Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới công nghệ: Tăng lợi thế cạnh tranh

04:03, 26/03/2015

Năm 2015, thị trường trong nước rộng mở khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập và nhiều hiệp định thương mại khác được ký kết. Đây sẽ là cơ hội nếu doanh nghiệp kịp thời đổi mới công nghệ để hạ giá thành sản phẩm.

Năm 2015, thị trường trong nước rộng mở khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập và nhiều hiệp định thương mại khác được ký kết. Đây sẽ là cơ hội nếu doanh nghiệp kịp thời đổi mới công nghệ để hạ giá thành sản phẩm.

Công ty TNHH Hố Nai (TP. Biên Hòa) ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm gỗ để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu đem lại hiệu quả cao. Ảnh: U.NHI
Công ty TNHH Hố Nai (TP. Biên Hòa) ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm gỗ để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu đem lại hiệu quả cao. Ảnh: U.NHI

Ngày 24-3, tại hội thảo về cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ vùng Đông Nam bộ tổ chức tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh, đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành trong sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững, vươn ra chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

* Đầu tư còn ít

ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) là khâu không thể thiếu vì góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm mới cung ứng ra thị trường và tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động KH-CN chưa được chú trọng, đầu tư KH-CN còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Thị trường KH-CN phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi về các vướng mắc trong hoạt động KH-CN khiến việc ứng dụng chưa đem lại kết quả cao, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh nhận xét: “Hiện nay, kết quả ứng dụng và đổi mới KH-CN trong các doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, hàng hóa của doanh nghiệp thường có hàm lượng công nghệ thấp, giá thành cao dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để đầu tư đổi mới công nghệ nên khó có điều kiện thực hiện hoạt động nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến”. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi được hỏi đều trả lời: họ rất muốn đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường, nhưng đều vướng ở khâu tài chính. Vốn vay hiện nay lãi suất có giảm nhưng vẫn cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ ít dám mạo hiểm bỏ ra số tiền lớn để đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại.

PGS.TS Phan Chí Chính, Phó hiệu trưởng Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, nói: “Dù có bề dày phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ phần cứng, phần mềm hơn Thái Lan và Malaysia, nhưng công nghệ của vùng Đông Nam bộ lại bị tụt hậu so với hai nước trên. Để giúp các doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ không bị lấn sân khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, Hiệp định TPP ký kết thì Chính phủ cần có chính sách đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ, đồng thời đẩy nhanh chuyển giao công nghệ và làm chủ công nghệ mới”.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) nói: “Hợp tác xã rất mong có vốn để nhận chuyển giao công nghệ bảo quản xoài chín sau thu hoạch. Đầu tư được hệ thống nhà lạnh và quy trình bảo quản tươi lâu, xã viên có thể bảo quản xoài khi giá quá rẻ và dự trữ nguyên liệu để sản xuất xoài sấy khô, sấy dẻo xuất khẩu, nâng giá trị của trái cây”. Tuy nhiên do thiếu vốn, hợp tác xã vẫn chưa thể đầu tư hệ thống nhà xưởng và thiết bị bảo quản trái xoài tươi sau thu hoạch.

* Nhiều rào cản

Để thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, Chính phủ có những chính sách khuyến khích, như hỗ trợ một phần kinh phí để nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp lại không mặn mà vì ngại các thủ tục để hưởng phần hỗ trợ còn rườm rà. “Tôi và nhiều đồng nghiệp không ngại nghiên cứu sản xuất ra những vaccine mới phòng bệnh mới trên gia súc, nhưng rất ngại khi xin trung ương xét duyệt hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề tài. Quá trình xét duyệt để thực hiện các dự án rất lâu, có khi kéo dài đến 3 năm, khi được phê duyệt có khi không còn phù hợp” - TS.Trần Xuân Hạnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco) bày tỏ.

Theo các nhà khoa học, Việt Nam không thiếu các đề tài KH-CN tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng lại rất khó áp dụng vào thực tế vì giữa nhà nghiên cứu, sáng chế với doanh nghiệp sản xuất chưa có sự kết hợp chặt chẽ. Do đó nhiều phát minh, sáng chế nếu được ứng dụng vào trong sản xuất sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng lại bị “bỏ phí” vì người nghiên cứu không tìm được doanh nghiệp bắt tay để sản xuất đồng loạt để đưa sản phẩm ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ hàng hải Nhật Quang (TP. Hồ Chí Minh), cho biết: “Tôi sáng chế ra gạch âm dương có thể tiết kiệm 3/4 lượng vữa để xây dựng, hạ được nhiều chi phí, giảm ô nhiễm môi trường nhưng lại khó tìm doanh nghiệp liên kết để sản xuất”.

  Uyển Nhi

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích