Khởi nghiệp bằng một xưởng giày rất nhỏ, chỉ với 6 công nhân vừa thiết kế, vừa gò đế, dán keo, làm thủ công 100%. Vừa là ông chủ, vừa quản lý sản xuất, vừa lo bán từng đôi giày, rồi trải qua nhiều nơi làm việc, làm việc cho một hãng giày lớn, sang New Zealand học về quản trị rồi quay về Việt Nam làm việc.
Khởi nghiệp bằng một xưởng giày rất nhỏ, chỉ với 6 công nhân vừa thiết kế, vừa gò đế, dán keo, làm thủ công 100%. Vừa là ông chủ, vừa quản lý sản xuất, vừa lo bán từng đôi giày, rồi trải qua nhiều nơi làm việc, làm việc cho một hãng giày lớn, sang New Zealand học về quản trị rồi quay về Việt Nam làm việc. Sau một thời gian, ông quyết định ra riêng, từ bỏ một vị trí công việc với thuận lợi, có thu nhập 2-3 ngàn USD/tháng để khởi sự lại từ đầu ở tuổi gần 50 bằng nhãn hiệu giày thể thao Prowin vào năm 2009.
Khởi điểm là 3 ngàn đôi/tháng, sau hơn 1 năm tăng lên 20 ngàn đôi/tháng. Hiện sản lượng đã đạt 500 ngàn đôi/năm với doanh thu hàng chục tỷ đồng. Giày Prowin được tiêu thụ từ Nam chí Bắc, xuất khẩu sang Lào và Campuchia và trở thành một trong những thương hiệu giày thể thao “Made in Vietnam” được ưa chuộng trên thị trường với nhiều dòng giày chuyên sâu cho từng môn thể thao cụ thể: giày đá banh, giày chạy bộ, quần vợt, bóng chuyền… và gần đây nhất là giày thể thao thời trang cho giới trẻ. Ông Vũ nói: “Tôi không ngại việc nhiều người nói mình “liều”, vì tôi cho phép mình có giấc mơ lớn bằng đôi giày Việt”.
* Đam mê giày thể thao
Ông từ bỏ vị trí cao ở một công ty giày nổi tiếng, bắt đầu khởi nghiệp với giày thể thao nhãn hiệu Prowin ở độ tuổi không còn trẻ. Điều gì làm ông tự tin đến thế?
- Thuận lợi của tôi là am hiểu khá rõ về công nghệ làm giày, bắt nguồn từ sự say mê. Ban đầu, tôi làm giày tây bán cho những người làm việc văn phòng, khởi nghiệp bằng một tiệm giày nhỏ trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh). Sau đó, tôi về làm ở Thái Bình Shoes và những kiến thức về giày thể thao đầu tiên tôi có được là ở đây.
Chọn giày thể thao, đầu tiên là do tôi yêu thích sự linh động và thoải mái của chúng, tiếp đó mới đến những nhìn nhận về một thị trường rộng lớn của mặt hàng này. Đầu tiên tôi chỉ là gia công cho Thái Bình Shoes, sau đó thì dần dần có ý tưởng, nâng cấp thành nhãn hiệu và quyết định tham gia thị trường. Khi rời Thái Bình Shoes và đến tận bây giờ, tôi vẫn nhận gia công giày theo những đơn hàng từ nước ngoài, với 2 mục đích: học hỏi thêm những công nghệ, cách thức sản xuất mới thông qua quá trình gia công cho những thương hiệu lớn; thứ hai là “lấy ngắn nuôi dài” vì tôi biết Prowin không thể mang về lợi nhuận trong ngày một, ngày hai. Tất cả những doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp với việc xây dựng một nhãn hiệu riêng đều hiểu: đó là một con đường rất chông gai.
Với Hiệp định kinh tế TPP sắp tới đây, tôi và nhiều doanh nghiệp khác nhìn thấy cơ hội của một thị trường chung rộng lớn, nhưng thách thức là sự cạnh tranh. Một điều mà doanh nghiệp nào cũng “ngán” là công nghiệp hỗ trợ cùng thị trường nguyên phụ liệu cho ngành giày quá thiếu, vẫn lệ thuộc Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... |
Tố chất nào ở một người thuộc thế hệ của ông mà ông cho là thế mạnh mà một người kinh doanh trẻ khó có được trên con đường xây dựng thương hiệu giày thể thao Việt Nam - con đường rất chông gai?
- Tôi xuất thân từ nông dân, quê ở Thái Bình. Và tôi cho rằng mình có được một tố chất khá quan trọng từ xuất thân đó: tính kiên trì, chịu khó và chấp nhận thất bại. Ngay từ đầu khi quyết định khởi nghiệp với Prowin, tôi biết những khó khăn vất vả đó. Đầu tiên tôi lấy việc gia công để nuôi thương hiệu của mình, vì muốn làm gì cũng phải có tiền trả lương cho công nhân đã. Khi quyết định ra riêng, khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ, nhiều đàn anh trong ngành giày thân thiết nói: “Mày điên à?”. Vì ngoài mức lương cao, tôi hoàn toàn có thể kiếm tiền khá ổn từ việc gia công giày cho nước ngoài nếu muốn, không cần phải vất vả mày mò tạo dựng từ đầu. Nhưng tôi vẫn quyết định chọn con đường đó. Tôi nói với họ: “Thôi để em cố gắng, nếu không được, nếu mất hết thì em lại về quê trồng lúa”.
Ông bắt đầu bán những đôi giày thể thao đầu tiên của mình ra sao?
- Sản xuất giày là một chuyện. Với những kiến thức của mình về nó, tôi tự tin. Nhưng bán giày lại là chuyện hoàn toàn khác. Prowin là một nhãn hiệu mới, tôi bán bằng cách lân la các con đường chuyên bán giày dép ở TP.Hồ Chí Minh, thuyết phục họ cho ký gửi, tìm các mối hàng cũ, tìm cách mở rộng bán hàng. Ban đầu tôi cũng có làm giày vải, tương tự mẫu của Thượng Đình, nhưng sau phải bỏ vì cạnh tranh yếu và sau đó chuyển sang làm giày bóng đá, đặc biệt giày cho các sân cỏ nhân tạo, giày cho các môn thể thao cụ thể với từng loại đế, loại gai... riêng.
Sau này, tôi nhìn thấy thêm một thị trường rất lớn cho mặt hàng giày thể thao thời trang - dòng sản phẩm giới trẻ sử dụng rất nhiều để mặc, phối với các bộ quần áo thời trang. Dòng hàng này đã và đang bị hàng Trung Quốc chiếm lĩnh, và tôi quyết định tham gia.
* Nếu kinh doanh chỉ để kiếm tiền thì... buồn lắm
Suy nghĩ thực của ông về chuyện kinh doanh và kiếm tiền? Rõ ràng là đi làm thuê ở vị trí cao cấp, hay đi gia công giày cho nước ngoài đều là những nghề kiếm tiền dễ hơn và thanh thản hơn?
- Mỗi sản phẩm cần 3 công đoạn: nghiên cứu, phát triển sản phẩm - tổ chức sản xuất - tổ chức bán hàng. Nếu muốn kiếm tiền thì chỉ cần đi gia công, tức chỉ cần làm tốt công đoạn giữa, không phải lo đoạn đầu - đoạn cuối. Hai công đoạn này luôn là công đoạn rất khó đối với doanh nghiệp Việt. Tôi nghĩ nếu kinh doanh mà chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền thì... buồn lắm. Tôi muốn có một điều gì đó ý nghĩa hơn. Và như tôi đã nói, nếu thất bại, tôi lại quay về làm một nông dân, không có vấn đề gì lớn cả. Nhưng đã làm thì phải tin, tôi tin mình sẽ đi đến một đích nào đó lớn hơn việc gia công giày để kiếm tiền. Một khía cạnh khác, làm ra đôi giày đẹp, chất lượng với tên của mình là niềm hạnh phúc lớn với tôi.
Vậy khác nhau căn bản giữa một ông chủ chuyên gia công và ông chủ làm giày để bán dưới nhãn hiệu của riêng mình là gì?
- Trước tiên là ông chủ phải kiên định, vì thị trường đầy sóng gió. Cùng với các hiệp định kinh tế song phương - đa phương thì các đối thủ cạnh tranh cũng nở rộ, gần đây nhất là hàng Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam thông qua việc các ông chủ Thái mua lại hệ thống bán lẻ. Cạnh tranh với hàng Trung Quốc không quá khó, vì đa số là hàng giá rẻ không thương hiệu, nhưng cạnh tranh với hàng Thái Lan thì khác. Về sản xuất thì tôi không sợ, nhưng thật tình thì khâu tiêu thụ làm tôi hơi ngại, đặc biệt một khi các hệ thống bán lẻ hiện đại bị các ông chủ nước ngoài chi phối.
Tôi thấy mình thiếu thời gian. Tôi mới làm được hơn 5 năm và tôi mong muốn đến 2020 có thể đạt mức 2 triệu đôi/năm. Hiện tại, tôi đang cố gắng tăng trưởng đều với khoảng 5%/tháng. Mỗi người Việt Nam đi khoảng 2 đôi giày, dép/năm và nhu cầu khoảng 180 triệu đôi/năm. Đó là một thị trường cực lớn cho doanh nghiệp Việt. Còn tham gia như thế nào, có “vũ khí” gì và sự kiên định đến đâu là do bản thân doanh nghiệp. |
Và vấn đề lớn nhất là suy nghĩ của ông chủ đó thế nào? Dám chịu đựng khó khăn đến đâu và kiên định đến mức nào? Nếu chỉ thấy khó khăn, nản chí mà lùi lại hoặc quay về gia công thì coi như hỏng. Thực ra ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp cực giỏi trong nghề, vì Việt Nam nổi tiếng là một trong những nước gia công giày có tay nghề nhất.
Ông đã chuẩn bị đến đâu cho giấc mơ mang giày Việt của mình ra thị trường quốc tế?
- Tôi biết mình lớn tuổi, nhưng tôi không cấm mình theo đuổi giấc mơ của Prowin. Tôi nói với con tôi: “Ba đã cắm cờ ở Việt Nam, còn nhiệm vụ của con là cắm cờ trên thị trường quốc tế”. Con tôi cũng đang học ở New Zealand, cháu có niềm say mê với ngành giày và sẽ nối nghiệp tôi. Chẳng giấu gì, tôi đã đăng ký thương hiệu Prowin trên nhiều nước, trước tiên phải chuẩn bị cơ sở pháp lý vì sau này sản phẩm Việt sẽ bán trên một thị trường chung và cần được pháp luật bảo vệ.
Tôi có một câu nói đơn giản với nhân viên và với con tôi: “Chúng ta hãy làm những đôi giày đẹp nhất, chất lượng tốt nhất với giá thành rẻ nhất”. Tôi không có mong muốn móc túi người giàu, mà muốn tập trung vào thị trường phổ thông. Nghĩa là tôi mong người tiêu dùng bỏ tiền mua giày hài lòng với chất lượng của chính đôi giày mang lại. Hiện tại, tôi đang tập trung mở rộng nhà máy ở Đồng Nai. Một vấn đề khác là tập trung marketing và bán lẻ với chi phí lớn kinh hoàng.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)