Báo Đồng Nai điện tử
En

Khô hạn đến sớm

11:03, 15/03/2015

Năm nay tình trạng khô hạn đến sớm hơn mọi năm. Nông dân lo lắng vì thời tiết thất thường khiến nhiều loại cây trồng đang vào vụ thu hoạch giảm năng suất. Tuy nhiên, nhờ chủ động chống hạn nên không chỉ cây trồng hàng năm mà cây lâu năm ở Đồng Nai vẫn được đảm bảo nước tưới.

Năm nay tình trạng khô hạn đến sớm hơn mọi năm. Nông dân lo lắng vì thời tiết thất thường khiến nhiều loại cây trồng đang vào vụ thu hoạch giảm năng suất. Tuy nhiên, nhờ chủ động chống hạn nên không chỉ cây trồng hàng năm mà cây lâu năm ở Đồng Nai vẫn được đảm bảo nước tưới.

Thời tiết bất lợi khiến điều bị khô bông, khô trái. (Ảnh chụp tại vườn điều ở xã Giang Điền, huyện Trảng Bom).
Thời tiết bất lợi khiến điều bị khô bông, khô trái. (Ảnh chụp tại vườn điều ở xã Giang Điền, huyện Trảng Bom).

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, thời điểm này đang vào cao điểm của khô hạn và nắng nóng. Lượng mưa trong tuần cũng như trong tháng 3-2015 sẽ ít hơn trung bình nhiều năm khiến nước trên các sông, suối trong tỉnh sẽ tiếp tục xuống dần.

* Nắng “cháy” hoa, trái

Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại trồng các loại xoài, quýt tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), nhận xét: “Năm nay khô hạn đến sớm hơn mọi năm. Nắng nóng kèm gió nhiều khiến xoài, điều khô bông, khô trái. Quýt cũng xuất hiện tình trạng vàng lá, rụng trái, vườn xử lý tốt thì mất khoảng từ 10 - 15%, có nơi cả vườn quýt bị thiệt hại nặng”.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 111 công trình thủy lợi. Công suất các công trình khai thác đạt trên 80%. Nguồn nước ở các công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu nước hoặc xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Phước, nông dân tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), nhận định: “Năm nay hạn hán đến sớm và nghiêm trọng hơn. Hiện mực nước của nhiều giếng khoan nước của nông dân ở đây đã rút hẳn. Ban ngày nắng gắt, đêm nhiệt độ lại lạnh, gió nhiều khiến các loại cây trồng, cây ăn trái đang vào vụ bị khô bông, rụng trái. Chôm chôm vùng này vào mùa chậm hơn, trái đậu ít hơn hẳn so cùng kỳ năm ngoái. Nông dân rất lo lắng vì năng suất nhiều loại cây trồng giảm mạnh”.

Do nắng gắt, đất bốc hơi nước nhanh nên nhiều nhà vườn phải tăng cường nước tưới. Ngoài việc chi phí đội lên, nỗi lo không nhỏ của nông dân là việc đảm bảo nguồn nước tưới trong suốt mùa khô hạn. Ông Trần Văn Hồng Quốc, nông dân trồng rau, màu tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú), chia sẻ: “Thời điểm này năm ngoái, vườn rau chỉ cần tưới 1 lần/ngày thì nay tăng lên 2-3 lần/ngày. Tốn thêm tiền điện, chi phí nhân công nên dù nắng nóng rau, màu phát triển tốt, ít sâu bệnh nhưng nông dân vẫn không tránh khỏi lo lắng đồng lời giảm hơn”.

* Chủ động chống hạn

Tuy nắng nóng hơn mọi năm nhưng chưa xuất hiện khu vực cây trồng bị hạn hán đến mức mất mùa. Nhờ hệ thống thủy lợi được quan tâm cải tạo và đầu tư mới nên nhiều địa phương vẫn mở rộng diện tích cây trồng vụ đông - xuân. Các huyện cũng đều chủ động trong kế hoạch chống hạn, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất. Đây là một trong những nội dung chính được các địa phương báo cáo trong chương trình họp giao ban ngành nông nghiệp vừa diễn ra vào đầu tháng 3.

Trước tình hình khô hạn đến sớm, nông dân cũng rất chủ động trong công tác phòng, chống hạn, nhất là tại những huyện thường xảy ra khô hạn, như: Tân Phú, Định Quán. Ông Đỗ Trọng Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), cho biết thời tiết bất lợi khiến năng suất nhiều loại cây trồng giảm sút, nhưng từ trước tết đến giờ, giá quýt, điều, xoài khá cao nên nông dân vẫn có điều kiện đầu tư cho vườn cây. Ông Tính dẫn chứng: “Nhiều khu vực khô hạn, nông dân chủ động gia cố các giếng khoan, có nơi phải khoan đến 70-80m sâu mới có nước nhưng nông dân vẫn đầu tư. Mạng lưới điện được đầu tư về tận các cánh đồng, nơi nào điện không kéo tới các hộ sản xuất đóng góp tiền tự kéo điện về tưới cho cây trồng. Do tưới nhiều, có xảy ra hiện tượng quá tải điện nhưng cây trồng vẫn được đảm bảo, không xảy ra hiện tượng khô héo”.

Bình Nguyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều