Báo Đồng Nai điện tử
En

Èo uột ngành chế biến trái cây (Bài cuối)

04:06, 26/06/2014

Bên cạnh xuất khẩu, phát triển ngành chế biến nông sản được xem là lời giải cho bài toán đầu ra của ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao giá trị nông sản. Nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư.

Bên cạnh xuất khẩu, phát triển ngành chế biến nông sản được xem là lời giải cho bài toán đầu ra của ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao giá trị nông sản. Nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư.

Chế biến chuối tại núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc.
Chế biến chuối tại núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc.

Nhưng thực tế, nông dân vẫn loay hoay với bài toán thay đổi cây trồng hiệu quả. Vừa qua, nhiều loại trái cây vẫn đổ đống sau thu hoạch bởi vai trò của ngành chế biến hầu như vẫn là con số không. 

* Phát triển manh mún

Việt Nam không thiếu các loại trái cây ngon với sản lượng lớn, hoàn toàn có thể chế biến thành nhiều sản phẩm thu hút người dùng. Thực tế, nhu cầu sử dụng sản phẩm trái cây sau chế biến của người tiêu dùng nội địa, như: nước ép trái cây, trái cây đóng hộp, trái cây tẩm gia vị, trái cây sấy... ngày càng lớn. Thị trường không thiếu các dòng sản phẩm ngoại nhập cho người tiêu dùng lựa chọn. Thế nhưng những thương hiệu Việt trong ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy đã có một số DN nhỏ và vừa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng vẫn chiếm vị trí khá khiêm tốn do yếu vốn và năng lực phát triển thị trường hạn chế.

TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, so sánh: “Chỉ cần qua các nước lân cận, như: Thái Lan, Malaysia... sẽ thấy ngành chế biến của họ phát triển rất mạnh. Malaysia nhập giống thanh long của Việt Nam và họ đầu tư ngay vào chế biến ra 5-6 loại sản phẩm khi chỉ mới phát triển diện tích vài trăm hécta. Việt Nam có hàng chục ngàn hécta thanh long nhưng khâu chế biến hầu như bỏ trống. Đây cũng là tình trạng chung của ngành chế biến trái cây Việt. Sau một thời gian dài bị quên lãng, hiện nay Nhà nước bắt đầu đề cập đến phát triển ngành chế biến nhưng vẫn chưa có một chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể nào để thu hút DN đầu tư.

So với thế giới, công nghiệp chế biến Việt Nam đi sau rất nhiều, điểm xuất phát lại thấp nên sản phẩm chế biến gặp không ít khó khăn khi tham gia vào thị trường. Giai đoạn mở cửa, nông sản, thực phẩm chế biến ngoại tràn vào khiến DN nội vất vả cạnh tranh ngay trên sân nhà; xuất khẩu thì gặp khó về hàng rào kỹ thuật.

Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán), chuyên sản xuất các loại trái cây sấy, cho hay: “Sản phẩm của công ty chủ yếu chỉ xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang các thị trường lân cận không quá khó tính, như: Trung Quốc, Lào.... Tuy DN rất quan tâm tới thị trường Mỹ, EU nhưng vướng phải yêu cầu trái cây làm nguyên liệu phải truy nguyên được nguồn gốc. Hạn chế này khiến DN chưa tiếp cận được những thị trường giàu tiềm năng khác”.[links(right)]

Đây cũng chính là tình hình chung của một số làng nghề chuyên chế biến trái cây ở Đồng Nai, như: làng chuối sấy, chuối chiên ở huyện Thống Nhất; làng chuối ép dẻo, phơi khô ở khu vực núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc... Tồn tại hàng chục năm qua nhưng các làng nghề cũng chỉ dừng lại ở mức phát triển tự phát, chế biến theo kiểu thủ công. Chính vì vậy, sản phẩm chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương hoặc thị trường trong nước mà chưa có cơ hội xuất khẩu.

* Cần “bà đỡ”

Ngành chế biến luôn đồng hành, gắn kết với sản xuất nông nghiệp. Vì ngành này cần nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định về giá cả, sản lượng và chất lượng. Nhưng bao năm qua, nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển theo hướng tự phát. Giữa DN và nông dân cũng đang thiếu hẳn một cơ chế liên kết trong xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến. Từ đó xảy ra tình trạng DN đặt hàng bao tiêu sản phẩm của nông dân rồi khi dự án thất bại thì “trốn mất”; nông dân cũng sẵn sàng phá vỡ cam kết cung cấp nguyên liệu cho DN khi thị trường bên ngoài hút hàng, sốt giá. Trong khi đó, đầu tư vào ngành chế biến lại cần số vốn lớn nên DN thiếu mặn mà.

Riêng ông Phan Văn Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Quỳnh Anh (huyện Định Quán) lại cho rằng: “Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là khó tiếp cận nguồn vốn. DN dự kiến đầu tư làm thêm dòng trái cây sấy dẻo. Để cạnh tranh được trên thị trường hiện nay, DN không thể làm theo kiểu chắp vá mà cần có sự đầu tư bài bản về thiết bị, máy móc”. Hiện DN đang xuất khẩu rất tốt qua các thị trường Malaysia, Indonesia, Philippines... DN mong được gỡ khó về nguồn vốn để có thể nắm được cơ hội trong ngành chế biến còn giàu tiềm năng này. DN hiện vẫn đang “tự bơi” nên rất cần có một hiệp hội riêng cho ngành chế biến nông sản làm đầu mối liên kết DN; hỗ trợ cho DN về mặt thông tin, nhất là về những cơ chế, chính sách mới của Nhà nước.

Lê Quyên - Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích