Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo yếu thế trong hội nhập

09:03, 05/03/2015

"Điều nổi bật nhất trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đồng Nai là sự quyết tâm thực hiện từ lãnh đạo cao nhất đến từng địa phương, cơ sở. Đồng Nai đã được đền đáp xứng đáng khi trở thành lá cờ đầu của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Những kết quả mà Đồng Nai đạt được là bài học kinh nghiệm ý nghĩa cho chương trình chung của cả nước".

“Điều nổi bật nhất trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đồng Nai là sự quyết tâm thực hiện từ lãnh đạo cao nhất đến từng địa phương, cơ sở. Đồng Nai đã được đền đáp xứng đáng khi trở thành lá cờ đầu của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Những kết quả mà Đồng Nai đạt được là bài học kinh nghiệm ý nghĩa cho chương trình chung của cả nước”.

Sản xuất, thu hoạch lúa đứng đầu về ứng dụng cơ giới hóa tại Đồng Nai. Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên cánh đồng chất lượng cao tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu.
Sản xuất, thu hoạch lúa đứng đầu về ứng dụng cơ giới hóa tại Đồng Nai. Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên cánh đồng chất lượng cao tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu.

Đó là đánh giá của GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới (Ban Chấp hành Trung ương), tại buổi tọa đàm khoa học “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mới qua thực tiễn tại Đồng Nai” diễn ra vào sáng 4-3 tại hội trường Tỉnh ủy.

* Hiện đại hóa nông nghiệp

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Nai đang chuyển dịch đúng hướng, trung bình giảm 2,88%/năm trong cơ cấu GDP. Trong nội bộ ngành cũng có sự chuyển dịch khá rõ nét, tỷ trọng ngành chăn nuôi đang tăng nhanh, phát triển theo hướng trang trại được đầu tư công nghệ hiện đại. Tăng tỷ trọng các loại cây, con cho lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ tốt. Cơ giới hóa nông nghiệp đạt kết quả đáng khích lệ.

Chính sách khuyến công được đẩy mạnh, tập trung phát triển mạng lưới cơ khí sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Dành nhận xét: “Hàng năm, Đồng Nai đều tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tìm thị trường tiêu thụ nông sản nội địa và xuất khẩu; hội thảo giới thiệu công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch; dây chuyền giết mổ công nghiệp… Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 4.625 cơ sở công nghiệp nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách mức sống giữa thành thị và nông thôn”.

Tuy Đồng Nai đạt nhiều thành quả trong 30 năm đổi mới nông nghiệp, nông thôn nhưng Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành vẫn tỏ ra lo ngại: “Ngành nông nghiệp chưa chuẩn bị gì cho việc vào sân chơi của cộng đồng ASEAN. 80% doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn lờ mờ về cuộc chơi này, nông dân lại càng không nắm được, trong khi nông dân của Thái Lan đã biết rõ từ nhiều năm trước. Đồng Nai có bao nhiêu mặt hàng nông sản có thể tồn tại khi vào sân chơi chung. Có nguy cơ tết năm 2016, trong mỗi gia đình Việt toàn là hàng Thái, hàng Singapore, hàng Malaysia… Chuẩn bị gì để DN, nông dân không thua thiệt khi vào hội nhập đã là vấn đề sát sườn, cần quan tâm ngay”.

* Gỡ rào cản thu hút đầu tư

Tại buổi tọa đàm, vấn đề những vướng mắc về mặt chính sách trong thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được trao đổi sâu. Đại diện của Sở Khoa học - công nghệ kiến nghị các chính sách hỗ trợ DN cải tiến, đổi mới công nghệ chưa thực sự hấp dẫn. Từ đó, DN chủ yếu vẫn tận dụng các thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, làm hạn chế quá trình chuyển giao công nghệ mới và đồng bộ vào sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành lưu ý: “Đồng Nai có hơn 8 ngàn DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng chủ yếu là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, không đủ sức thực hiện các dự án lớn. Bất cập là ở mặt chính sách về đất đai, tín dụng… Chúng ta chấp nhận ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại rất dè sẻn với DN trong nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điều kiện ưu đãi không phù hợp thực tế nên chính sách chưa có nhiều tác động tích cực thúc đẩy đầu tư, dẫn đến năng lực cạnh tranh của DN ở mức thấp khi vào hội nhập”.

 Chia sẻ về vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo đánh giá nông nghiệp Đồng Nai có bước tiến là đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, nhiều loại cây trồng có diện tích lớn, đảm bảo yếu tố sản lượng nhưng do vẫn sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ nên yếu tố đồng nhất về chất lượng, an toàn thực phẩm chưa đạt; khó ứng dụng cơ giới hóa. Từ đó, năng lực cạnh tranh của nông sản thấp. Theo ông Đạo: “Nhà nước không thiếu các chính sách thu hút DN, nhất là xây dựng chuỗi liên kết nông dân - DN phát triển cánh đồng lớn nhưng chỉ dừng lại ở mức khuyến khích. Về quy hoạch trong nông nghiệp cũng vậy, hệ thống chính sách từ Trung ương đến cơ sở chúng ta đã có nhưng lại thiếu hẳn cơ chế quản lý với sự phân công, phân cấp thật cụ thể và đầy đủ”.

PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới (Ban Chấp hành Trung ương), cho rằng: “Chính sách Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng để hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu; nhất là việc quy định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích của từng chủ thể tham gia chuỗi này. Tuy vậy, mỗi địa phương vẫn có thể chủ động thực hiện trên cơ sở những thành viên tham gia cùng ngồi lại để xác định khâu nào yếu nhất, khâu nào tạo giá trị gia tăng của toàn chuỗi để cân đối cho phù hợp. Cốt lõi của liên kết là cùng chia sẻ cả về lợi ích và rủi ro, tạo sự đồng bộ đảm bảo cho lợi ích chung và thích ứng được với những thay đổi của thị trường”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều