Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ hóa học Nguyễn Đức Thạch: Với tôi, khoa học có ý nghĩa hơn khi hướng đến nghề nông

10:06, 27/06/2014

Là người lớn tuổi nhất trong số 7 trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu của Đồng Nai vừa được tôn vinh, ở tuổi 78, TS.Nguyễn Đức Thạch vẫn miệt mài với công việc giảng dạy, viết sách, sửa luận văn và phản biện các dự án…

 

Là người lớn tuổi nhất trong số 7 trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu của Đồng Nai vừa được tôn vinh, ở tuổi 78, TS.Nguyễn Đức Thạch vẫn miệt mài với công việc giảng dạy, viết sách, sửa luận văn và phản biện các dự án…

Từng nhận học vị tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria, thông thạo 3 thứ tiếng, suốt nửa thế kỷ cống hiến cho khoa học, ông đã có một “gia tài nhỏ” với 6 công trình nghiên cứu lớn được công bố, 8 đề tài khoa học được ứng dụng, 4 tác phẩm dịch thuật và 6 cuốn sách biên soạn được xuất bản về các ứng dụng hóa học vào thực tiễn, rất gần gũi và dễ đọc. Trong đó, hầu hết các hoạt động, công trình nghiên cứu, sách vở của ông đều hướng đến nghề nông. Với ông, khoa học chỉ có ý nghĩa khi hòa vào thực tiễn sản xuất, và đặc biệt là phục vụ được nông dân.

* Điều gì đã khiến ông gắn bó suốt nửa thế kỷ qua với môn Hóa học, môn được xem là rất khô khan và độc hại, và chưa bao giờ là một môn “thời thượng” cả?

- Tôi học hóa học tại Trường đại học tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học khoa học tự nhiên). Gần 10 năm sau, tôi được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Bulgaria. Tôi may mắn được nhà nước đài thọ chuyện học hành từ cấp 3 (đệ nhị) do thuộc gia đình liệt sĩ. Lúc đó, được học hành đã là một hạnh phúc lớn, nên nói tôi “yêu” hóa học ngay từ những ngày đầu tiên thì chưa hẳn. Quá trình học hành, rồi ra trường làm việc mới ngày một say mê hơn.

* Ông nghĩ thế nào về việc hiện nay dù điều kiện học tập rất đầy đủ, song nhiều địa phương trong cả nước vẫn rơi vào tình trạng các cử nhân, thậm chí thạc sĩ không tìm được một chỗ làm?

- Sự lựa chọn của giới trẻ bây giờ rất khác với chúng tôi ngày đó, cơ hội và thông tin nhiều hơn, đa dạng hơn. Song trong suy nghĩ cá nhân tôi, điều này đôi lúc lại làm các em rối trí. Tình trạng thừa thạc sĩ, thừa cử nhân do sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm, tôi thấy chủ yếu là những ngành mà chúng tôi gọi là “phi thí nghiệm” và “phi toán”, tức là những ngành không có công nghệ kỹ thuật. Tìm hiểu của tôi cho thấy, những nghề thuộc công nghệ - kỹ thuật, dính đến sản xuất ra vật chất thì lại không bị “ế”, dù có khó khăn các em cũng sẽ tìm được việc làm. Thậm chí, con em nông dân chỉ cần học nghề nông, cũng sẽ biết cách biến đất đai thành tiền của.

* Từng rời bỏ một trường đại học và một viện lớn đế tìm đến với thực tế trong nghiên cứu khoa học, đồng nghĩa với việc bỏ qua các cơ hội vinh danh, phong hàm. Quan niệm của ông như thế nào về học vị, bằng cấp và sự tôn vinh chúng một cách thái quá như xã hội Việt Nam đang trải qua?

- Hiện nay chúng ta đang “lệch” chỗ này và còn “lệch” nhiều chỗ khác, một trong những điều đáng ngại là nhiều loại văn bằng học vị được cấp quá dễ dàng. Nhiều người bỏ tiền mua bằng cấp là một lẽ, có những người đang làm công việc của mình một cách suôn sẻ, cũng lại nảy sinh ra tư tưởng “mua” thêm bằng cấp để thăng chức, hoặc đơn giản chỉ “làm sang” thêm lý lịch học vấn của mình. Các loại bằng cấp ấy chủ yếu ở những ngành phi công nghệ đã nói ở trên. Rất tiếc giới truyền thông cũng chưa có chính kiến rõ ràng về vấn đề này. Hãy đối xử công bằng với các ngành học, đặc biệt nếu đã coi học nghề, học làm thợ là đáng khích lệ, thì hãy cổ vũ mạnh mẽ các bạn trẻ khi thi vào đại học thì hãy chọn những ngành công nghệ sản xuất, nhất là trong tiến trình nhà nước đang tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay.

* Ông nổi tiếng với suy nghĩ: kiến thức chỉ hữu dụng khi biến chúng thành… tiền. Ông đã làm như thế nào trong hơn 50 năm làm khoa học?

- Ban đầu, tôi là một giảng viên của Trường đại học tổng hợp, một trường lớn chuyên dạy về lý thuyết cơ bản. Song, quá trình làm việc ở đây thời ấy cho tôi nhận xét là những nghiên cứu tại đó hầu hết không ứng dụng được. Vậy nên từ Bulgaria về, tôi chuyển tới Viện Địa chất, nhưng những nghiên cứu cũng không đi vào thực tế. Rồi tôi quyết định xin về địa phương với hy vọng có môi trường ứng dụng những nghiên cứu thực tế của mình trong ngành Hóa, từ bỏ con đường phấn đấu nhận hàm vị cao.

Tôi vào Đồng Nai làm ở Ủy ban khoa học kỹ thuật, và tại đây tôi tìm thấy những cơ hội ứng dụng các nghiên cứu của mình vào thực tế, đúng với tâm huyết của tôi về khoa học: “Biến tri thức thành tiền”. Những nghiên cứu của tôi có khi xuất phát từ bản thân, có khi từ đặt hàng của doanh nghiệp, như: thuốc diệt rầy, kỹ thuật phốt-phát cho cánh quạt, làm màu vàng chùa cho nhà máy sơn... Quan điểm của tôi là biến kiến thức thành một loại hàng hóa có giá, ít nhất là trong giai đoạn đầu của một nước bắt đầu công nghiệp hóa như nước ta.

Với nhiều nỗ lực, tiến sĩ hóa học Nguyễn Đức Thạch đã cho ra đời nhiều đầu sách hướng vào việc đưa bộ môn Hóa học đến gần với cuộc sống thường ngày, với nông nghiệp - nông thôn. Những cuốn sách được viết một cách dung dị và dí dỏm mang đến nhiều kiến thức cho người đọc trong cuộc sống hàng ngày và sản xuất nông nghiệp, như: Những nghề gắn với nông thôn; Hóa học và nông nghiệp; Đất sét; Nước và đời sống, Hóa học trong cuộc sống hiện đại,... hay như những cuốn sắp xuất bản: Hướng nghiệp dạy nghề; Một mảng hóa học... Ông nói, những điều này làm kiến thức Hóa học lan rộng và gắn bó với nông dân hơn.

* Lựa chọn những môn yêu thích, song điều gì sẽ đảm bảo các sinh viên sống được với lựa chọn của mình? Bản thân ông có làm giàu được với kiến thức của mình chưa?

- Những điều tôi thu lượm được là rất hạn chế để có thể gọi  là kinh nghiệm muốn chia sẻ, chỉ khuyên các em đừng ngại ngần đối với môn Hóa học hay bất kỳ ngành kỹ thuật nào. Song, những việc dễ làm và nhàn hạ thì nhiều người đều lao vào, làm sao thu được lợi nhiều? Nếu bàn về phương diện kiếm tiền, các em ngày nay có nhiều cơ hội hơn thời chúng tôi, vì cả xã hội đang ở trong cao trào sản xuất ra của cải. Nhưng phải có điều kiện tiên quyết, đó là kiến thức và kỹ năng cho một nghề nào đó. “Khoe cái tôi” là rất kỵ đối với giới trí thức. Những năm 80 thế kỷ trước, chỉ bằng một công trình chế biến nguồn nước thải của Nhà máy giấy Cogido bán cho công ty thuốc sát trùng làm thuốc diệt sâu rầy, tôi đã từ chỗ “nghèo rớt mùng tơi” trở nên khá giả vì thu được số tiền lớn từ công trình ấy. Một số công trình khác của tôi cũng được trả công xứng đáng. Vì thế, hãy dũng cảm lựa chọn những nghề tạo ra của cải, ngành Hóa chẳng hạn, và phấn đấu “bắt nó hái ra tiền” cho mình!

* Là một nhà hóa học, vì sao những hoạt động nghiên cứu của ông lại hướng đến nông nghiệp, nông dân?

- Lên 5 tuổi tôi đã học chữ Nho, từ Tam tự kinh đến Tứ tự kinh văn, rồi sang Minh Tâm bảo giám, Tứ thư - Ngũ kinh... Gia đình tôi rất nghèo, cha tôi đi chăn vịt đẻ lấy trứng bán nuôi gia đình, tôi từ nhỏ cũng đi chăn vịt, lăn lộn kiếm sống, thậm chí đến nay vẫn còn 2 vết thương do lao động. Gia đình ở tầng lớp cùng đinh, họ hàng gom tiền cho tôi đi học để biết chữ viết gia phả. Từ nghèo khổ đi lên, khi có chút kiến thức, tôi không nghĩ gì khác được, tôi phải nghĩ về nghề nông thôi.

* Dưới góc nhìn của một nhà hóa học, quan niệm của ông về nghề nông như thế nào?

- Nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực lại quá lớn, liên quan đến sáu, bảy chục triệu dân, tôi không thấu hiểu được hết. Mấy năm gần đây, với đường lối xây dựng nông thôn mới, mô hình cánh đồng mẫu lớn và nhiều chính sách khác, chắc chắn nghề nông sẽ có bước tiến vượt bậc. Riêng về ngành Hóa thì không ít việc phải làm để phục vụ nghề nông cho tốt. Phải giúp nông dân có những loại phân bón và nông dược không những hiệu quả mà còn không gây độc hại, không tác động xấu đến môi trường, đến chất đất. Một việc có lúc người ta tưởng dễ làm như tạo ra cách xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu để giúp nhà nông tiêu thụ nông sản được thuận lợi, thì đến nay gần như vẫn để ngỏ. Rồi hiện nay nhiều làng nghề lại bị ô nhiễm môi trường đến khủng khiếp. Theo tôi, sản xuất lâu bền phải tiến đến sản xuất lớn mới có thể ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật. Và ngành Hóa sẽ không thiếu việc làm để phục vụ nghề nông.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều
Dịch vụ viết thuê luận văn uy tín