Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có những khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) dệt may cần chủ động tìm thị trường nguyên phụ liệu mới để tránh việc phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn hàng từ Trung Quốc.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có những khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) dệt may cần chủ động tìm thị trường nguyên phụ liệu mới để tránh việc phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn hàng từ Trung Quốc.
Một góc xưởng may của Công ty may công nghiệp Đồng Nai. |
Thời gian qua, nhiều DN may mặc xuất khẩu Đồng Nai đã nâng tỷ lệ nội địa lên so với trước, cùng với việc đa dạng hóa thị trường nguyên liệu cho sản xuất. Đây cũng là bước đi tất yếu cho sự phát triển lâu dài.
* Nội địa hóa tăng
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty may công nghiệp Đồng Nai (Donamay, Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm bình quân cho 1 sản phẩm của DN hiện chiếm khoảng 20%. “Trước đây, nguyên phụ liệu trong nước sử dụng cho một sản phẩm chỉ chiếm 3%, còn hiện tại đã tăng lên khá nhiều. Một số nguyên phụ liệu, như: vải lót, chỉ, nút, dây kéo... chủ yếu là hàng trong nước” - bà Liên nói.
Bà Nguyễn Thị Việt, Phó giám đốc sản xuất Công ty cổ phần may Sơn Thắng (huyện Long Thành), cho rằng hiện nay nguồn nguyên phụ liệu được sử dụng khá đa dạng. Riêng phần nguyên phụ liệu trong nước khoảng 5 năm gần đây đã đáp ứng được nhiều hơn cho ngành may mặc so với trước đây. “ Một số loại vải hiện nay chúng tôi mua trong nước, không phải nhập khẩu, đó là những sản phẩm do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất nên chất lượng khá cao” - bà Việt chia sẻ. |
Đến nay, nguồn nguyên liệu mà Donamay nhập khẩu từ Trung Quốc về để sản xuất chỉ chiếm khoảng 20%, số còn lại được sử dụng hàng trong nước hoặc nhập khẩu từ Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Việc giảm dần nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đã được DN tính toán thực hiện trong nhiều năm qua để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Theo bà Liên, với các sản phẩm cao cấp, phần lớn nguồn vải được nhập từ Hàn Quốc, còn lại hàng trung cấp trở xuống thì nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc hoặc Hong Kong. Trong nhiều hợp đồng, khách hàng còn chỉ định sử dụng nguyên liệu từ một số nước cụ thể. Thị trường xuất khẩu hiện tại của Donamay là Nga và Đức.
Ở Tổng công ty may Đồng Nai (Donagamex, Khu công nghiệp Biên Hòa 1), nguồn nguyên phụ liệu trong nước được sử dụng khá cao, chiếm tỷ lệ khoảng 30%; lượng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hiện chỉ còn 30%, số còn lại (40%) được nhập khẩu từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Donagamex, cho hay tùy theo thị trường xuất khẩu mà đơn vị sử dụng nguồn nguyên phụ liệu. Cụ thể, các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản thì vải chủ yếu được nhập khẩu từ chính nước này, còn hàng xuất qua Mỹ hoặc châu Âu, tùy chủng loại có thể dùng nguyên liệu của Trung Quốc hay Hàn Quốc.
* Đón đầu các hiệp định
Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, không phải cho đến nay khi Trung Quốc tạo ra căng thẳng tại biển Đông thì các DN may mặc mới tìm các nguồn nguyên liệu ở thị trường khác để không phụ thuộc vào nước này. Trong thực tế, nhiều DN đã đi tìm các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu ở nhiều nước khác nhau để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng và đón đầu các hiệp định cắt giảm thuế quan. Đặc biệt, ở các DN làm hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, để được hưởng mức thuế 0% thì nguồn nguyên liệu phải sử dụng trong nước hoặc từ Nhật Bản, hay ít nhất phải nhập khẩu từ các nước ASEAN. Vì vậy, các đơn hàng may mặc này gần như không sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Vải không dệt do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã thay thế nhiều cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong ảnh: Sản xuất vải không dệt ở Công ty Đồng Việt Phú (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). |
Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng sắp tới, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan... được ký kết, các DN may càng phải đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước và các quốc gia được xác định miễn thuế. Theo ông Bùi Thế Kích, Trung Quốc có lợi thế về nguyên liệu giá rất cạnh tranh và khả năng đáp ứng đơn hàng lớn nhanh, nhưng sắp tới nhiều đơn hàng không thể sử dụng nguồn nguyên liệu từ nước này do không nằm trong các yêu cầu của các hiệp định song và đa phương.
Vân Nam