Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội lớn

12:09, 20/09/2014

Trong hơn 80 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của Đồng Nai, xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) nổi lên như một "thương hiệu" bởi sự năng động, hiệu quả và nhất là tư duy sản xuất lớn hiếm gặp ở những HTX nông nghiệp đang vật lộn để tồn tại.

Trong hơn 80 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của Đồng Nai, xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) nổi lên như một “thương hiệu” bởi sự năng động, hiệu quả và nhất là tư duy sản xuất lớn hiếm gặp ở những HTX nông nghiệp đang vật lộn để tồn tại. Với 50 xã viên và 150 hécta đã cho thu hoạch, xoài Suối Lớn là HTX nông nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận VietGAP cho trái xoài vào năm 2010 và đã xuất khẩu (dù sản lượng chưa nhiều) đi các thị trường châu Âu, Hong Kong, Ukraine, Trung Quốc… Hiện tại, đang có nhiều đối tác từ châu Âu, Hàn Quốc, Tây Phi... đến thăm và đặt vấn đề hợp tác với xoài Suối Lớn.

“Linh hồn” của HTX xoài Suối Lớn là một người quê gốc Đồng Tháp nhưng “bén rễ” với vùng đất Xuân Lộc gần 20 năm nay - ông Nguyễn Thế Bảo. Hơn 7 năm Suối Lớn thành lập là chừng đó thời gian ông “vác” tiền nhà đi tìm đối tác, xuất ngoại tìm thị trường, mời khách về thăm HTX… với mong muốn đưa sản phẩm xoài ra thế giới. Ông Bảo nói, nông nghiệp thời hội nhập đang mở ra quá nhiều cơ hội cho nông dân, và phải thay đổi cách làm mới có thể nắm bắt được.

* Nông dân chỉ làm khi thấy hiệu quả

 Ông là người bôn ba đi tìm thị trường cho trái xoài, những khó khăn nào ông “sợ” nhất?

- Phải thừa nhận rằng với sản xuất nông nghiệp hiện tại, đối với nông dân thì làm ra không sợ, tìm chỗ bán mới sợ. Tôi tìm thị trường ở khắp mọi nơi, thông qua các hội chợ nông nghiệp, xúc tiến thương mại, các hội thảo… hễ có cơ hội là tiếp cận, kể cả đối tác nước ngoài dù ngoại ngữ không giỏi. Khi gặp họ, tôi nghĩ ít ra mình cũng biết họ muốn gì, họ chuộng loại xoài nào, yêu cầu kỹ thuật ra sao… Không thể sản xuất một cách mù mờ mãi mà không biết thị trường muốn gì, chưa kể sau tôi còn có hàng chục xã viên đã đặt niềm tin. Tuy vậy, tôi thấy mình vẫn chưa làm được nhiều. Xoài Suối Lớn đã có chút tiếng tăm, nhưng mong muốn của chúng tôi là xuất đi nhiều thị trường với số lượng lớn hơn, vì hiện tại chủ yếu vẫn bán trong nước hoặc xuất đi Trung Quốc với giá cả khá bấp bênh.

Nông sản Việt Nam nói chung, trái cây nói riêng trước nay phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ông có nghĩ rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường là điều bất lợi cho nông sản Việt? Phải làm sao để thoát khỏi sự lệ thuộc đó?

Tầm nhìn của chúng tôi không dừng lại ở 150 hécta của Suối Lớn, phải nhìn rộng hơn. Xoài Đồng Nai đâu có thiếu: Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc… đều là những vùng trồng xoài lớn. Vấn đề là tìm thấy đầu ra, nắm được yêu cầu và liên kết lại, tôi cho rằng sẽ liên kết được nếu tìm thấy đầu ra bền vững. Cần có hợp đồng trước thông qua HTX hoặc một DN nào đó, HTX hay DN đó ký lại với nông dân để sản xuất cùng quy trình, ngoài ra cũng phải nắm được sản lượng từng nơi và phân bố hợp lý.

- Năm 2013, chúng tôi điêu đứng vì thị trường Trung Quốc. Thị trường này trước nay vốn rất dễ dãi, hàng hóa nào sang cũng được và hầu như không có hàng rào kỹ thuật nào cho nông sản. Chính vì thế, sản xuất cho thị trường này… dễ hơn hẳn, bón phân nào cũng xong, xịt thuốc nào cũng được nên rất nhiều loại nông sản Việt Nam, không riêng gì xoài, xem đây là thị trường chính. Nhưng sau sự kiện biển Đông, sau nhiều lần gặp khó vì cung cách làm ăn của đối tác, chúng tôi có suy nghĩ khác. Xoài Suối Lớn đã có chút thương hiệu, nhiều cơ hội đã mở ra, vì thế chúng tôi không thể cứ dễ dãi trông mong vào thị trường này mãi được, vì lời lãi cũng chỉ vừa đủ. Chúng tôi muốn nhắm đến những thị trường rộng lớn hơn, khó tính hơn, do vậy phải thay đổi cách làm, thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Tôi nghĩ đây sẽ là hướng đi hiệu quả và lâu dài nhất.

Tiếp xúc với nhiều khách hàng quốc tế, ông thấy hạn chế lớn nhất của xoài Suối Lớn nói riêng và nông sản nói chung là gì khi đối diện với những đơn hàng lớn?

- Trở ngại lớn nhất là công nghệ bảo quản. Với trái xoài tươi bán trong nước, chúng tôi chỉ cần bảo quản 1 tuần trở lại, nhưng với xoài xuất khẩu, ít nhất phải bảo quản được trên 30 ngày, đòi hỏi công nghệ cao. Chúng tôi rất tâm huyết với điều này và muốn có những nghiên cứu, đầu tư thực sự. Thời gian qua, một vài nhà khoa học cũng có các nghiên cứu, hỗ trợ chúng tôi về công nghệ bảo quản xoài, chuối, dưa hấu... Trước mắt, chúng tôi muốn và sẽ tìm cách hợp tác với doanh nghiệp (DN) để thực hiện công đoạn này, bởi nếu chỉ dựa vào sức mình thì khó. Chúng tôi làm việc và có kinh nghiệm về yêu cầu của nhiều thị trường khác nhau, vấn đề còn lại là công nghệ bảo quản và sơ chế phù hợp.

* Chữ tín phải đến từ cả 2 bên

Ông nói nhiều về sự liên kết giữa DN - nông dân. Nhưng thực tế, nhiều DN khá ngại ngần khi hợp tác với nông dân bởi thói quen chịu trách nhiệm và giữ chữ tín của họ chưa thực sự hình thành trên diện rộng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Phải có cái nhìn công bằng về vấn đề này. Tôi đồng ý có nhiều trường hợp nông dân “phá” hợp đồng với DN khi thương lái bên ngoài mua giá cao hơn một chút. Nhiều DN khi ký hợp đồng với Suối Lớn đã đặt ra vấn đề này và chúng tôi phải đứng ra đảm bảo, đôi khi đảm bảo bằng uy tín HTX, đôi khi bằng uy tín của cá nhân tôi. Nhưng cũng có rất nhiều nông dân giữ chữ tín với DN, dù giá bên ngoài khi đến mùa có cao hơn. Cũng không ít DN dây dưa, không chịu mua nông sản khi mùa vụ rộ hoặc khi họ gặp trục trặc phía đối tác tiêu thụ. Tất cả đều có thể xảy ra và tôi nghĩ điều này sẽ được cải thiện, trước mắt chúng ta cần những ràng buộc rõ ràng và minh bạch cho cả 2 bên.

Tính chuyên nghiệp và tầm nhìn lâu dài, liệu có phải là những khái niệm còn xa xôi đối với đa số nông dân hiện tại?

Chúng tôi đã và đang theo đuổi kế hoạch tổ chức cánh đồng mẫu lớn theo hướng dẫn của tỉnh, trước mắt là cho 150 hécta của các xã viên xoài Suối Lớn. Chỉ khi có một diện tích tương đối lớn, chúng tôi mới có thể tiếp cận với công nghệ, vốn liếng, mới có thể vận động nông dân sản xuất theo các chuẩn VietGAP hay GlobalGAP mà đối tác yêu cầu. Đã trải qua kinh nghiệm huấn luyện VietGAP, xã viên Suối Lớn đã sẵn sàng cho mô hình này.

- Trước mắt, phải nhận xét là do cuộc sống còn khó khăn nên đa số nông dân chỉ đủ sức quan tâm đến thu nhập trước mắt. Chưa thể đòi hỏi họ có một cái nhìn hay chiến lược lâu dài, dù rằng điều đó có lợi đến đâu. Vì thế, chúng tôi vẫn cần đến nhà nước, cần đến sự chăm lo của chính sách. Có chính sách phù hợp, nhìn thấy lợi ích bền vững thì nông dân sẽ làm. Nếu không có những điều đó, nếu không làm cho họ “thấy” được hiệu quả và lợi ích thì khó đòi hỏi họ nghĩ đến những thứ, như: “tầm nhìn”, “chiến lược” khi bữa cơm hàng ngày vẫn còn bấp bênh.

* Các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp thành lập rất nhiều, nhưng giải thể cũng nhiều và đa phần hoạt động chưa hiệu quả. Nhìn về thực tế hoạt động của Suối Lớn và nhiều HTX nông nghiệp khác, ông nghĩ điều gì?

- Tôi không nghĩ chúng ta cần quá nhiều HTX đến thế. Chỉ cần 7 xã viên là có thể có một HTX. Nhưng thành lập rồi để làm gì? Thực sự với diện tích chỉ mười mấy hécta, một HTX cũng không thể làm gì, không thể ký những đơn hàng lớn hay đàm phán mua vật tư nông nghiệp với giá rẻ cho nông dân. Là những người sống “trong lòng” HTX, chúng tôi thấy rõ sự cần thiết và mong muốn có mô hình này, nhưng cá nhân tôi nghĩ, cần làm nhiều điều để các HTX hoạt động hiệu quả hơn. Một thực tế là dù vô cùng cần thiết cho nông dân, nhưng phần nhiều các HTX vẫn là HTX “nhiều không”: không trụ sở, không vốn liếng, không nhân sự phù hợp… Và liệu chúng ta sẽ làm được gì với thực tế này khi nông nghiệp hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh càng cao? Tôi có nghiên cứu, tìm hiểu mô hình HTX ở một số nước, họ hoạt động như một doanh nghiệp, thậm chí một tập đoàn. Chưa thể đòi hỏi Việt Nam giống như thế, nhưng tôi nghĩ mỗi vùng chỉ cần một số HTX hoạt động hiệu quả và có sức kết nối cao.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều