Sau nhiều năm rà soát, UBND tỉnh đã quyết định rút quy hoạch của 13 cụm công nghiệp trên địa bàn. Còn lại 27 cụm công nghiệp nhưng có đến 19 cụm công nghiệp không có nhà đầu tư hạ tầng.
Sau nhiều năm rà soát, UBND tỉnh đã quyết định rút quy hoạch của 13 cụm công nghiệp trên địa bàn. Còn lại 27 cụm công nghiệp nhưng có đến 19 cụm công nghiệp không có nhà đầu tư hạ tầng.
Dù các địa phương trong tỉnh ra sức mời gọi doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để thu hút các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn vào sản xuất, song đến nay vẫn còn hơn 2/3 cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư. Qua khảo sát, những DN chuyên kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đều e ngại vì lo không thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất sản xuất.
* Doanh nghiệp hạ tầng “chê”
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Ngô Sĩ Bảng bày tỏ: “Trước đây, Tân Phú quy hoạch 4 cụm công nghiệp rộng 100 hécta, nhưng từ nhu cầu thực tế, huyện đề xuất loại bỏ 3 cụm công nghiệp: Phú Trung, Phú Lập, Phú Lộc, chỉ giữ lại cụm công nghiệp Phú Thanh với 30 hécta. Dù chỉ còn 1 cụm công nghiệp, huyện đã kêu gọi mãi nhưng chưa DN nào vào đầu tư hạ tầng”.
Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) hoàn thành hạ tầng từ nhiều năm nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào xây dựng nhà xưởng. |
Thực tế, DN ngại không dám đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ở Tân Phú cũng dễ hiểu, vì huyện này đã có sẵn 1 khu công nghiệp ngay trung tâm thị trấn hoàn tất hạ tầng từ lâu, nhưng đến nay mới chỉ có 1 nhà máy thuê đất sản xuất.
Mới đây, ngày 26-11 trong buổi làm việc về quy hoạch các cụm công nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát lại, các cụm công nghiệp còn lại nếu không phù hợp, cần đề xuất tỉnh loại bỏ để tránh đầu tư xong không cơ sở nào vào thuê đất sản xuất gây lãng phí. |
Tương tự, huyện Xuân Lộc cũng quy hoạch 2 cụm công nghiệp Suối Cát, Xuân Hưng cách đây hơn 10 năm, nhưng đến nay cũng chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết: “Một số DN hạ tầng đến tìm hiểu quy hoạch các cụm công nghiệp, nhưng sau đó đều từ chối vì chê giá đất phải bồi thường giải tỏa quá cao. Nhà đầu tư lo là sau khi đã bỏ ra số tiền lớn hoàn thiện hạ tầng sẽ không thu hút được các DN vừa và nhỏ vào”.
Khảo sát cho thấy, tại các huyện, thị, thành khác cũng đang diễn ra tình trạng khó kêu gọi được nhà đầu tư hạ tầng cho các cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
* Trả lại dự án
Trong tổng số 27 cụm công nghiệp được tỉnh quy hoạch, chỉ 8 cụm công nghiệp có nhà đầu tư. Trong đó, 3 cụm công nghiệp do UBND huyện làm chủ đầu tư và 5 cụm công nghiệp do các công ty kinh doanh hạ tầng làm chủ đầu tư. Nhiều dự án khác cũng tìm được DN đăng ký đầu tư hạ tầng, nhưng sau một vài năm thấy tình hình chưa sáng sủa, các “ông chủ” lần lượt rút lui trả lại dự án, như: Công ty cổ phần TP An Thái rút khỏi Cụm công nghiệp Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), Công ty vàng bạc đá quý Lực rút khỏi dự án Cụm công nghiệp Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), Tổng công ty Tín Nghĩa rút khỏi cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình chấm dứt không đầu tư 2 cụm công nghiệp Tân An và Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu).
Theo Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 20-2-2012 của UBND tỉnh, đến năm 2025, Đồng Nai sẽ quy hoạch 40 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.137 hécta. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, tỉnh yêu cầu rà soát để điều chỉnh lại quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn theo Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát, Chính phủ chấp thuận cho Đồng Nai giữ lại 27 cụm công nghiệp có tổng diện tích gần 1.497 hécta. |
Lý do các DN không tiếp tục dự án là vì khủng hoảng kinh tế dẫn đến khó khăn về tài chính. Chủ đầu tư lo ngại trong tình hình trên, bỏ ra một số vốn lớn làm hạ tầng xong chưa chắc đã tìm được nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao cùng nhiều khó khăn khác.
Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, một số quy định cho cụm công nghiệp còn khắt khe khiến những DN hạ tầng có ý định đầu tư e ngại, như: khi hạ tầng hoàn thiện trong một năm phải lấp đầy 30% diện tích cho thuê; các chính sách hỗ trợ, thủ tục đầu tư hạ tầng, khâu bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Do đó, các địa phương đều đề xuất tỉnh phải có chính sách cụ thể, rõ ràng cho các cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư. Những huyện vùng sâu, vùng xa, như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ thì nên có chính sách ưu đãi riêng cho nhà đầu tư.
Thực tế, ngay tại TP.Biên Hòa, Cụm gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) dù đã hoàn thiện hạ tầng từ lâu nhưng nhiều DN sản xuất gốm vẫn chưa muốn vào. “Di dời sản xuất gốm vào cụm công nghiệp, DN phải tốn hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trong khi nhà xưởng nơi đang hoạt động phải bỏ đi. Với những DN nhỏ, đây là khoản tiền rất lớn không phải ai cũng đủ khả năng” - ông Hứa Mỹ Chiêu, chủ DN tư nhân Phong Sơn ở phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) bày tỏ.
Hương Giang