TP.Biên Hòa đang "ngấp nghé" lên đô thị loại 1 và chỉ còn thiếu một vài tiêu chí, thế nhưng các cơ quan làm việc của thành phố hiện vẫn "ở tạm" nhà dân (các căn nhà từ chế độ cũ trưng dụng). Điều này gây nhiều bất tiện khi sắp xếp chỗ làm việc, chỗ tiếp dân. Không chỉ vậy, công tác lưu trữ hồ sơ cũng gặp nhiều khó khăn.
TP.Biên Hòa đang “ngấp nghé” lên đô thị loại 1 và chỉ còn thiếu một vài tiêu chí, thế nhưng các cơ quan làm việc của thành phố hiện vẫn “ở tạm” nhà dân (các căn nhà từ chế độ cũ trưng dụng). Điều này gây nhiều bất tiện khi sắp xếp chỗ làm việc, chỗ tiếp dân. Không chỉ vậy, công tác lưu trữ hồ sơ cũng gặp nhiều khó khăn.
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa là một trong những phòng, ban của TP.Biên Hòa sử dụng nhà dân và công trình cũ làm nơi làm việc. |
Ít người nghĩ rằng một đô thị lớn và lâu năm như TP.Biên Hòa lại có kết cấu hạ tầng phục vụ cho công việc hành chính lại hết sức tạm bợ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đô thị và phục vụ nhu cầu hành chính của người dân.
* Cơ quan nhà nước cũng… ở ké
Chưa có khu hành chính tập trung nên các phòng, ban của TP.Biên Hòa hiện đang tạm cư rải rác khắp nơi. Các phòng: Nội vụ, Tư pháp, Văn hóa - thông tin tạm cư trên đường 30-4; Phòng Quản lý đô thị, GD-ĐT ở trên đường Hà Huy Giáp; Phòng Lao động - thương binh và xã hội nằm trên đường Hưng Đạo Vương; Phòng Kinh tế trước đây ở đường 30-4 nay chuyển đến đường Phạm Văn Thuận… Các đơn vị này của TP.Biên Hòa có một điểm chung là đều sử dụng các nhà dân để làm việc. Đơn vị nào có được căn nhà rộng thì bố trí phòng làm việc tương đối, còn không thì khá chật chội.
Trưởng phòng Tư pháp TP.Biên Hòa Nguyễn Thị Kim Hương cho biết do diện tích hẹp nên các phòng được tận dụng tối đa diện tích, phòng làm việc của phó trưởng phòng cũng sử dụng là nơi lưu trữ hộ tịch. Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị, cũng cho rằng việc lưu trữ hồ sơ của các phòng hiện khá vất vả. Theo ông, việc tận dụng các căn nhà ở cải tạo lại thành nơi làm việc khá rắc rối vì kiểu thiết kế không phù hợp với công năng văn phòng. Một số lãnh đạo các phòng còn chỉ ra bất tiện của việc tạm cư tản mác như hiện nay khiến việc thực hiện cơ chế một cửa chưa phát huy được cao. Ông Trần Thanh Quang, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội, nói: “Bố trí cán bộ ở bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả hồ sơ, nhưng giấy tờ vẫn phải mang về phòng để ký, như vậy vẫn mất thời gian”. Thực tế, có những công việc hồ sơ của người dân phải giải quyết trong ngày khá khó khăn cho đơn vị xử lý.
* Vẫn phải chờ
Chánh văn phòng UBND TP.Biên Hòa Lê Văn Trung cũng thừa nhận, hiện nay hầu hết các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố đều làm việc trong các nhà dân. Ông Trung nói: “Trụ sở của Thành ủy và UBND thành phố cũng chỉ vừa mới được xây dựng gần đây, thời gian trước cũng sử dụng nhà dân để làm việc. Đô thị Biên Hòa mấy năm gần đây phát triển khá nóng, nhu cầu về phòng làm việc cũng như phòng để lưu trữ hồ sơ tăng nhưng thành phố chưa đáp ứng được”.
Quả thực, nếu như khoảng 10 năm trước, TP.Biên Hòa chỉ có hơn 500 ngàn dân thì nay dân số đã tăng hơn gấp đôi. Vì thế, nhu cầu về giao dịch của người dân với cơ quan nhà nước tăng lên tương ứng. Ông Trung cũng cho hay, thời gian qua UBND thành phố dự kiến xây dựng một khối nhà tại phường Quyết Thắng để bố trí cho các phòng về làm việc, tuy nhiên do diện tích đất khá hẹp nên không thực hiện được. Theo ông Trung, cho đến nay thành phố vẫn chưa có khu hành chính là chờ UBND tỉnh xây dựng khu hành chính mới và thành phố sẽ tiếp nhận trụ sở hiện tại của tỉnh, như thế sẽ không bị lãng phí.
Khu hành chính mới của tỉnh đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng, như vậy các đơn vị chuyên môn của TP.Biên Hòa vẫn tiếp tục phải chờ.
Vân Nam