Vừa qua, Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) - nông dân nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, người vay đủ điều kiện sẽ được giải quyết vốn nhanh chóng, kịp thời.
Vừa qua, Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) - nông dân nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, người vay đủ điều kiện sẽ được giải quyết vốn nhanh chóng, kịp thời.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cho biết nét mới của chương trình kết nối năm 2014 là ngân hàng đã trực tiếp ký kết chuyển tiếp hàng chục tỷ đồng cho DN, nông dân vay ngay tại hội nghị chứ không chỉ là dịp để lắng nghe và giải đáp thắc mắc như trước.
* Vốn rẻ ra thị trường
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN - nông dân diễn ra tại TX.Long Khánh vào ngày 13-6, 27 khách hàng là DN, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân đã ký biên bản với đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thỏa thuận giao ước vốn tín dụng với tổng số tiền được vay là 33 tỷ đồng. Trước đó, các DN, nông dân tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất tham gia hội nghị kết nối cũng đã được vay hàng tỷ đồng với lãi suất thấp.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), nhận xét hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đã dễ dàng hơn trước rất nhiều. Nhiều chính sách hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại, hỗ trợ về vốn... đã đến được với nông dân. “Qua tìm hiểu, tôi thấy Nhà nước đang có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành chế biến nông sản, nhất là cơ hội về nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Theo đó, HTX xoài Suối Lớn đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến với dự án xây dựng nhà máy chế biến xoài, tổng vốn đầu tư khoảng 24 tỷ đồng” - ông Bảo nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 5, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 85 ngàn tỷ đồng, tăng 5,36% so với đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng thuộc nhóm các địa phương đứng đầu và vượt cao so với mức tăng chung của toàn quốc.
* Khó hạ lãi suất vay dài hạn
Hiện tỷ trọng các khoản vay có lãi suất dưới và đến 8%/năm đã chiếm trên 45% tổng dư nợ, các khoản vay có lãi suất trên 8% đến 13%/năm chiếm hơn 51% tổng dư nợ. Riêng các khoản vay có lãi suất cao (trên 13%/năm) chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ. Đây phần lớn là các khoản vay trung và dài hạn quá hạn, đang trong giai đoạn cơ cấu lại nợ, mức độ rủi ro kinh doanh cao nên không đủ điều kiện hưởng lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, theo nhiều DN, lãi suất trung và dài hạn vẫn khá cao do nhiều ngân hàng chỉ giảm lãi suất các khoản vay ngắn hạn. Ông Nguyễn Sỹ Hải, Giám đốc Công ty TNHH nông sản Phú Quý (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Khoảng 3 tháng trước, tôi được ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất vốn vay từ 10% xuống còn 8%/năm. DN rất phấn khởi vì tiếp tục được hưởng lãi suất thấp này trong gói vay mới. Nhưng gói vay lãi suất giá rẻ hiện chủ yếu tập trung ở vay ngắn hạn. DN rất mong lãi suất vốn vay trung và dài hạn cũng được hưởng mức giá rẻ này để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất”.
Đồng ý kiến trên, ông Đinh Tiến Lanh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ, thương mại, nông nghiệp Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), cho biết: “Chúng tôi muốn vay vốn đầu tư nhà máy xử lý rác thải nên rất mong tiếp cận được nguồn vốn vay dài hạn với giá rẻ”. Ông Lanh cũng bày tỏ mong muốn ngân hàng nên linh hoạt hơn trong những quy định về mặt thế chấp tài sản, tăng hạn mức cho vay để tạo cơ hội cho nông dân mở rộng đầu tư sản xuất.
Bình Nguyên