Báo Đồng Nai điện tử
En

Loay hoay vận chuyển hàng xuất khẩu

09:12, 08/12/2014

Trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, vận chuyển đóng một vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến lỗ - lãi cho mỗi đơn hàng. Với tình trạng hạ tầng giao thông đang bị quá tải hiện nay, các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu phải chịu khá nhiều áp lực.

Trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, vận chuyển đóng một vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến lỗ - lãi cho mỗi đơn hàng. Với tình trạng hạ tầng giao thông đang bị quá tải hiện nay, các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu phải chịu khá nhiều áp lực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng qua của Đồng Nai đạt hơn 22 tỷ 770 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ 553 triệu USD, tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2013. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ cảng về các nhà máy và ngược lại là rất lớn.

* Để giảm chi phí

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết nhu cầu sử dụng các phương tiện vận chuyển của các DN chế biến gỗ rất lớn, ngoài vận chuyển hàng từ các công ty ra cảng thì còn phải chở gỗ nguyên liệu từ cảng về các công ty. Trung bình mỗi năm các DN chế biến gỗ phải sử dụng tới 80%  gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, các nước Nam Mỹ, châu Âu và New Zealand. “Hiệp hội đang tìm phương án liên kết với các đơn vị vận tải và Cảng Đồng Nai để bàn giải pháp nhằm giảm chi phí vận chuyển cho DN” - ông Bình nói.

Hàng nhập khẩu được giao tại Cảng Đồng Nai.
Hàng nhập khẩu được giao tại Cảng Đồng Nai.

Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải, nếu tổ chức liên kết tốt, chi phí vận chuyển mỗi container hàng từ các khu công nghiệp trong tỉnh nếu giao tại Cảng Đồng Nai sẽ thấp hơn 400 ngàn đồng so với về các cảng của TP.Hồ Chí Minh. Đây là một khoản chi phí đáng kể cho DN, nhất là những DN có mức xuất khẩu hàng lớn như Công ty chế biến gỗ Shing Mark Vina (tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), có doanh số xuất khẩu khoảng 1 ngàn container mỗi tháng.  Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hố Nai, cho biết mỗi tháng DN xuất khoảng 100 container hàng nên việc vận chuyển hàng về các cảng ở TP.Hồ Chí Minh khá áp lực, ngoài chi phí cao còn lo ngại hàng bị trễ, lúc đó vừa phải xin lỗi khách hàng lại bị phạt hợp đồng.

* Cần bảo đảm dịch vụ cảng

Ông Huỳnh Thanh Bình, Cục phó Cục Hải quan Đồng Nai, cho rằng Đồng Nai có một tuyến sông khá tốt, nếu các DN vận chuyển hàng bằng đường thủy giá sẽ rẻ hơn rất nhiều. “Nhiều DN vẫn nghĩ Cảng Đồng Nai là cảng nội địa, nhưng thực tế đây thuộc nhóm cảng biển quốc tế nằm sâu trong đất liền. Do độ sâu không cho phép tàu lớn vào nhận và trả hàng nên các tàu lớn phải đậu tại khu vực cảng nước sâu và dùng xà lan chuyển tiếp hàng hóa” - ông Bình giải thích.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cũng khẳng định Cảng Đồng Nai không phải là cảng trung chuyển mà các giao dịch được thực hiện như những cảng quốc tế khác ở TP.Hồ Chí Minh. Ở đây, DN có thể làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng tại cảng trực tiếp.  Hiện tại đã có 18 hãng tàu quốc tế và nội địa giao nhận hàng tại Cảng Đồng Nai.

Theo các DN sản xuất, sở dĩ lượng hàng xuất khẩu vẫn dồn về TP.Hồ Chí Minh để làm thủ tục do Cảng Đồng Nai quá mới khiến các DN chưa yên tâm. Đại diện Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa), cho hay khi mở L/C (thư tín dụng) với khách hàng, DN phải tính toán từng giờ một. Vì vậy, việc chuyển hàng về làm thủ tục tại một nơi mới khiến DN khá e ngại, và nếu được thực hiện DN rất cần sự cam kết an toàn các thủ tục cho đến thời gian giao hàng. Điều này cũng được ông Quý, Giám đốc công ty gỗ Hố Nai đồng tình. Ông Quý “hiến kế”, để DN yên tâm giao hàng tại Cảng Đồng Nai, Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai cần tiếp cận trực tiếp với các DN giới thiệu cụ thể các dịch vụ và khả năng của mình, từ đó DN sản xuất sẽ tin và yên tâm hơn. 

Khắc Giới

 

Tin xem nhiều