Các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc hiện tại đều phải sử dụng vốn vay ODA, nhưng khó khăn nhất của những dự án này lại là nguồn vốn đối ứng mà phía Việt Nam phải bỏ ra trong quá trình thực hiện.
Các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc hiện tại đều phải sử dụng vốn vay ODA, nhưng khó khăn nhất của những dự án này lại là nguồn vốn đối ứng mà phía Việt Nam phải bỏ ra trong quá trình thực hiện. Nguồn vốn này chỉ chiếm 10% trong tổng vốn đầu tư, song việc sắp xếp vốn cho các dự án luôn rơi vào thế bị động.
Phối cảnh cầu dây văng Phước Khánh trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Nhơn Trạch với huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh). |
Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang triển khai 2 dự án tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành. Hai dự án này đang có nguy cơ chậm tiến độ giải phóng mặt bằng do không có vốn.
* Thiếu vốn trầm trọng
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng vốn đầu tư trên 31 ngàn tỷ đồng. Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD. Ông Đặng Hữu Vị, Trưởng ban quản lý dự án, cho biết đến nay nguồn vốn dành cho xây lắp đã được chuẩn bị hoàn tất, phía các nhà tài trợ vốn sẵn sàng, nhưng vốn đối ứng từ phía Việt Nam thì vẫn thiếu khiến công tác giải phóng mặt bằng chậm so với tiến độ đề ra.
Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh cũng thừa nhận, hiện nay doanh nghiệp thiếu khoảng 3 ngàn tỷ đồng cho 2 dự án này, trong đó tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành là gần 2 ngàn tỷ đồng và tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi là hơn 1 ngàn tỷ đồng. Theo cam kết với ADB và JICA, trong năm 2014 phần giải phóng mặt bằng của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn tất để giao mặt bằng sạch cho nhà thầu, toàn bộ chi phí này sử dụng vốn đối ứng trong nước. Nhu cầu vốn năm 2014 của dự án là gần 2.730 tỷ đồng vốn đối ứng, nhưng chỉ được bố trí hơn 900 tỷ đồng. Theo tính toán của VEC, trong năm 2015, nhu cầu vốn đối ứng cần khoảng 1.800 tỷ đồng nhưng đến nay mới thu xếp được 200 tỷ đồng. “Thiếu vốn đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án. Khi tham gia dự án, các nhà thầu quốc tế yêu cầu là phải bàn giao mặt bằng sạch” - Tổng giám đốc VEC nói.
* Giật gấu vá vai
Lãnh đạo của VEC cho hay, hiện Bộ Giao thông - vận tải đang báo cáo với Chính phủ về vấn đề thiếu hụt nguồn vốn đối ứng ảnh hưởng đến tiến độ dự án để Chính phủ có phương án xử lý do vốn đối ứng là cam kết của Việt Nam với các nhà tài trợ vốn. Trong khi chờ đợi nguồn vốn đối ứng được phân bổ, chủ đầu tư phải giật gấu vá vai để dự án được tiếp tục được triển khai, không bị dừng.
Quá thiếu nguồn vốn cho việc giải phóng mặt bằng 2 dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi nên vừa qua VEC đã phải kiến nghị với Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép sử dụng cơ chế đặc thù là sử dụng nguồn vốn tạm của doanh nghiệp. Cụ thể, VEC được dùng nguồn vốn tự có của mình để chi trả trước cho phần vốn đối ứng đang thiếu để tiếp tục công tác giải phóng mặt bằng cho của dự án. Ông Mai Tuấn Anh tiết lộ: “Chúng tôi xin Chính phủ cho sử dụng nguồn tiền thu phí trước mắt chưa phải trả nợ để ứng trước cho các địa phương chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Mới đây VEC đã thu xếp ứng cho dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được 600 tỷ đồng”.
Rõ ràng việc bố trí vốn đối ứng kịp cho các dự án ODA sẽ đảm bảo được tiến độ của dự án. Nếu không, sẽ chậm giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án và qua thời gian, công trình có thể bị đội giá, làm tăng tổng mức đầu tư.
Vân Nam