Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhùng nhằng tranh chấp đất lâm nghiệp

11:03, 29/03/2015

Toàn tỉnh hiện có gần 2.400 hécta đất rừng đang có tranh chấp giữa người dân địa phương với các công ty, lâm trường sử dụng đất lâm nghiệp. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Toàn tỉnh hiện có gần 2.400 hécta đất rừng đang có tranh chấp giữa người dân địa phương với các công ty, lâm trường sử dụng đất lâm nghiệp. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Sắp tới, có thể người dân sinh sống trong rừng của Biên Hòa sẽ được di dời ra ngoài để bảo vệ đất rừng.  Ảnh: H.GIANG
Sắp tới, có thể người dân sinh sống trong rừng của Biên Hòa sẽ được di dời ra ngoài để bảo vệ đất rừng. Ảnh: H.GIANG

Đồng Nai hiện có gần 164 ngàn hécta đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng đặc dụng khoảng gần 102 ngàn hécta, rừng phòng hộ gần 31.300 hécta và rừng sản xuất hơn 29.800 hécta. Dù được đánh giá là địa phương quản lý giữ rừng tương đối tốt, nhưng ở các công ty, lâm trường vẫn còn xảy ra tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

* Tranh chấp nhiều năm

Có nhiều lý do dẫn đến tranh chấp đất lâm nghiệp tại Đồng Nai, song chủ yếu là do các nguyên nhân khi thành lập lâm trường không xác định rõ ranh giới giao đất; cư dân sinh sống sử dụng đất trước khi thành lập lâm trường; các lâm trường cho hộ dân mượn đất canh tác dưới tán rừng… Hiện những diện tích đất lâm nghiệp này đã không còn rừng và người dân đang sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, có đơn vị đề nghị giao về cho địa phương xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, tùy theo các trường hợp cụ thể để xử lý. Đất lâm nghiệp bị tranh chấp nhiều tại Đồng Nai hiện thuộc về các đơn vị: Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán), Vườn quốc gia Cát Tiên, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ...

Ông Trương Hữu Thế, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, cho biết: “Chúng tôi hiện có trên 1 ngàn héc ta đất rừng đang bị người dân tranh chấp. Trên diện tích đất đang tranh chấp có những hộ sinh sống từ lâu, song cũng có những hộ trước đây được nhà nước giao khoán đất rừng để quản lý sản xuất. Thực tế, các diện tích đất trên hiện không còn rừng”. Ông Thế cho biết thêm, vì tranh chấp nên những diện tích đất trên chưa thể ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú.

Bà Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai, cho hay: “Công ty cũng có một số diện tích đất bị người dân lấn chiếm và hiện họ đang đòi cấp giấy chứng quyền sử dụng đất nhưng công ty không đồng ý. Diện tích đất tranh chấp hầu hết ở những khu vực gần sông, suối không thể trồng cây cao su, công ty đành bỏ trống nên nhiều hộ dân đã vào đó lấn chiếm sản xuất”.

* Không nên hợp thức hóa

Có không ít ý kiến cho rằng, diện tích đất lâm nghiệp bị tranh chấp so với rừng hiện có không đáng kể, do đó nên cắt hẳn, giao cho địa phương hợp thức hóa cho người dân bằng cách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến trái ngược cho là nếu hợp thức hóa diện tích đất rừng bị tranh chấp, sẽ tạo tiền lệ xấu dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng ngày một nhiều hơn.

“Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đang yêu cầu các chủ rừng rà soát lại toàn bộ diện tích đất bị tranh chấp, xem nguyên nhân từ đâu để có biện pháp xử lý thích hợp. Với những diện tích đất giao khoán từ trước, sau đó được sang nhượng bằng giấy tay nếu các hộ có nhu cầu sẽ tiếp tục hợp đồng giao khoán đất rừng. Còn những trường hợp lấn chiếm, tỉnh sẽ thu hồi lại” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng cho hay.

Mới đây, trong đợt giám sát về quản lý, sử dụng đất nông lâm trường tại Đồng Nai, ông Mã Điền Cư, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, khẳng định: “Với đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tỉnh phải cương quyết thu hồi lại hết. Còn những hộ đã sống lâu trên đất lâm nghiệp từ trước khi có các nông, lâm trường thì nên xem xét có thể ký hợp đồng giao khoán để họ vẫn có thể sinh sống và sản xuất”.

Tuy nhiên, ở một số địa phương có rừng, như: Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu vẫn xảy ra nhiều trường hợp những hộ dân nhận hợp đồng giao khoán đất rừng, sau một thời gian sử dụng đã chuyển nhượng cho những hộ khác sản xuất. Chưa kể, không ít hợp đồng giao khoán đất rừng bị chia nhỏ, chuyển nhượng qua tay nhiều người.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều