"Mỗi người có thể chọn cho mình một cách làm, một cách mưu sinh để tồn tại và phát triển, làm giàu cho mình và có cơ hội chia sẻ, giúp đỡ người khác thì đó là hạnh phúc, một sự tồn tại có ý nghĩa..." - doanh nhân Phạm Đức Bình mở đầu cuộc trò chuyện...
Mỗi người có thể chọn cho mình một cách làm, một cách mưu sinh để tồn tại và phát triển, làm giàu cho mình và có cơ hội chia sẻ, giúp đỡ người khác thì đó là hạnh phúc, một sự tồn tại có ý nghĩa. Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã mở đầu cuộc trò chuyện với nhà báo.
* Doanh nghiệp chịu nhiều áp lực
Nhưng thưa ông, phát triển trong thời khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm không phải là chuyện dễ dàng, lại còn sự thay đổi liên tục của các chính sách?
- Đúng là mỗi thời mỗi khó một kiểu. Thời Tập đoàn chăn nuôi heo 45 ở Tam Hòa (TP. Biên Hòa) của những năm 1980-1990 mà gia đình tôi là thành viên thì được dư luận quan tâm, xã hội ủng hộ nhưng lúc ấy ngành chăn nuôi cũng còn phát triển theo kiểu chăn nuôi truyền thống, kinh nghiệm cá nhân là chính, năng suất chưa cao. Còn giờ đây chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình đã gần như không còn trong thành phố và các vùng thị trấn thị tứ. Người chăn nuôi muốn nuôi heo thì phải đi xa, vô các vùng vắng vẻ, ít dân; chi phí đầu tư tăng cao và kỹ thuật nuôi heo đã khác xưa, tiến bộ hơn cả về chuồng trại, thức ăn, chăm sóc...
Nhân đề cập đến lĩnh vực chăn nuôi, cha ông đã từng được truyền thông dán mác ”Vua nuôi heo”, ông đã kế thừa nghề truyền thống của gia đình và phất lên với quy mô trang trại chăn nuôi, đồng thời phát triển sang lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc, và thương hiệu Thanh Bình cũng đã từ đây tỏa sáng, nhưng dường như Thanh Bình thời nay đã khác?
- Ngành chăn nuôi của Việt Nam nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung luôn ở thế bị động. Nông dân luôn như cá nằm trên thớt. Sản phẩm sản xuất ra nhưng người khác quyết định giá cả, nay thiếu mai thừa, nay cao mai thấp. Đó là chưa kể ngành đang lệ thuộc rất lớn vào nước ngoài từ khâu giống, nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc, thú y. Năng suất trong lĩnh vực này cũng còn thấp dù đã du nhập công nghệ nuôi từ nước ngoài, chỉ khoảng bằng gần 30% so với các nước. Chính vì vậy, Thanh Bình cũng phải tái cấu trúc chính mình, giảm dần tỷ lệ phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, may rủi do người khác định đoạt.
Vậy Thanh Bình tái cấu trúc mình như thế nào vì thị trường luôn may, rủi cho tất cả các lĩnh vực?
- Chúng tôi đã giảm cả chăn nuôi lẫn chế biến. Hiện Thanh Bình chỉ còn trại gà khoảng 50 ngàn con ở Trảng Bom và trại heo 4 ngàn con ở Dầu Tiếng. Thức ăn gia súc cũng giảm nhiều ở khâu chế biến và kinh doanh nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. Thay vào đó chúng tôi thực hiện việc mua bán công ty, kinh doanh kho và hiện đang sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu qua Hàn Quốc. Một dự án đang thai nghén để triển khai là xây dựng vài ngàn căn nhà cấp 4 dành cho người thu nhập thấp thuê ở gần các khu công nghiệp, dĩ nhiên là làm theo kiểu cuốn chiếu để không bị hút vốn vào đó quá nhiều.
Là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, ông nhận định gì về khối doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn trong tình hình hiện nay?
- DN nhỏ và vừa nói chung đang bị nhiều áp lực. Thiếu vốn, thiếu tầm nhìn và thiếu cả bản lĩnh thương trường. Và điều quan trọng là hầu như rất đói thông tin. Các chính sách thì luôn thay đổi, DN nhỏ và vừa thì như đứa con nghèo thường xuyên bị bỏ rơi, tự mình bươn chải. Các chính sách của Nhà nước cũng chưa thực sự hướng đến DN nhỏ và vừa, giúp khu vực này phát triển.
Có vẻ như rất khó, nhưng thực tế không phải không có lối ra, việc hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm sau và sắp tới gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có là một cánh cửa mới mở ra?
- Tôi nghĩ đó lại là thách thức nhiều hơn với DN Việt nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng. Chúng ta chưa có những DN vượt trội mang tính dẫn dắt thị trường, tính liên kết của DN Việt cũng rất yếu. DN nhỏ và vừa lại càng khó hơn khi mạnh ai nấy làm, sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, làm ăn kiểu chụp giựt “mì ăn liền”, không có chiến lược sản xuất - kinh doanh dài hơi thì không có kế hoạch phát triển sản phẩm, thị trường. Do vậy, cơ hội có đó nhưng DN khó tiếp cận, nắm bắt được những cơ hội này khi hợp tác kinh tế mở ra ngày càng sâu rộng .
* Chưa ai giàu ba họ
Bản thân Thanh Bình cũng là một trải nghiệm cho mô hình DN nhỏ và vừa, ông chia sẻ điều gì sau gần 30 năm lập thân, lập nghiệp?
- Tôi cũng vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của hệ thống. Từ chăn nuôi theo kinh nghiệm truyền thống của gia đình sang chăn nuôi công nghiệp, rồi lấn sang chế biến thức ăn gia súc, kinh doanh nguyên liệu, gần đây lại mua - bán các công ty với hơn 20 thương vụ đã được thực hiện. Tôi cũng đã từng mất cả 100 tỷ đồng cho việc kinh doanh cà phê trên mạng. Cũng đã từng kinh doanh gạo sạch, chế biến gà... Nói chung là có lỗ, có lời và quan trọng là sự ứng phó để có sự thích nghi khi nhận thấy xu thế thị trường có những biến động.
Ở Đồng Nai cũng có những doanh nhân khởi nghiệp từ làm thuê hay làm ăn nhỏ và nay họ là những doanh nhân nổi tiếng vượt xa khỏi địa bàn?
- Tôi nghĩ những trường hợp như anh Trần Bá Dương của ôtô Trường Hải hay Huỳnh Phú Kiệt của Toàn Thịnh Phát... là những người giỏi thật sự. Dĩ nhiên trong làm ăn có yếu tố may mắn nhưng sự nhạy bén, nắm bắt cơ hội thì không phải ai cũng có khả năng. Và điều này thể hiện trình độ, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược của những doanh nhân hàng đầu.
Không phải ai cũng có thể dành cho những người thành công sự ngưỡng mộ như thế nhưng ông có nghĩ là mình cũng có thể?
- Tôi đã lỡ dấn thân vào ngành chăn nuôi quá sâu và trải qua cả một quãng đường của thời kỳ sung sức nhất. Nhưng như những gì diễn ra thực tế, nhà nông luôn vất vả dù có vắt sức cả đời.
“Sắp tới đây có lẽ còn khó khăn hơn khi một vài tập đoàn lớn nước ngoài cắm rễ sâu vào lĩnh vực chăn nuôi nước ta. Họ chi phối về giống, kỹ thuật, thực phẩm và thị trường, người chăn nuôi chỉ còn lại là sức lao động, một ít kinh nghiệm và mặt bằng để tham gia trong chuỗi đó. Tôi vẫn đang còn gắn bó với chăn nuôi dù không nhiều như ngày xưa và cũng đang dõi theo hướng đi của đồ thị ngành chăn nuôi. Quan trọng là Nhà nước sẽ có hỗ trợ gì cho ngành này khi nông hộ chiếm 70% trong cơ cấu ngành chăn nuôi cả nước“. |
Ông nghĩ gì về doanh nhân thời nay?
- Tôi chiêm nghiệm điều này: Thời nay hay thời xưa thì hình như doanh nhân Việt Nam chưa bước qua được lời nguyền “Không ai giàu ba họ”. Có lẽ do văn hóa người Á Đông có ảnh hưởng tới quan niệm đời cha làm tích lũy cho đời con, đời cháu vẫn là mục đích của nhiều thế hệ doanh nhân. Thế nên, đời cha gầy dựng, đời con kế thừa cũng đã là quý lắm, tới đời cháu thì hầu như chuyển hướng hay có khi tài sản cũng cạn kiệt vì sự hưởng thụ. Tôi thấy phương Tây lại khác, họ làm để khẳng định bản thân, để phát triển DN và lo cho gia đình. Nhưng khi con cái 18 tuổi là chuẩn bị con đường tự lập, vay vốn để học tập và đi làm để trả nợ, nếu có kế thừa tài sản sự nghiệp của gia đình thì cá nhân họ cũng đã qua những bước trải nghiệp để có thể giữ gìn và phát triển DN một cách có hiệu quả. Đồng tiền sinh lợi họ cũng đóng góp lại cho xã hội rất nhiều chứ không chỉ chăm bẵm kiếm lợi về cho cá nhân.
Thế còn tương lai?
- DN nhỏ và vừa đang hụt hơi trên “đấu trường” ASEAN với khoảng 600 triệu dân. DN nào còn cầm cự được trong cơn khủng hoảng kinh tế kéo dài này thì cũng cố gắng và tin tưởng vào sự thay đổi tích cực về mặt chính sách kinh tế. Tôi nghĩ sẽ có một cú hích đáng kể nào đó theo chiều hướng tích cực sẽ đem đến cơ hội kinh doanh cho DN, ai nắm bắt được cơ hội thì đó là khả năng của mỗi người. Tôi hy vọng Nhà nước sẽ có sự ứng xử tốt hơn, bình đẳng hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không chỉ ưu tiên cho DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Và biết đâu nền công nghiệp phụ trợ sẽ bắt đầu từ những DN nhỏ và vừa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Kim Loan (thực hiện)