Năm 2015, đích đến của xuất khẩu giày dép của Đồng Nai là 2,5 tỷ USD. Con số cao kỷ lục từ trước đến nay này được cho là có khả năng thực hiện, khi năm 2014 kim ngạch xuất khẩu giày dép đã đạt 2,23 tỷ USD, và xuất khẩu giày dép quý I-2015 đạt mức tăng trưởng trên 13% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2015, đích đến của xuất khẩu giày dép của Đồng Nai là 2,5 tỷ USD. Con số cao kỷ lục từ trước đến nay này được cho là có khả năng thực hiện, khi năm 2014 kim ngạch xuất khẩu giày dép đã đạt 2,23 tỷ USD, và xuất khẩu giày dép quý I-2015 đạt mức tăng trưởng trên 13% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP. Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, đứng đầu các mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai trong gần 3 tháng đầu năm 2015 là giày dép với xấp xỉ 545 triệu USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm 2014. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép trong tỉnh thì đơn hàng sản xuất năm nay khá dồi dào.
* Lập kỷ lục mới
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai dẫn đầu trong các nhóm hàng với 2,23 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2013. Các doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước lẫn doanh nghiệp FDI đều mở rộng sản xuất và nhiều đơn hàng lớn từ các nước khác có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế dự đoán năm 2015 xu hướng dịch chuyển nhiều đơn hàng về Việt Nam sẽ dày hơn, trong đó có Đồng Nai. Mục tiêu của sự chuyển dịch này là để hưởng các ưu đãi về thuế quan vì hàng loạt hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết đã có hiệu lực và để đón đầu TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) dự kiến hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015.
Ông Mai Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH giày dép Hưng Đạt, cho hay: “Sản phẩm giày dép của công ty xuất khẩu sang khá nhiều thị trường và đơn hàng năm nay khá nhiều nên không lo thiếu hàng để làm. Công ty đang tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng sản xuất để có thể tiếp nhận được những đơn hàng khó và lớn”. Thị trường xuất khẩu giày dép của các doanh nghiệp Đồng Nai những tháng đầu năm cũng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới chứ không tập trung vào một vài thị trường như những năm trước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không còn phải lo lắng chuyện hàng làm ra khó bán và có thêm cơ hội lựa chọn những thị trường đem lại lợi nhuận cao để ký hợp đồng xuất khẩu.
“Hàng hóa của công ty xuất khẩu sang nhiều nước, nhưng tập trung ở thị trường châu Âu nhiều hơn. Hiện công ty đã nhận được đơn hàng sản xuất đến giữa quý III-2015. Năm nay xuất khẩu giày dép thuận lợi hơn vì thuế suất tiếp tục giảm” - ông Lê Đình An, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH giày dép Tân Hợp (TP.Biên Hòa) nói. Thị trường xuất khẩu giày dép lớn của Đồng Nai trong gần 3 tháng đầu năm là Hoa Kỳ, Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản.
* Vẫn chưa chủ động
Kim ngạch xuất khẩu giày dép với đích đến 2,5 tỷ USD trong năm nay được cho là không quá khó với các doanh nghiệp Đồng Nai. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không vui khi xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận lại bị thu hẹp vì không chủ động được nguyên liệu để sản xuất.
Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu theo kế hoạch dự kiến 14,3-14,6 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm 2014. Trong đó, nhóm hàng tiếp tục dẫn đầu trong xuất khẩu là giày dép. Để đạt mục tiêu trên, từ đầu năm tỉnh tổ chức các buổi hội thảo nhằm nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, tỉnh sẽ giúp doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, tổ chức các hội nghị gặp gỡ tham tán thương mại tại nước ngoài nhằm tạo thêm cơ hội giao thương để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu”. |
“Hầu hết doanh nghiệp giày dép đều dồi dào đơn hàng và xuất khẩu tăng, song lợi nhuận thu về lại giảm. Nghịch lý trên là do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phải nhập khẩu nhiều, đơn hàng ít cũng phải nhập 40-50%, đơn hàng nhiều thì phải nhập khẩu nguyên liệu đến 80%. Thời gian qua, giá nguyên liệu nhập khẩu, dịch vụ logistics, điện liên tục tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, trong khi giá xuất khẩu sang các thị trường tăng rất ít” - ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa), chia sẻ.
Số đông các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu giày dép đều trông đợi Hiệp định TPP sẽ đàm phán xong vào cuối năm, khi ấy thuế xuất khẩu sang nhiều thị trường sẽ giảm mạnh. Nhưng đằng sau đó vẫn là nỗi lo lớn, vì ngành công nghiệp hỗ trợ cho giày dép không thể phát triển nhanh để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước. Hiện tại đã có những mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ mà đối tác đòi hỏi phải có 50% nguyên liệu sản xuất trong nước.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, muốn doanh nghiệp sản xuất giày dép phát triển bền vững, hưởng được các ưu đãi khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Chính phủ cần có chính sách cụ thể thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ, còn như hiện tại mới chỉ phát triển mạnh phần ngọn.
Hương Giang