính đến hết năm 2014, dự án này đã phát triển được hơn 20 ngàn hécta cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên theo tiêu chuẩn 4C (Hiệp hội 4C có trụ sở tại Bonn, Đức, là một tổ chức phi chính phủ trên thế giới tham gia và cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê). Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ về giống và kỹ thuật canh tác mới  đảm bảo tính bền vững. Ở dự án này, nông dân có được các lợi ích, như: giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cà phê, bảo vệ môi trường.

Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích