Báo Đồng Nai điện tử
En

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nước sắp đến chân

09:11, 16/11/2014

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập. Đây được xem là cơ hội lẫn thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập. Đây được xem là cơ hội lẫn thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, ASEAN là thị trường lớn với khoảng 600 triệu dân và GDP lên đến 3 ngàn tỷ USD/năm. AEC được thành lập nhằm hình thành một thị trường chung với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, lao động, vốn, đầu tư... Đặc biệt, thuế suất của hầu hết các mặt hàng sẽ giảm dần về 0%.

* Bắt lấy cơ hội

Khối ASEAN hiện có 10 quốc gia là: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Lào, Campuchia, Singapore và Brunei. Việc hình thành AEC còn nhằm tăng vị thế trên thế giới của 10 quốc gia trong khối.

Khách mua hàng nhập khẩu tại Siêu thị Lotte Mart.
Khách mua hàng nhập khẩu tại Siêu thị Lotte Mart.

Ông Nguyễn Sơn, chuyên gia kinh tế của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, cho biết: “Đến cuối 2014, khoảng 72% dòng thuế hàng hóa của các nước trong khối ASEAN sẽ giảm về 0% và đến 1-1-2015 sẽ có 90% các dòng thuế về 0%, số còn lại chỉ được linh hoạt đến 2018. Việc cắt giảm thuế nhiều mặt hàng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu vào thị trường trong khối và giảm được nhiều chi phí khi nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất. Đồng thời, cũng dễ dàng thu hút đầu tư và mở rộng đầu sang các các nước trong khối ASEAN”. Nhưng ông Sơn cũng lưu ý, ngoài những thuận lợi trên doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là hàng hóa từ các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam. Thêm vào đó, nếu thiếu có chiến lược quản trị tốt, doanh nghiệp không những không thể xâm nhập được thị trường trong khối mà còn thua ngay sân nhà.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết: “Khi AEC chính thức thành lập, hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ hàng Thái Lan, Singapore, Malaysia. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải chú ý nghiên cứu thị trường trong khối, tìm ra lợi thế riêng và mời các chuyên gia nước ngoài để họ tư vấn về sản xuất cho những thị trường doanh nghiệp đang nhắm đến. Đồng thời, doanh nghiệp nên chuẩn bị hàng hóa tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành trong khối ASEAN để giới thiệu quảng bá sản phẩm và tìm đối tác”.

* Những thị trường tiềm năng

Một cuộc khảo sát đánh giá gần đây về năng suất lao động của Việt Nam được công bố trên nhiều phương tiện truyền thông cho thấy, năng suất lao động Việt Nam hiện đứng gần cuối bảng so với các quốc gia trong khối ASEAN. Do đó, nhiều lo ngại cho rằng, sắp tới việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam có thể sẽ giảm vì lợi thế về lao động và thuế dần mất đi.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó trưởng phòng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), nói: “Có 3 thị trường quan trọng trong khối ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt là: Campuchia, Lào và Myanmar. Đây là 3 nền kinh tế phát triển chậm hơn Việt Nam nên doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu sang những nước này và nhập khẩu về các nguyên liệu thô để sản xuất. Nhóm hàng 3 nước trên khẩu nhiều và tăng nhanh từ Việt Nam là: hàng dệt may, máy móc, sắt thép, xi măng, phân bón và gốm sứ”. Cũng theo ông Kiên, 3 quốc gia trên chủ yếu sống bằng nông nghiệp, đất đai bỏ hoang còn nhiều nên ngoài xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt có điều kiện có thể mở rộng đầu tư sản xuất nông nghiệp vào các nước này, đặc biệt là Myanmar - nước này vẫn còn khoảng 11 triệu hécta đất bỏ hoang và thời gian cho thuê đất là 70 năm. Du lịch, viễn thông, ngân hàng, bất động sản là những ngành 3 nước phát triển chậm đang có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.

Với quyết tâm cải cách thể chế, xây dựng năng lực và thực hiện mục tiêu đề ra, AEC sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư và kinh doanh. Theo dự báo của Viện Kinh tế ASEAN và Đông Á, trước 2030, sẽ có 3-4 quốc gia trong khối ASEAN được xếp vào nhóm thu nhập cao, 2-4 quốc gia xếp vào nhóm thu nhập trung bình cao. Dự kiến vào năm 2030, ASEAN có 720 triệu dân với mức tăng trưởng cao và thực sự trở thành một thị trường có quy mô lớn, năng động, cạnh tranh cao và hội nhập sâu vào thế giới.

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 năm nữa AEC chính thức thành lập, các nước trong khối đều nhanh chân hoàn tất cơ chế một cửa quốc gia để tiến đến một cửa ASEAN. Doanh nghiệp tham gia chỉ phải nộp hồ sơ một lần qua một cửa quốc gia, các ngành liên quan sẽ tự cập nhật giải quyết thủ tục và sớm thông quan hàng hóa. Việc này giúp doanh nghiệp giảm được nhiều thời gian, chi phí đi lại nộp hồ sơ và hàng hóa thông quan nhanh, rút ngắn thời gian và hàng lưu kho. Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho hay: “Doanh nghiệp nên chuẩn bị trước về nhân lực, tài chính để tham gia vào chương một cửa quốc gia và tiến đến một cửa ASEAN. Theo đó, nhân lực phải có người hiểu biết và làm được các hồ sơ theo cơ chế một cửa quốc gia và tài chính là để nâng cấp máy móc thiết bị cho đồng bộ, mua phần mềm quản lý dữ liệu để thực hiện”.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều