Báo Đồng Nai điện tử
En

Không dễ chiều lòng các "ông lớn"

10:11, 28/11/2014

Một số tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam muốn tìm các nhà cung cấp nội địa vì nhiều đơn hàng phải nhập khẩu nguyên liệu từ 85-100%. Cánh cửa tưởng như đang rộng mở với doanh nghiệp Việt, nhưng thực tế muốn lọt qua không dễ.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam muốn tìm các nhà cung cấp nội địa vì nhiều đơn hàng phải nhập khẩu nguyên liệu từ 85-100%. Cánh cửa tưởng như đang rộng mở với doanh nghiệp Việt, nhưng thực tế muốn lọt qua không dễ.

Sản xuất may mặc tại Công ty cổ phần Đồng Tiến có những đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu trên 80%.
Sản xuất may mặc tại Công ty cổ phần Đồng Tiến có những đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu trên 80%.

Theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), các chuỗi cung ứng nguyên liệu, thiết bị tại Việt Nam còn rất yếu, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, đa số nguyên phụ liệu từ đơn giản đến phức tạp các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu từ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ và các nước châu Âu.

* Khó đáp ứng

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng thu mua của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết: “Khoảng 80% bộ vi xử lý cho máy tính để bàn ở Việt Nam là do công ty sản xuất, nhưng thiết bị để sản xuất hầu hết phải nhập khẩu. Do đó, công ty rất muốn tìm được các doanh nghiệp nội địa đủ khả năng cung ứng các thiết bị”. Tuy nhiên, muốn trở thành nhà cung cấp thiết bị cho Công ty TNHH Intel Products Việt Nam không dễ vì công ty này đòi hỏi rất gắt gao về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, còn hàng loạt những yêu cầu khác phải đạt chuẩn, như: quản lý sản xuất phải giỏi tiếng Anh để thường xuyên trao đổi với các kỹ sư của công ty đối tác; thời gian làm việc của lao động phải đảm bảo đúng luật... Với những yêu cầu trên, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó đáp ứng được.

Ông Đặng Văn Chung, quản lý chất lượng của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở khu công nghệ cao quận 9 (TP.Hồ Chí Minh), cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các máy mã hóa sản phẩm cho siêu thị, cửa hàng để kiểm soát thu chi, bán hàng, vì thế đang mong tìm được nguồn cung cấp thiết bị trong nước để giảm nhập khẩu. Dù thiết bị công ty nhập chỉ là pin và một số thiết bị điện tử nhỏ, nhưng hơn 90% phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản”. Nguyên nhân là do ngay các nguyên liệu thô ban đầu để sản xuất các thiết bị, linh kiện trên tại Việt Nam cũng không có.

* Tìm đỏ mắt

Gần 150 doanh nghiệp tham gia Ngày hội các nhà cung cấp vào ngày 28-11 tại TP.Hồ Chí Minh đều có chung nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước rất khó tham gia được vào chuỗi cung ứng thiết bị, linh kiện cho các công ty, tập đoàn FDI. Bởi quy hoạch sản xuất công nghiệp của Việt Nam thiếu và yếu nên từ nguyên liệu thô để sản xuất thiết bị cũng không đáp ứng được phải nhập khẩu.

Ông Trần Mạnh Tâm, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH USG Boral Gypsum Việt Nam, chuyên sản xuất các dòng vật liệu xanh dùng trong xây dựng, khẳng định: “Với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, cùng hàng loạt các đòi hỏi khác về nhà xưởng, máy móc, quản lý sản xuất và những công nghệ hiện đại trong việc truyền tải thông tin dữ liệu sản phẩm qua điện toán đám mây, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước rất khó đáp ứng nổi”.

Bà Võ Thị Lan Thương, phụ trách mua hàng của Công ty TNHH Siêu Nhân Việt Nam TP.Hồ Chí Minh), bày tỏ: “Công ty sản xuất máy trợ thính cho người khuyết tật, đang tìm các nhà cung cấp thanh kim loại nhỏ mạ vàng, nhưng không doanh nghiệp trong nước nào đáp ứng nổi”.

Theo một doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện từ kim loại ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, mới nhìn qua thiết bị của Công ty TNHH Siêu Nhân Việt Nam khá đơn giản, nhưng kim loại và máy móc để sản xuất thiết bị này trong nước không có, phải nhập khẩu, do đó doanh nghiệp nội địa không cạnh tranh nổi về giá so với các nước khác, như: Trung Quốc, Thái Lan và châu Âu. Vì thế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường chỉ nhận những đơn hàng đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng không quá khắt khe để gia công.

Ông Masaru Ota, Trưởng phòng phát triển Công ty TNHH Nankai Kinzoku Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, nói năng lực cung ứng công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đây là hạn chế làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn vì nguyên liệu phải nhập khẩu khá nhiều, sức cạnh tranh giảm. Câu chuyện về doanh nghiệp FDI phải nhập trên 80% nguyên liệu để sản xuất có lẽ còn kéo dài nhiều năm nếu không có quy hoạch công nghiệp hỗ trợ phù hợp.

Hương Giang

Tin xem nhiều