Báo Đồng Nai điện tử
En

Lão nông làm cọ sơn xây dựng

11:03, 15/03/2015

Có thể nói ông Lê Văn Lực, chủ cơ sở Mỹ Á (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) là người đưa nghề mới về địa phương khi đầu tư sản xuất dòng cọ sơn dùng trong xây dựng. Nhờ đầu tư vào lĩnh vực "không đụng hàng", cơ sở của ông phát triển ổn định suốt gần 20 năm qua.

Có thể nói ông Lê Văn Lực, chủ cơ sở Mỹ Á (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) là người đưa nghề mới về địa phương khi đầu tư sản xuất dòng cọ sơn dùng trong xây dựng. Nhờ đầu tư vào lĩnh vực “không đụng hàng”, cơ sở của ông phát triển ổn định suốt gần 20 năm qua.

* Đưa nghề mới về quê

Ông Lực nhớ lại: “Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ làm nông và chạy ghe chở mướn ở khu vực này. Ở đây đất nhiễm mặn nên nghề nông cho thu hoạch rất thấp. Khi qua thời chở mướn bằng ghe, tôi phải lên TP.Hồ Chí Minh mua các loại cọ sơn trong xây dựng đi bán rong kiếm thêm thu nhập. Vài năm sau, cha con tôi mày mò học nghề làm cọ sơn và quyết định tự mở cơ sở sản xuất”.

Ông Lê Văn Lực giới thiệu sản phẩm sản xuất tại cơ sở.   Ảnh: L.QUYÊN
Ông Lê Văn Lực giới thiệu sản phẩm sản xuất tại cơ sở. Ảnh: L.QUYÊN

Nhìn cây cọ rất đơn giản nhưng cần qua đến 18 công đoạn để hoàn thành. Sợi cọ chủ yếu làm bằng lông thỏ và lông heo. Nguyên liệu ban đầu chỉ là những cuộn lông rối chưa qua xử lý, người làm phải tỉ mỉ qua từng công đoạn. Loại sản phẩm này cũng có rất nhiều chủng loại, cọ sơn sắt có yêu cầu khác với cọ chuyên quét vôi, đánh vécni trên gỗ.

Vốn ít nên ông mua các loại máy phế liệu về cải tiến lại. Thời gian đầu, cơ sở sản xuất theo quy mô hộ gia đình với lao động chính là các thành viên trong nhà. Dần dần, cơ sở được đầu tư nhiều máy móc hơn, mở rộng dần quy mô sản xuất. Theo ông Lực: “Ngay từ những năm đầu, tôi đã quan tâm đăng ký nhãn hàng và cho in chữ Mỹ Á lên từng sản phẩm. Mỗi cây cọ hoàn thành đều được kiểm tra kỹ để hạn chế sai sót nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất khi đến tay người dùng”. Hiện cơ sở của ông đang tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn, chủ yếu là nữ lao động lớn tuổi không xin được việc làm tại các công ty. Ông cũng sẵn sàng nhận những người khuyết tật vào làm việc.

* Kiên trì mở thị trường

Ông Lực cho biết, từ mũi Cà Mau ra tới Huế đều có sản phẩm của Mỹ Á. Ông cũng cung cấp những đơn hàng với số lượng lớn cho một doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị, dụng cụ trong xây dựng tại Hà Nội. Có được mạng lưới thị trường này không phải chuyện ngày một, ngày hai. Ông Lực tâm sự: “Phải yêu nghề thì mới gắn bó được lâu dài vì chỉ nghĩ đến lợi nhuận tôi đã không theo được đến bây giờ. Tôi mất 10 năm gian nan, vất vả đi tìm bạn hàng. Giai đoạn đầu sản xuất, 4 cha con tôi chất hàng, chở nhau trên 2 chiếc xe máy đi xa nhà cả tháng trời, rong ruổi khắp các tỉnh, thành tìm bạn hàng. Mỗi lô cọ 6 chiếc, tùy loại mà bỏ mối được từ vài ngàn đến đôi ba chục ngàn, cha con tôi phải đi khắp các cửa hàng, đại lý chào hàng. Có lúc lặn lội cả ngày mà bán chẳng được bao nhiêu”.  

Đến nay, ngoài việc gửi hàng qua hệ thống xe hàng, xe khách, cơ sở ông tự đầu tư được 2 chiếc xe tải để luôn chủ động đáp ứng nhanh đơn hàng cho khách. Ở tuổi 61, ông Lực vẫn luôn dồn hết thời gian để làm việc, khách hàng ở đâu cần là ông đến tận nơi. Tuy là cơ sở nhỏ nhưng ông không ngại cạnh tranh khi tham gia thị trường. Ông Lực so sánh: “Tôi mở cơ sở ngay trên đất nhà, tận dụng hết được sức lao động của các thành viên trong gia đình, từ khâu sản xuất và tổ chức giao hàng đến từng đại lý, cơ sở kinh doanh nhỏ. Làm ăn với ai tôi cũng thật tình nên không thiếu những bạn hàng gắn bó”.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều