Đầu vụ năm nay, giá hạt điều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều lo lắng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, trong khi đầu ra ít biến động về giá vì thị trường vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó.
Đầu vụ năm nay, giá hạt điều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều lo lắng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, trong khi đầu ra ít biến động về giá vì thị trường vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó.
Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Thiện Minh (TX.Long Khánh). |
Nhiều DN trong ngành chế biến hạt điều chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân bạn hàng, ổn định sản xuất. Một số DN chuyển sang làm các đơn hàng ngắn hạn nhằm giảm rủi ro trong giai đoạn giá cả thị trường biến động mạnh.
* Đơn hàng tăng, lợI nhuận giảm
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tháng 1-2015, ngành điều trong tỉnh xuất khẩu được trên 3 ngàn tấn nhân với giá trị gần 20,7 triệu USD, tăng cả về sản lượng và giá so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận của các DN trong ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều lại không tăng do chi phí đầu vào cao, nhất là nguyên liệu chế biến đang trong giai đoạn “sốt” giá. Cụ thể, giá hạt điều do thương lái mua hiện ở mức 28 ngàn đồng/kg, tại các nhà máy chế biến mua vào khoảng 32 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 4 ngàn đồng/kg so với đầu vụ năm ngoái.
Bà Nguyễn Vũ Hồng Mây, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Thủ Mây (huyện Xuân Lộc), chia sẻ lượng đơn hàng và sản lượng chế biến của DN đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, DN nhập nguyên liệu đến đâu chế biến đến đó chứ không có nguồn dự trữ như trước. Vì với mức giá hạt điều cao ngất ngưởng như hiện nay, ngành chế biến rất dễ bị lỗ vốn. Nhiều đơn hàng cân đối, chỉ cần đạt một chút lợi nhuận là DN chấp nhận làm. “Có đơn hàng lỗ vốn DN vẫn chấp nhận vì chúng tôi phải giữ ổn định công việc cho cả ngàn công nhân đang làm việc tại các chi nhánh” - bà Hồng Mây nói.
Đại diện của Công ty TNHH Thiện Minh (TX.Long Khánh), cho biết: “Đơn đặt hàng xuất khẩu nhân điều trong những tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do giá nguyên liệu đầu vào quá cao nên DN có sự chọn lọc những đơn hàng phù hợp. Trong giai đoạn này, DN chỉ ký những đơn hàng ngắn hạn, trao tay ngay để hạn chế rủi ro”.
* Hạt điều Việt Nam yếu thế
Sản lượng hạt điều nhập khẩu vào Việt Nam không ngừng tăng qua từng năm. Theo các DN, sản lượng điều nhập đang tăng dần theo hàng năm. Hiện hạt điều nhập khẩu chiếm từ 40-60% sản lượng nguyên liệu chế biến trong các nhà máy sản xuất. Ông Nguyễn Sỹ Hải, Giám đốc Công ty TNHH nông sản Phú Quý (huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Hiện DN muốn nhập khẩu bao nhiêu nguyên liệu hạt điều đều có. Chế biến điều nhập khẩu thường có lợi nhuận tốt hơn điều trong nước. Vì hạt điều nhập khẩu tuy chất lượng và độ ngon không bằng điều trong nước nhưng lại có ưu thế hình thức đẹp, giá thường ổn định và rẻ hơn hạt điều trong nước”.
Đầu vụ thu hoạch, giá hạt điều tăng cao nhưng nông dân đang trong tâm trạng phập phồng lo lắng. Do bất lợi của thời tiết, hiện cây điều tại một số địa phương của tỉnh đang gặp tình trạng rụng lá, rụng trái non. Nguy cơ năng suất vụ điều năm nay giảm hơn mọi năm là điều khó tránh khỏi. Trong đó, giá hạt điều lên xuống thất thường, cao khi vào đầu vụ và “rớt” giá khi đến chính vụ cũng là nỗi lo không nhỏ của nông dân. Ông Phan Chinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ điều năng suất cao ở xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Các thành viên trong câu lạc bộ đầu tư rất mạnh về phân, thuốc cho cây điều nhưng vẫn thua nếu thời tiết bất lợi. Rủi ro cao, trong khi thu nhập từ cây điều thuộc loại thấp so với các cây trồng khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gắn bó với cây điều vì vùng đất này phù hợp nhất cho cây điều phát triển. Chỉ mong Nhà nước có thêm chương trình hỗ trợ cho nông dân giữ cây điều, giữ lợi thế trong ngành chế biến, xuất khẩu nông sản thuộc hàng đầu về sản lượng này”.
Bình Nguyên