Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn về chiến lược, Đồng Nai là một cực tăng trưởng lý tưởng

11:11, 28/11/2014

"Trong cái nhìn chiến lược, thì Đồng Nai hoàn toàn cạnh tranh được với TP.Hồ Chí Minh và trở thành một cực tăng trưởng lý tưởng" - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đã khẳng định như vậy khi nói về tiềm năng, vị trí của Đồng Nai trong quy hoạch vùng...

Có những thuật ngữ, khái niệm tưởng chừng rất quen thuộc nhưng thực ra lại rất xa lạ nếu so với nhận thức và hiểu biết của người ta về nó. Đó cũng chính là những trăn trở, băn khoăn của một chuyên gia hàng đầu về đô thị học: PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học (Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) - Phó chủ tịch Hội đồng Qui hoạch và phát triển đô thị TP.HCM – khi nói về lĩnh vực này.

Hiểu đúng khái niệm “vùng”

 * Thưa ông, từ giải thưởng kiến trúc quốc gia về “Vùng đô thị châu Á và TP.Hồ Chí Minh” năm 2008 và tiếp đó giải thưởng quốc gia năm 2012 với “Đô thị học: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn” thì đến nay,  câu chuyện về đô thị mà ông quan tâm từ giải thưởng đã bước ra đời sống như thế nào?

- Rất may mắn là có một số ý tưởng cũng như đề xuất của tôi đã được cơ quan quản lý nhà nước để mắt tới và có một số trong đó đã được hiện thực hóa bằng chính sách ở tầm quốc gia. Chẳng hạn, lần đầu tiên Chính phủ chấp nhận đưa khái niệm “Đô thị đại học” (hay thành phố đại học) cùng các tiêu chí vào trong nghị định của Chính phủ và văn bản Bộ Xây dựng, trước hết là cho Đô thị đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Đô thị đại học Quốc gia Hà Nội từ một đề tài nghiên cứu trọng điểm của tôi có tên là “Xây dựng đô thị đại học ở Việt Nam: Lý thuyết và thực tiễn”, mà trước đó chưa ai đề cập đến. Hiện nay, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang tích cực phát triển vùng đô thị, trong đó có tiếng nói “khởi nguyên” của tôi. Còn ở tầm thấp hơn, như: chuyện ngập nước, kẹt xe, chia lô bán nền, đền bù giải tỏa cũng có tiếng nói của tôi tham gia cùng nhiều chuyên gia khác...   

* Là một chuyên gia đã từng học tập nghiên cứu tại Liên Xô trước đây và sau đó là Philippines về lĩnh vực quy hoạch vùng đô thị và quản trị đô thị, ông suy nghĩ gì về quy hoạch đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TP.Hồ Chí Minh là hạt nhân?

- Thực tâm mà nói, số người hiểu đúng và thực chất về lý thuyết phát triển vùng và liên vùng không nhiều, rất nhiều người nhầm lẫn, rất tiếc trong số những người nhầm lẫn lại có lãnh đạo và cán bộ tham mưu cao cấp. Việc Bộ Xây dựng trình Chính phủ rằng “Vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh” bao gồm 8 đơn vị cấp tỉnh:TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang là không ổn. Hiện nay, về bản chất TP.Hồ Chí Minh là một đại đô thị (Megacity) đơn tâm chứ không phải là vùng đô thị (Metropolitan) đa tâm, bởi hiện nay TP.Hồ Chí Minh không có bất cứ thành phố nào bên trong, chẳng hạn chùm các thành phố đồng cấp như Metro Manila với 16 thành phố tương đồng nhau, hay vùng đô thị Seoul (Hàn quốc) với 15 thành phố vệ tinh bên trong. TP.Hồ Chí Minh mong muốn có 2 đô thị vệ tinh là Tây Bắc Củ Chi và Hiệp Phước nhưng cho đến nay chưa có dấu hiệu ra đời.

*  Vậy nên hiểu như thế nào, thưa ông?

- Cần phân biệt 3 khái niệm: vùng đô thị, vùng ảnh hưởng phát triển bởi đô thị và liên kết vùng. Cách nói như ở trên phải gọi đúng là vùng ảnh hưởng phát triển mà TP.Hồ Chí Minh là hạt nhân thì mới chính xác. Trong trường hợp này thì TP.Hồ Chí Minh được coi là tâm điểm của vùng phát triển cả đô thị và nông thôn. Còn tên gọi có thể là vùng đô thị phát triển Nam bộ để phân biệt với vùng đô thị Tây Nam bộ.

* Trên thực tế, hiện nay có những quy hoạch đô thị vùng như là một giải pháp để thúc đẩy cho thị trường bất động sản chứ thực ra chưa mang đúng ý nghĩa về một vùng đô thị, ông có nghĩ như vậy không?

- Chắc là có phần đúng, Việc hiểu đúng và đủ về vùng đô thị là vô cùng quan trọng, nó thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong tất cả các lĩnh vực của đô thị, trong đó trước hết và quan trọng nhất là quản lý đô thị. Bởi lẽ, việc tổ chức không gian và tổ chức dân cư có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Cần đội ngũ chuyên gia giỏi, có tâm, có tầm

* Theo ông, Đồng Nai như thế nào trong quy hoạch đô thị vùng gắn với TP.Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ, thậm chí chuỗi đô thị phương Nam?

- Cần phải nhìn Đồng Nai với nhãn quan của hôm nay và 50 năm sau. Cách đây ít năm, rất nhiều người ở TP.Hồ Chí Minh và cấp cao hơn luôn quan niệm rằng Đồng Nai, Bình Dương chịu ảnh hưởng của TP.Hồ Chí Minh, nếu TP.Hồ Chí Minh bị “nhức đầu” thì Đồng Nai “sổ mũi”, Đồng Nai là phần mở rộng của TP.Hồ Chí Minh, thậm chí trong nhiều quy hoạch coi Đồng Nai với tâm điểm là Biên Hòa được coi là vệ tinh của TP.Hồ Chí Minh. Quan niệm đó hiện nay không còn đứng vững nữa. Cần phải khẳng định hiện nay Đồng Nai, Bình Dương là một cực phát triển độc lập, có thế mạnh riêng và tiềm năng to lớn. Công bằng mà nói, nhiều lợi thế cạnh tranh của TP.Hồ Chí Minh đã đến ngưỡng, đất đai thuận lợi cho phát triển không còn nhiều, không còn đất cho các khu công nghiệp nữa; phát triển công nghệ cao chỉ mới bắt đầu. Trong khi các tiềm năng về đất đai, tài nguyên của Đồng Nai còn nhiều, giao thông ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển cực kỳ thuận lợi. Lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai gia tăng nhanh, ổn định, có những năm nhiều hơn vào TP.Hồ Chí Minh. Trong cái nhìn chiến lược thì Đồng Nai hoàn toàn cạnh tranh được với TP.Hồ Chí Minh và trở thành một cực tăng trưởng lý tưởng. Cùng với TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Bình Dương trở thành một tam giác phát triển mạnh nhất của cả nước.

* Như vậy ắt hẳn cũng sẽ có những thách thức chẳng dễ vượt qua?

- Đồng Nai đã và sẽ tiếp tục đối diện với một thách thức lớn là luồng di dân tự do đổ về ngày một nhiều do sức hút của nó ngày càng lớn theo kiểu “thóc đâu bồ câu đấy”. Do vậy mà quản lý xã hội sẽ là một trong các thách thức lớn nhất của Đồng Nai. Đặc biệt là tội phạm ở vùng giáp ranh giữa các thành phố và tỉnh, thành. Hãy hình dung khi các đĩa (TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương) quay nhanh thì các thứ bẩn, cặn bã bao giờ cũng dạt ra ngoài rìa theo lực ly tâm. Kể cả những phức tạp khác phải đối đầu là di dân quốc tế.

Ở Việt Nam thường hiểu quy hoạch là công việc của các kiến trúc sư, nhưng họ là các nhà kỹ thuật. Quy hoạch một thành phố, quy hoạch vùng, liên vùng chính là công việc của các nhà quy hoạch kinh tế - xã hội đô thị (Urban Planner) và của nhà phát triển đô thị (Urban Developer).

* Điều quan trọng nhất trong quy hoạch và phát triển đô thị, ông nghĩ chúng ta có bài học nào đi trước rồi để có thể đón đầu mà không lặp lại sai lầm?

- Trước hết phải xem lại quy trình quy hoạch, ở các nước quy hoạch kinh tế - xã hội đi trước, quy hoạch không gian đi sau, nhưng ở ta ngược lại cho nên các bản vẽ xanh, đỏ là sản phẩm của trí tưởng tượng của các “thợ vẽ” nên thành ra bị “treo”. Điều quan trọng là mỗi thành phố cần xây dựng cho mình một đội ngũ chuyên gia giỏi, có tâm, có tầm làm cố vấn cho lãnh đạo cao nhất của tỉnh, thành phố, kể cả người tỉnh khác và người nước ngoài. Đừng ngại các ý kiến phản biện, tham khảo ý kiến nhân dân, trong nhân dân có nhiều chuyên gia rất giỏi, nhưng họ không được hỏi thăm. Các sở, ngành nên đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, họ không phải là tham mưu.

* Đây cũng là vấn đề của các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, thưa ông?

- Tôi nghĩ các thành phố, trong đó có Đồng Nai cần thành lập Viện nghiên cứu ban hành chính sách đô thị. Cơ quan này sẽ giúp lãnh đạo tỉnh hiện thực hóa ý tưởng thành chính sách có tính khả thi cao. Việc các ý tưởng (cho dù tốt đẹp) đi thẳng từ lãnh đạo vào cuộc sống nhiều khi gây ra phiền toái cho người dân chính là vì không có khâu trung gian quan trọng này. Những tổ chức kiểu này rất cần nên trung ương phân quyền nhiều hơn cho bên dưới.

* Quy hoạch đô thị là một môn học mới mở ra của trường đại học, thậm chí còn chưa có giáo trình về bộ môn này, ông và các đồng nghiệp xoay xở ra sao?

- Hiện nay, trên thế giới có 149 trường đại học có đào tạo ngành đô thị học. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã mở ngành đào tạo này cách nay 8 năm, chúng tôi đã tuyển sinh được 7 khóa, 3 khóa ra trường với hơn 200 cử nhân đô thị học, nhiều sinh viên ra trường về làm việc hiệu quả ở các sở, các phòng quản lý đô thị quận, huyện, ban quản lý các dự án xây dựng, các công ty bất động sản, các dự án phát triển cộng đồng đô thị, có một số sinh viên hiện đang làm việc tại Đồng Nai. Hiện nay chúng tôi đang đào tạo thạc sĩ đô thị học, đầu vào mở khá rộng, chúng tôi sẵn sàng đón nhận các cán bộ quận, huyện của Đồng Nai hoạt động trong lĩnh vực đô thị theo học.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Loan (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều